Người chúng tôi muốn nói đến là cô giáo Nguyễn Thị Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phả Lại 2 (Chí Linh), đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tân
Những ngày đầu bước vào nghề giáo viên, rộn ràng trong tâm trí với bao điều suy nghĩ về các công việc: soạn bài, lên lớp, tiếp xúc học sinh, gặp gỡ đồng nghiệp, họp tổ chuyên môn… tất cả cứ cuốn hút cô chạy đua với thời gian và mong sao mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Vì vậy cô Tân luôn có ý thức tiết kiệm thời gian để làm những việc vì học sinh thân yêu. Từ việc rèn luyện chữ viết mẫu trên bảng cho học sinh viết theo với ý nghĩ "nét chữ nết người", đến việc đọc thêm những trang sách tham khảo để chọn được những ý hay làm phong phú nội dung bài giảng; từ việc làm thêm một đồ dùng dạy học để mở rộng thực tiễn cho học sinh đến việc học thêm một thao tác vi tính để thành thạo trong việc sử dụng phương tiện dạy học hiện đại... Cô Tân tâm sự: “Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ với những nụ cười tươi tắn trên môi của học sinh, tôi cảm thấy lòng mình như được sưởi ấm thêm vì những việc mình làm đã góp phần đem đến cho các em những chân trời rộng mở”. Là giáo viên tiểu học, cô Tân có biết bao việc làm giống như những người mẹ hiền chăm sóc cho học sinh về mọi mặt: cách đi đứng, nói năng, giao tiếp, cách ăn, cách mặc, cách học, cách chơi... Cô luôn tâm niệm lời Bác dặn: “Trong lúc học cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học”. Cô đã vận dụng có hiệu quả quan điểm giáo dục hiện đại: dạy tiểu học chính là quá trình hình thành cho các em về phương pháp học tập. Như con ong cần mẫn xây tổ cho đời, cô Tân đã biết chắt chiu, gạn lọc những gì tinh túy trong cuộc sống để làm ra nguyên liệu nuôi dưỡng những tâm hồn em thơ.
Là giáo viên trẻ, luôn khiêm tốn học hỏi đồng nghiệp và tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống, cô Tân đã được Hội đồng sư phạm nhà trường gửi gắm niềm tin, lần lượt trao cho các nhiệm vụ: Phó hiệu trưởng, Phó bí thư, Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ nhà trường. Nhận thức được trách nhiệm nặng nề của vị trí và công việc được giao, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tân đã tập trung tâm trí và sức lực để làm tốt những việc mà theo cô đó là "đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của nhà trường". Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, cô rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên, coi đây là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của nhà trường. Cô Tân đã tiến hành nhiều biện pháp khác nhau: xây dựng kế hoạch dài hơi về tuyển dụng giáo viên; phát động sâu rộng trong cán bộ, giáo viên phong trào tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, phấn đấu mỗi giáo viên trở thành giáo viên giỏi các cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên đi học nâng chuẩn; tổ chức các chuyên đề hội thảo liên quan đến những vấn đề thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong từng năm học; tổ chức cho giáo viên đi tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm tiên tiến với các đơn vị tiêu biểu trong và ngoài tỉnh... Nhờ làm tốt công tác xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng giáo viên cho nên hiện nay cả 37 giáo viên của trường đều đạt trình độ trên chuẩn, 81% có khả năng thiết kế và dạy học bằng giáo án điện tử, 100% tham gia viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm.
Là người đứng mũi chịu sào, cô Tân luôn quan tâm đến việc chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Mọi giáo viên đều tích cực thực hiện khẩu hiệu trong mỗi giờ lên lớp, học sinh được “Hoạt động nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn, thực hành nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và sáng tạo nhiều hơn”. Nhà trường tổ chức cho 100% số học sinh được học các môn tự chọn theo năng lực, sở trường với các môn: tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc, võ thuật... Nhằm định hướng và chuẩn bị cho tương lai, giúp các em làm quen với sự hòa nhập quốc tế ngay từ khi còn nhỏ, cô Tân đã mạnh dạn tổ chức cho 100% số học sinh các khối 3, 4 và 5 được học tin học và 100% số học sinh trong trường được học tiếng Anh. Nắm bắt được tâm lý của trẻ thơ, cô Tân đã chỉ đạo có hiệu quả các buổi sinh hoạt tập thể và hoạt động ngoài giờ lên lớp với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, sát với điều kiện kinh tế, tình hình chính trị và lịch sử địa phương, phù hợp với chủ điểm năm học. Ví dụ như việc tổ chức sân chơi “Sắc hoa học trò”, thi “Nét đẹp đội viên”, “Em làm việc tốt qua ảnh”. Đây chính là hình thức giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết, rèn luyện kỹ năng sống. Mặc dù Trường Tiểu học Phả Lại 2 là đơn vị đầu tiên của tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (năm 2010), song để đáp ứng yêu cầu giáo dục của giai đoạn phát triển mới, cô Tân đã không quản ngại vất vả, kiên trì trong việc tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, khéo léo, sáng tạo trong công tác xã hội hóa giáo dục. Do đó, nhà trường đã nhận được hàng chục tỷ đồng từ sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và Hội cha mẹ học sinh để đầu tư xây dựng và mua sắm các trang thiết bị. Hiện nay, nhà trường có 25 phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng học liệu, thư viện - đồ dùng hiện đại, phòng tin học với 20 máy tính, 3 máy tính xách tay, 2 máy chiếu đa năng, 2 màn hình ti-vi 51 inh-xơ, hệ thống ca-mê-ra.
Trong nhiều năm qua, bằng sự nỗ lực, sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, thực hiện tốt Quy chế dân chủ, mạnh dạn đi đầu trong việc tổ chức các hoạt động, đi sâu, đi sát xây dựng phong trào thi đua "Hai tốt", cô Tân đã phát huy được sức mạnh tập thể. Chính vì vậy, nhà trường ngày càng có uy tín cao đối với các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, được lãnh đạo ngành tin tưởng. Nhà trường không những giữ vững mà ngày càng khẳng định danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Chỉ tính riêng năm học 2011 - 2012, nhà trường đã có 53,7% số học sinh được xếp loại giỏi; 31,3% xếp loại khá; 34 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thị xã; 11 em học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2010 - 2011, nhà trường có 4 học sinh giỏi cấp quốc gia.
Với những thành tích đã đạt được, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tân xứng đáng là người đại diện cho đơn vị duy nhất của tỉnh 3 lần liên tục có đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc (2000, 2005, 2010) và năm 2011, cô đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
TS. PHẠM TRUNG THANH