Trong khi nhiều nơi đang bất lực trước nạn chuột gây hại lúa và rau màu thì tổ diệt chuột ở thôn My Trì, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) lại hoạt động hiệu quả.
Tổ diệt chuột thôn My Trì chú trọng việc bắt chuột bằng phương pháp thủ công, không ảnh hưởng tới môi trường
Tổ diệt chuột thôn My Trì chỉ có 3 người. Dù ít người, diện tích lúa và hoa màu cần bảo vệ lớn (hơn 170 mẫu) song các thành viên đều có trách nhiệm và sáng tạo trong công việc. Bà Nguyễn Thị Tho là 1 trong 3 thành viên của tổ cho biết, tổ vẫn diệt chuột bằng các biện pháp hóa học, sinh học, thủ công… và cũng có “bí quyết” riêng. Trước kia khi thực hiện biện pháp hóa học thường chỉ luộc thóc hoặc sử dụng mống mạ, trộn với thuốc vi sinh để làm mồi diệt chuột nhưng nay ngoài 2 thành phần ấy, tổ còn trộn thêm cám rang và thuốc tẩy trắng quần áo. Theo giải thích của bà Tho thì cám được rang thơm sẽ hấp dẫn, “gọi” đàn chuột tới, còn thuốc tẩy quần áo sẽ khiến dạ dày chuột bị phá hủy mạnh, làm chúng chết nhanh. Việc áp dụng các biện pháp thủ công tổ cũng luôn coi trọng tới những chi tiết nhỏ như đặt cạm ở đâu, dùng nguyên liệu gì làm mồi, thời gian nào dùng biện pháp đào hang đổ nước, giai đoạn nào áp dụng biện pháp quây lưới, soi đêm… Hiện tại, tổ mới bổ sung hơn 300 chiếc cạm bán nguyệt, sau khi “trinh sát” kỹ lưỡng đường đi lối lại của chuột, tổ “ngụy trang” cho cạm thật kín đáo để chuột không dễ phát hiện. Mồi bả cũng được chọn theo sở thích của chuột và liên tục thay đổi, bao gồm khoai, sắn, cua, ốc… Biết chuột thường rời khỏi hang đi ăn vào ban đêm nên khi trời còn sáng, các thành viên phải phân công nhau đặt cạm. Tại những nơi chuột thường trú ngụ như khu chuyển đổi, đê, gò đống, bãi rác… các thành viên trong tổ vừa đào hang hun khói, vừa sử dụng các đàn chó, mèo để bắt chuột. Tại các bờ vùng, gần đường đi, tổ kêu gọi người dân phát quang cỏ dại, bụi rậm kết hợp đào hang đổ nước và giăng lưới quây bắt.
Do chuột sinh sản cực nhanh nên tổ duy trì đánh bắt thường xuyên, liên tục và kết hợp nhiều biện pháp. Trung bình mỗi ngày, tổ bắt được từ 30-40 con, lúc cao điểm lên tới 150-200 con. Nhờ vậy, đến nay trên các cánh đồng của thôn, chuột hại đã giảm rất nhiều, bà con nông dân yên tâm sản xuất, không cần phải quây nilon hay ra đồng canh lúa. Ông Trần Xuân Thùy, Tổ trưởng tổ diệt chuột cho biết: Trước kia, dù đã rất tích cực nhưng có thời điểm tổ đành bất lực trước nạn chuột gây hại lúa và rau màu. Ngày công đánh bắt vốn rất thấp, nếu để chuột phá với tỷ lệ hại cao, các thành viên trong tổ phải bỏ số tiền không nhỏ ra “đền” dân, có năm lên tới 30 triệu đồng, bởi vậy nhiều người chán nản, không tham gia. Từ vụ chiêm xuân năm nay, tổ được kiện toàn lại, đánh bắt hiệu quả nên không phải đền.
Trong số 3 thành viên tham gia diệt chuột, ngoài ông Thùy là thành viên cũ, 2 thành viên mới đều là nữ, rất tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Bà Nguyễn Thị Liên được mệnh danh là “chiến sĩ diệt chuột” bởi bà từng đánh bắt được hơn 400 con trong khoảng thời gian ngắn khi địa phương phát động thu mua đuôi chuột. Bà Liên nói: "Chúng tôi thường đắn đo giữa các biện pháp trước khi tổ chức diệt chuột. Bởi biện pháp hóa học có thể làm giảm số lượng chuột trên đồng nhanh nhất nhưng lại ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người cũng như động vật xung quanh nhiều nhất. Trong khi các biện pháp thủ công rất an toàn thì lại mất nhiều thời gian, công sức thực hiện". Để đạt hiệu quả tốt nhất mà hạn chế được tác hại đến môi trường, căn cứ vào từng giai đoạn phát triển của cây lúa, tổ diệt chuột áp dụng biện pháp thích hợp. Tuy nhiên tổ vẫn thiên về các biện pháp thủ công. Toàn bộ số chuột mà tổ đánh bắt được từ biện pháp thủ công đều được tận dụng làm nguồn thức ăn chăn nuôi, số chuột chết do ăn phải thuốc, tổ đều thu gom và chôn lấp ở bãi rác tập trung để bảo đảm vệ sinh môi trường.
HOÀNG NẾT