Hình ảnh con người và thiên nhiên trong “Con của đảo”

28/02/2021 14:12

“Con của đảo” là tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, gồm 14 chương viết về những em nhỏ dân tộc Chăm, Kinh sống trên đảo nổi Song Tử Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).



Đi để viết - với Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thì đúng là như vậy. Chị đi miết, lên rừng xuống biển, vào Nam lên Tây Bắc... sau mỗi chuyến đi thực tế chị lại cho ra đời những đứa con tinh thần mang đậm dấu ấn vùng miền chị đã qua. Đó là “San hô đỏ”, “Khoảng trời màu da đá”, “Thăm thẳm Ka Tang”, “Trường Sa - Trường Sa”... và mới nhất là tiểu thuyết “Con của đảo” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, quý IV.2020). Tác phẩm là kết quả của những chuyến ra vùng biển đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời thể hiện tình yêu biển đảo quê hương của chị.

“Con của đảo” là tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, gồm 14 chương viết về những em nhỏ dân tộc Chăm, Kinh sống trên đảo nổi Song Tử Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Năm đứa trẻ trên đảo, mỗi em một hoàn cảnh, cá tính riêng nhưng đều tinh nghịch, hồn nhiên, trong sáng. Chú bé Phác "nhà đèn" sống cùng với ông bà nội, sau được bố đưa ra đảo, luôn tò mò với cái tên Phác và khao khát được biết về người mẹ Chăm của mình. Phác đã hòa mình với cuộc sống nơi đảo xa cùng các bạn, những buổi lên lớp học bên bờ sóng, những câu hỏi thơ ngây đặt cho thầy giáo, những trận đá bóng cùng bạn bè, thầy cô, nhà sư trên bãi cát, hay những pha bơi lội trên biển, cách học làm giá đỗ, tặng cô nhà báo con ốc tai tượng khi chia tay... Còn có chú bé Minh "đen" hay nghịch, hay lý lẽ và cậu Thắng "bò ngu" tường tận về cá bò ngu và các loài cá khác, học giỏi nhất trường, đã phải chia tay các bạn và con chó Lu rất mực yêu quý của mình để trở về đất liền. Đọc “Con của đảo” có cảm tưởng như tác giả đã dành những trang văn đẹp nhất, với lối viết nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở, cảm xúc tươi rói như nắng mới để viết về các em, những người con của đảo, góp phần làm cho cuộc sống nơi đảo xa gần gũi thân thương, bình dị như một ngôi làng chài trong đất liền.  

Bên cạnh nhân vật trẻ thơ, Trương Thị Thương Huyền còn dựng lên những nhân vật người lớn, đồng hành cùng các em như người bạn. Đó là ông Tân "nhà đèn", bố Phác, người có nhiệm vụ gác cây đèn biển của đảo Song Tử Tây, là người trách nhiệm, yêu nghề, yêu biển đảo, yêu con trai. Là thầy giáo Mạnh cần mẫn gieo chữ trên đảo, coi học trò như con, là anh Kiến "càng chúa", anh Cường, anh Vũ quân y, là bác Hồng bí thư xã đảo tận tình với đám trẻ, là sư thầy trụ trì ngôi chùa cũng lăn xả vào bắt gôn, chơi bóng với đám trẻ. Chi tiết ngồn ngộn, đan cài hấp dẫn tự nhiên. Rất nhiều chi tiết độc đáo, gây ấn tượng trong truyện mà nếu không phải là người đi đảo nhiều, sống với dân đảo, gắn bó với đảo thì có bằng trí tưởng tượng cũng khó mà viết được. Như cảnh người lớn vào đá bóng với đám trẻ trong giờ tan học, đến sư thầy cũng đá, cảnh làm giá đỗ trong hố cát, cảnh dạy lũ chó bơi dưới biển, lội ra bãi san hô bắt cá, cảnh cắt tóc dưới gốc phong ba không cần tắm, cảnh đón khách thăm đảo, hai cậu Phác "nhà đèn", Minh "đen" treo lên cây phong ba ngóng tàu khách...

Cùng với con người, thiên nhiên trong “Con của đảo” cũng được tác giả dày công đan cài một cách nhuần nhị, điểm xuyết mà vẫn làm nổi bật hình ảnh đảo giữa biển khơi. Cảnh hoàng hôn trên đảo: “Hút mắt nhìn xa xa, bầu trời như chìm xuống, hòa vào mặt nước biển khiến không phân định được trời và nước”, cảnh đảo vào mùa khô: “Những bậc thềm, viên gạch tuyệt nhiên không một vệt rêu xanh đeo bám. Nắng đến nỏ người, rêu nào chịu nổi là xanh. Đá vẫn đá. Sỏi vẫn sỏi. Khô cằn và trơ trụi”, cảnh mỗi mùa gió biển đến, đảo lại thay vạt áo: “Mùa nào gió táp bên hông đó của đảo, lá cây bị nước biển cùng gió luộc chín. Những chiếc lá mất dần màu xanh, bạc phếch rồi bay hết phần thịt lá, chỉ còn trơ lại những gân lá màu nâu bạc. Phía đó của đảo chính là bên vạt áo bạc màu, để rồi lại chuyển sang bạc ở vạt áo bên kia khi gió chuyển mùa sang hướng khác”... Trương Thị Thương Huyền đan cài những đoạn tả thiên nhiên gió, mưa, nắng, bình minh, hoàng hôn, đi bắt cá, tắm biển, đón khách lên đảo trong khung tự sự một cách khéo léo, biết tiết chế và dẫn dụ được cảm xúc người đọc. Những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm, miêu tả nội tâm của nhân vật thì đúng là “nhân vật nào ra nhân vật ấy”, nếu bạn đọc không quen biết chị, sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng chị là người ngoài Bắc, xứ Đông, ngay từ cách kể chuyện tự nhiên, ào ạt cảm xúc, dựng truyện đấy mà cứ tưởng như nhìn gì, cảm gì viết đấy, nhưng mà không phải vậy. Đây chính là cái khéo bởi ngòi bút đã đến độ chín nhuần trong cách viết, giống như một người con gái đẹp tự nhiên thì đâu cần phấn son trang điểm làm gì. 

NGUYỄN THU HẰNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hình ảnh con người và thiên nhiên trong “Con của đảo”