Hiệu quả và thực chất

13/06/2014 14:50

Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát triển cả bề rộng và chiều sâu.


Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khen thưởng các tập thể có thành tích trong đợt thi đua cao điểm
"Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên tiến lên giành 3 nhất". Ảnh: Văn Phúc


Thực hiện Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển cả bề rộng và chiều sâu, khắc phục được tình trạng chạy theo thành tích.

Thi đua theo chủ điểm


Trong những năm trước đây, công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh ta còn một số hạn chế. Phong trào thi đua yêu nước phát triển chưa đều, nhất là ở các vùng nông thôn. Một số nơi phát động phong trào thi đua còn mang tính hình thức, chưa cụ thể. Nhiều phong trào thi đua phát động nhưng không được duy trì hoặc thiếu sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Các địa phương, đơn vị chưa nhân rộng được các điển hình tiên tiến... Do đó hiệu quả các phong trào thi đua chưa cao, chưa rõ nét.

Nhằm khắc phục tình trạng đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đa dạng hóa các phong trào, hình thức thi đua. Cùng với thực hiện các phong trào thi đua thường xuyên, dài hạn với chủ đề "Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm" gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, gắn với từng sự kiện, từng thời điểm cụ thể. Các hình thức thi đua này đã đạt được kết quả tốt, thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.

Trong năm 2013, ngoài việc thực hiện các đợt thi đua của Bộ Công an, Công an tỉnh đã phát động 4 đợt thi đua lớn gắn với thời gian 4 quý trong năm. Các đợt thi đua này đều có chủ đề và mục đích rõ ràng, thiết thực. Đó là các đợt thi đua: "Mừng Đảng, mừng xuân, ra quân thắng lợi", "Rèn đức luyện tài, thi đua lập công dâng Bác", "Phát huy truyền thống vẻ vang, siết chặt kỷ cương, tăng cường nghiệp vụ, hướng về cơ sở", "Nỗ lực, khẩn trương, về đích thắng lợi". Không chỉ phát động các đợt thi đua trong lực lượng chính quy, ngành công an còn phát động và tổ chức các phong trào thi đua đến lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp. Từ các phong trào thi đua này đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều "công an xã giỏi", "bảo vệ viên giỏi", mang đến cho phong trào thi đua những nét mới, góp phần huy động tiềm năng và sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự.

Ngoài việc thực hiện phong trào thi đua thường xuyên, năm qua, ngành y tế tỉnh ta đã phát động 2 đợt thi đua  vào các ngày lễ lớn trong năm. Đợt 1 từ ngày 1-1 đến 19-5, đợt 2 từ ngày 20-5 đến 31-12. Mục tiêu của các đợt thi đua là nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lấy sự hài lòng người bệnh, nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Hầu hết các cấp, các ngành, địa phương đều tổ chức các phong trào thi đua theo chuyên đề, các đợt thi đua ngắn hạn như thi đua lập thành tích chào mừng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2, ngày Quốc khánh; thi đua cao điểm lập thành tích kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thi đua nhân ngày thành lập, nhân đại hội các ngành, đoàn thể... Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các mặt của đời sống xã hội. Năm 2013, toàn tỉnh đã có 82 đề tài, giải pháp kỹ thuật, 475 công trình, sản phẩm chất lượng cao với tổng giá trị đầu tư 2.500 tỷ đồng; 3.782 sáng kiến cải tiến kỹ thuật và sáng kiến kinh nghiệm, làm lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trên 7,5 tỷ đồng. Nhiều phong trào đã giải quyết những vấn đề xã hội như giúp nhau làm giàu, bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; thanh niên lập nghiệp; xây dựng nếp sống văn hóa... Các phong trào được phát triển và nhân rộng từ cơ sở, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tăng cường thưởng "nóng"

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Các đơn vị cũng tăng cường thưởng “nóng” cho các tập thể, cá nhân. Những hành động như tự nguyện hiến máu cứu bệnh nhân, thực hiện thành công những ca phẫu thuật phức tạp… của cán bộ ngành y tế;  khám phá thành công những chuyên án lớn, phức tạp, tham gia bắt giữ tội phạm, cứu người của người dân và lực lượng công an; những vận động viên đạt thành tích cao trong thể thao; những học sinh đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế; những công nhân lao động có sáng kiến cải tiến kỹ thuật mới… đều được các cấp, ngành, địa phương biểu dương, khen thưởng kịp thời. Trong năm 2013, riêng cấp tỉnh đã khen thưởng thành tích theo chuyên đề và xuất sắc đột xuất cho 414 tập thể, 766 cá nhân, từ đầu năm đến nay khen thưởng 38 tập thể, 176 cá nhân.

Trong việc khen thưởng thường xuyên, các địa phương, đơn vị đã chú trọng khen thưởng các đối tượng trực tiếp lao động sản xuất và công tác, các tập thể nhỏ có thành tích trong lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến quy trình kỹ thuật; thành tích trong các hoạt động từ thiện nhân đạo, trong các phong trào phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường…

Các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã thành lập các khối, cụm thi đua, đề ra các tiêu chí thi đua cụ thể, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời có kiểm tra, đánh giá chặt chẽ việc thực hiện. Ông Nguyễn Thanh Đàm, Phó Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) cho biết, công tác quản lý thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm hơn. Các cấp, ngành, địa phương đã gắn hai khâu tuyên truyền và tổ chức thực hiện, đồng thời tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về chính sách khen thưởng kèm theo tiền thưởng, chính sách ưu tiên, đãi ngộ với những người được khen thưởng. Việc thanh tra, kiểm tra đã được đưa vào chương trình công tác hằng tháng, hằng quý; sau khi kiểm tra, thanh tra đều có đánh giá kết quả ở từng đơn vị, từng ngành, từng cấp. Nhờ đó, quy trình khen thưởng được các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, chính xác, công khai, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thành tích và đúng theo quy định, bước đầu khắc phục được tình trạng khen thưởng "luân lưu" như trước đây…

PV


(0) Bình luận
Hiệu quả và thực chất