Hình tượng "Chúa sơn lâm" trong văn hoá châu Á

02/02/2022 14:41

Đối với các quốc gia châu Á, nơi có quần thể hổ sinh sống đông đúc nhất, hổ được coi là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền, mang đậm dấu ấn tâm linh.

Bước ra từ những câu chuyện thần thoại và dân gian của nhiều nền văn hóa trên khắp châu Á, hổ được coi là loài dũng mãnh nhất trong muôn thú, được mệnh danh là "Chúa sơn lâm", "hùm thiêng" ngự trị tối cao trong rừng già và mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

Lễ hội đèn lồng đón năm mới ở Trung Quốc. Ảnh: Printest

Hình tượng con hổ đã đi sâu vào tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, cộng đồng, nhất là ở những chốn rừng sâu núi thẳm.

Đối với các quốc gia châu Á, nơi có quần thể hổ sinh sống đông đúc nhất, hổ được coi là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền, mang đậm dấu ấn tâm linh. Hình tượng con hổ đã đi sâu vào tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, cộng đồng, nhất là ở những chốn rừng sâu núi thẳm. Một số dân tộc còn thần thánh hóa loài hổ như một vị thần hay tập tục thờ Thần hổ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng hình ảnh con hổ là biểu tượng của đất nước, địa phương, là vật tổ của dân tộc, cộng đồng mình.

Trung Quốc: Hổ sinh ra đã là vua

Cùng với văn hóa Á Đông, trong văn hóa Trung Quốc, hổ là biểu tượng của sự uy quyền và dũng mãnh. Ở Trung Quốc, hổ được coi là vua của muôn loài bởi những vết vằn trên trán hổ rất giống với chữ 王 (vương). Người dân nơi đây tin rằng hổ sinh ra vốn dĩ đã là vua. Người Trung Quốc cổ đại rất đề cao sức mạnh của loài hổ, đặc biệt là ở các khu vực như phía nam và đông bắc nước này. Trong cuốn sách viết về các nghi lễ có từ khoảng 2.000 năm trước, hổ được coi là loài vật có ích vì chúng giúp con người săn bắt những con lợn lòi đến phá hoại mùa màng, hổ có thể bắt lợn “dễ như mèo bắt chuột”.

Người Trung Quốc còn thể hiện sự tôn thờ, gắn bó với hổ bằng cách sử dụng hình ảnh của loài vật này để bày tỏ kỳ vọng của mình về những điều tốt đẹp. Hổ thường dùng để chỉ những nhân vật xuất chúng, chẳng hạn các vị tướng giỏi, có chiến tích lẫy lừng thường được tôn vinh là “Hổ tướng”, những đứa trẻ có tài năng hơn người thường được gọi là “tiểu hổ”. Các vật dụng thời xưa cũng ít nhiều gắn với tên của loài vật này như hổ trướng, hổ phù. Hình mặt hổ được dùng phổ biến để trang trí giáp, trụ của các quan văn, quan võ trong triều đình.

Không chỉ là biểu tượng của sự dũng cảm, hạnh phúc và quyền lực, hổ còn được coi là một loài vật thiêng mang lại may mắn, có thể xua đuổi tà ma. Theo truyền thống, người ta tin rằng trẻ em đội mũ, đi giày thêu hình mặt hổ vào năm mới sẽ xua đuổi được tà ma. Truyền thống này vẫn tồn tại cho đến ngày nay ở các vùng nông thôn Trung Quốc.

Trong các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, mối quan hệ giữa người với hổ được thể hiện rõ nét nhất ở dân tộc Yi, vùng tây nam đất nước. Họ không chỉ coi số mệnh của mình như số mệnh của hổ mà còn tính hổ ở vị trí đầu tiên trong 12 con giáp và tự coi dân tộc mình là dân tộc hổ. Họ cho rằng người chết nếu không hỏa táng thì rất khó đầu thai làm hổ.

