Dù có lý giải thế nào về nguồn gốc rồng thì trong tâm thức của người Việt truyền thống, rồng vẫn là một biểu tượng văn hóa rực rỡ.
Lan can hình rồng tinh xảo tại Đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) |
Từ xưa đến nay, rồng được xem là biểu tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, người Việt vẫn thường suy tôn nguồn gốc của mình là “Con Rồng, cháu Tiên” bởi rồng chính là biểu hiện của niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn.
Rồng xuất hiện rất sớm trong huyền thoại, truyền thuyết cũng như nghệ thuật tạo hình của nhiều dân tộc trên thế giới.
Tứ linh là 4 con vật trong thần thoại của một số nước Đông Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, bao gồm: Long (rồng), Lân (kỳ lân), Quy (rùa), Phụng (phượng hoàng).
Những con vật này có nguồn gốc từ 4 linh thần: Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước, được người xưa sáng tạo dựa trên các chòm sao. Các linh thần này dựa trên 4 nguyên tố cấu tạo nên trời đất: Đất, nước, lửa, gió.
Rồng, một biểu tượng văn hóa, ra đời từ sự nỗ lực của con người trong việc tìm hiểu và nhận thức thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, ở hai nền văn hóa Đông và Tây, sự nhìn nhận về rồng lại được quyết định bởi bản chất và đặc thù của mỗi nền văn hóa.
Nếu phương Tây coi rồng là biểu tượng cho sự xấu xa, độc ác, là đối tượng mà con người cần phải chinh phục thì ngược lại phương Đông lại xem rồng là biểu tượng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng. Rồng trong truyền thuyết, huyền thoại phương Đông thường được mô tả khác với rồng của phương Tây cả về dáng dấp và tính khí.
Ở phương Đông, rồng là biểu tượng của bản nguyên tích cực và sáng tạo, là sức mạnh của sự sống. Nguồn gốc sâu xa của biểu tượng này là do điều kiện tự nhiên (địa lý - khí hậu) và xã hội (lịch sử - kinh tế) quy định.
Yếu tố sông nước quan trọng với người phương Đông, vì vậy họ đã sáng tạo rồng với ý nghĩa đầu tiên là biểu tượng cho nước - sự phong đăng, mùa màng bội thu.
Cũng chẳng có gì lạ khi những vị thần đầu tiên trong tín ngưỡng xa xưa của phương Đông là những vị thần có liên quan đến nước. Do đó, thần nước cũng chính là thần Rồng.
Sau này, trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc phương Đông, rồng dần được gán thêm các ý nghĩa mới phù hợp với tính chất của thời đại như biểu tượng nguồn gốc dân tộc, vương quyền, cao sang, may mắn, thịnh vượng…
Được xem là vua trong thế giới sinh vật, nên dễ hiểu rồng là biểu tượng của điềm lành, sự may mắn và tốt đẹp đối với phương Đông.
Đối với phương Đông, rồng được xem là con vật nằm trong cung hoàng đạo, trong số 12 con vật. Rồng hiện diện trong nhiều loại hình nghệ thuật như trong múa, kịch; trang trí trên điêu khắc, kiến trúc...
Mặc dù có nhiều tranh cãi xung quanh nguồn gốc của hình tượng rồng, song dù có lý giải thế nào về nguồn gốc rồng thì trong tâm thức của người Việt truyền thống, rồng vẫn là một biểu tượng văn hóa rực rỡ.
Lan can hình rồng tinh xảo bên bậc cấp của Nghênh Lương Đình hay Nghênh Lương Tạ (kinh thành Huế) |
Trước hết, vì rồng là linh vật tổng hợp từ nhiều loại vật có thật trong tự nhiên, do vậy rồng mang trong mình hết thảy các ưu thế vượt trội của các loài, trong đó sức mạnh và quyền năng thiên biến vạn hóa là hai đặc tính quan trọng.
Với thuyết Hồng Bàng thị, người Việt Nam còn coi rồng là một biểu trưng của nguồn cội, của ý thức giống nòi và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Ý thức “Con rồng cháu tiên” sớm ngấm ngầm vào da thịt từng người con đất Việt từ thuở lọt lòng mẹ.
Ở chức năng tâm linh, rồng được hiểu là thần thánh. Tuy nhiên, chức năng tâm linh này của rồng thường được hiểu là gắn liền với chức năng ổn định tâm lý và giáo dục con người là chính.
Nhìn từ góc độ văn hóa, rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ở tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh.
Tổ tiên đã tạo ra biểu tượng rồng như là một biểu hiện của khát vọng vươn lên chinh phục tự nhiên và chinh phục chính mình. Cùng với thời gian, con người đã “thiên biến vạn hóa” biểu tượng rồng và sử dụng chúng theo những mục đích khác nhau, song chính những giá trị tốt đẹp của rồng trong tâm thức con người đã đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nó.
HA (tổng hợp)