Hiệu quả từ những đề tài khoa học

06/12/2011 09:44

Ứng dụng CNSH trong nông nghiệp là một xu thế tất yếu và là hướng phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững.



Ứng dụng công nghệ sinh học trong ghép cà chua trên gốc cà tím tại xã Thượng Đạt (TP Hải Dương)


Công nghệ sinh học (CNSH) được coi là giải pháp đột phá nhằm xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại. Ở tỉnh ta, trong số hàng chục đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học thực hiện hằng năm, lĩnh vực nông nghiệp luôn chiếm tỷ lệ cao. Các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học đều quan tâm tới vấn đề mới, ứng dụng CNSH, công nghệ tiên tiến trong lai tạo, sản xuất thử các giống cây, con nhằm áp dụng và nhân rộng trong thực tiễn sản xuất. Thực tế đã có nhiều đề tài, dự án khoa học ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp thành công và đang được áp dụng rộng rãi. Tiêu biểu như đề tài “Nhân giống hoa, dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thực hiện. Đây cũng chính là đề tài ứng dụng CNSH trong nhân giống cây hoa, dược liệu đầu tiên của tỉnh. Phương pháp nuôi cấy mô là phương pháp bảo đảm cho cây trồng ra đồng ruộng có sức sống cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi khí hậu. Bằng phương pháp này, đã tạo ra được nguồn cây giống có tỷ lệ đồng đều cao, sạch bệnh. Đặc biệt, cũng từ kết quả của đề tài, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học đã tiếp tục nghiên cứu thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp”, ứng dụng công nghệ tiên tiến để nhân giống, trồng, chăm sóc một số loài hoa lan cao cấp. Hằng năm, trung tâm đã cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 cây lan Hồ điệp, 500 cây hoa lan Vũ nữ, 40 nghìn giống hoa cúc và hàng nghìn cây lô  hội. Năm 2011, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tiếp tục ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất và trồng thử nghiệm giống hoa cẩm chướng (Đài Loan) và hoa đồng tiền. Thành công trong việc chiết ghép cây cà chua trên gốc cà tím, giúp cây cà chua tận dụng ưu thế chống chịu thời tiết nắng nóng và sâu, bệnh tốt của cà tím.

CNSH cũng được ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản. Đề tài “Ứng dụng công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính” thành công đã giúp cho tỉnh ta làm chủ được công nghệ sản xuất giống cá rô phi đơn tính 21 ngày tuổi tại Xí nghiệp Giống cây trồng, thủy sản Tứ Kỳ. Năm 2010, đề tài đã sản xuất được 3 triệu con cá giống, chủ động được con giống, cung cấp cho các hộ nông dân, đồng thời đã lưu giữ được cá giống qua đông để phục vụ nhu cầu nuôi cá rô phi trái vụ.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các kết quả nghiên cứu đã lựa chọn được môi trường bảo quản tinh dịch dài ngày, cải tiến được các quy trình công nghệ tạo phôi, cấy truyền phôi, đông lạnh phôi lợn và bò trong ống nghiệm. Ứng dụng công nghệ này cũng đã hạn chế được việc nông dân sử dụng những nguồn tinh dịch kém chất lượng, giá thành cao, giúp tăng năng suất chất lượng gia súc. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu, bảo quản tinh dịch dài ngày góp phần tạo sự ổn định cho ngành chăn nuôi tỉnh, hạn chế việc phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh.

Những thành công trên cho thấy, ứng dụng CNSH trong nông nghiệp là một xu thế tất yếu và là hướng phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều lĩnh vực, cây, con được nghiên cứu, ứng dụng CNSH, công nghệ tiên tiến. Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong việc ứng dụng CNSH vào lĩnh vực trồng trọt. Đó là tiếp thu và ứng dụng, làm chủ công nghệ sản xuất giống lúa lai, ngô lai, sản xuất và bảo quản khoai tây giống; công nghệ ghép cây, nuôi cấy mô, các chế phẩm sinh học, công nghệ màng phủ, bao gói... Đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình trình diễn giống mới, kỹ thuật canh tác bảo quản, chế  biến. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ tại Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng tỉnh để khảo nghiệm sản xuất các giống cây trồng mới. Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty Giống cây trồng tỉnh đã phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm để sản xuất giống lúa lai HYT 108 trong vụ mùa 2011.

HV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả từ những đề tài khoa học