Ấn Độ: Hổ gắn liền với các vị thần

Nữ thần Durga cưỡi hổ. Ảnh: History Today

Loài hổ đã xuất hiện trong nền văn hóa Ấn Độ khoảng hơn 5.000 năm trước. Từ bao đời nay, loài vật này đã trở thành biểu tượng của sự oai phong, lẫm liệt, quyền lực và gắn liền với lòng dũng cảm. Hổ là một trong những động vật được khắc họa trên con dấu Pashupati của nền văn minh sông Ấn. Hình ảnh con hổ cũng xuất hiện trên phù hiệu, con dấu và đồng xu của Vương triều Chola. Quốc huy của Vương triều Pandya cũng in hình những con hổ.

Hình tượng con hổ có một vị trí quan trọng trong thần thoại Hindu, gắn liền với các vị thần tối cao trong văn hóa Ấn Độ.Trong tranh tượng của đạo Hindu, da hổ là một chiến tích của thần Siva và hổ là vật cưỡi của thần Shakti. Thần Durga - nữ thần của quyền lực và sức mạnh cũng cưỡi hổ trong cuộc chiến chống lại ác quỷ Parvati. Ở miền nam Ấn Độ, hổ là bạn của vị thần Ayyappan. Trong Phật giáo Ấn Độ, hổ cùng với khỉ và hươu là một trong ba linh vật thiêng liêng nhất. Con hổ biểu tượng cho sức mạnh của niềm tin chiến thắng mọi trở ngại, tượng trưng cho lời răn dạy từ bỏ tham, sân, si và ác nghiệp của đạo Phật.

Người Ấn Độ tin rằng hổ là loài vật có thể xua đuổi tà ma quỷ quái. Hổ còn đóng vai trò là “kẻ gác đền” trong rừng già, canh giữ châu báu. Vì vậy, để biểu tượng cho quyền lực, các vị lãnh chúa thường trang trí một tấm da hổ trong phòng hoặc ngồi trên một tấm da hổ khi tiếp khách. Những đứa trẻ trong các gia đình giàu có thường hay đeo một chiếc răng hổ như một loại bùa phép để tránh tà ma và để khỏe mạnh. Đàn ông đeo răng hổ trên cổ để thể hiện sự nam tính, sức khỏe và lòng dũng cảm.

Theo Maps of India, hổ Bengal được coi là con vật biểu tượng quốc gia của Ấn Độ vào năm 1973, thể hiện cho sức mạnh và sự nhanh nhẹn.

Malaysia: Hổ là biểu tượng của quốc gia

Đại diện cho sức mạnh và lòng dũng cảm, hổ Mã Lai từ lâu đã trở thành niềm tự hào và là biểu tượng quốc gia của Malaysia. Hình ảnh con hổ xuất hiện trên quốc huy Malaysia với ý nghĩa là thần hộ mệnh giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Hổ cũng xuất hiện trên logo biểu tượng của một số cơ quan nhà nước, như Lực lượng cảnh sát Hoàng gia Malaysia, Ngân hàng Maybank, hãng ô tô Proton và cả Liên đoàn Bóng đá Malaysia. Hổ Mã Lai cũng là biệt danh của đội tuyển bóng đá quốc gia Malaysia. Thậm chí, người ta còn đặt biệt danh cho hổ là “Pak Belang” – nghĩa là “quý ngài lông vằn”.

Hổ cũng xuất hiện trong nhiều câu chuyện dân gian và tục ngữ Malaysia, trong đó có câu thành ngữ nổi tiếng “cúi mình như mèo, nhảy như hổ”, một thành ngữ dùng để nói về một người trầm lặng nhưng dũng cảm. Trong kỳ SEA Games 29 được tổ chức tại Kuala Lumpur, hổ cũng chính là linh vật của đại hội thể thao lần này. Hổ tượng trưng cho tinh thần trung thực, đoàn kết trong thể thao.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hình tượng "Chúa sơn lâm" trong văn hoá châu Á