Hiệu quả việc phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

07/01/2023 15:03

Thời gian qua, nhiều thai phụ trong tỉnh đã quan tâm hơn đến việc xét nghiệm và chẩn đoán sớm HIV. Nhờ đó, nhiều phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV được điều trị kịp thời, hạn chế đến mức tối đa việc trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ.


Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho phụ nữ mang thai kiến thức về lây truyền HIV từ mẹ sang con

1 trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS là lây từ mẹ sang con, với nguy cơ từ 25-40%. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cho mẹ thì tỷ lệ này chỉ còn từ 2-6%, thậm chí là 0%. Việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Trung bình mỗi tháng, Phòng khám Chuyên khoa phụ sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khám cho gần 800 lượt phụ nữ, trong đó trên 100 lượt khám thai và được truyền thông phòng tránh các bệnh liên quan đến đường tình dục, thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV.

Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản, trung bình một năm, đơn vị khám cho trên 30.000 lượt bệnh nhân, trong đó có khoảng 18.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Để bảo đảm an toàn cho phụ nữ mang thai, ngoài việc khám thai thông thường, bệnh viện chú trọng khám và sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có việc xét nghiệm HIV.

Thai phụ Bùi Thị H. (thôn Ninh Xá, xã Nam Hưng, Nam Sách) cho biết ngay từ thời kỳ đầu mang thai, chị đã đến Bệnh viện Phụ sản khám sức khỏe thai nhi định kỳ và chủ động xin xét nghiệm HIV dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.


Lấy mẫu máu xét nghiệm HIV cho bà mẹ mang thai tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh

Cũng như chị H., rất nhiều phụ nữ khi mang thai đến Bệnh viện Phụ sản khám định kỳ đồng thời thực hiện xét nghiệm HIV. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ phụ nữ mang thai nhiễm HIV, bệnh viện sẽ phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới can thiệp kịp thời nhằm hạn chế đến mức tối đa việc trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Quang Trung, Trưởng Khoa Sản bệnh - Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản khuyến cáo: “Phụ nữ nhiễm HIV mang thai khả năng truyền virus cho thai nhi rất cao. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, được dùng thuốc và thực hiện các bước theo hướng dẫn của bác sĩ thì có thể làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho thai nhi. Giai đoạn lâm sàng AIDS của phụ nữ mang thai càng nặng thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu mắc kèm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ tăng cao do các dịch viêm và tổn thương tại đường sinh dục chứa lượng lớn virus gây bệnh".

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, từ năm 2018 đến nay đã có 77.810 lượt phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV, phát hiện 19 trường hợp nhiễm. Trong đó, năm 2019 phát hiện nhiều nhất với 10 người mắc. Trong các năm 2021-2022, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai. 

Can thiệp trước khi sinh, xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt… là rất cần thiết đối với phụ nữ trước và trong quá trình mang thai. Để bảo vệ sức khỏe cho thai nhi và có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn thì tất cả các phụ nữ nên xét nghiệm sớm HIV trước khi mang thai hoặc ngay khi vừa biết mình mang thai. Xét nghiệm và chẩn đoán sớm sẽ giúp phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV được điều trị kịp thời, giảm mức độ nặng của bệnh cũng như dự phòng lây truyền từ mẹ sang con hiệu quả hơn, giúp mẹ khả năng cao sinh ra đứa trẻ không nhiễm HIV.

ĐỨC THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả việc phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con