Hiệu quả sử dụng máy cấy ở Thanh Miện

20/07/2021 11:32

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa, nhân rộng diện tích cấy bằng máy, nông dân huyện Thanh Miện đã giảm sức lao động và tiết kiệm chi phí sản xuất nông nghiệp.


Năm nay, huyện Thanh Miện có diện tích lúa cấy bằng máy nhiều nhất tỉnh

Từ thí điểm đến nhân rộng

Năm 2014, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện xây dựng đề tài “Ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong các khâu sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại huyện Thanh Miện". Mô hình áp dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu: làm đất, gieo mạ, cấy và thu hoạch lúa. Xã Hồng Quang được chọn làm địa điểm thực hiện đề tài trên tổng diện tích 50 ha. Trong đó, 20 ha lúa được thí điểm cấy bằng máy. Để khuyến khích các hộ dân tham gia, ban chủ nhiệm đề tài đã hỗ trợ 50% chi phí sản xuất. 

Vụ đầu tiên diện tích lúa được cấy bằng máy sinh trưởng và phát triển tốt. "Mật độ cấy thưa, bảo đảm khoảng cách nên lúa kháng bệnh mạnh mẽ và hầu như không bị nhiễm bệnh khô vằn, đạo ôn. Năng suất lúa tại mô hình cấy máy đạt từ 54 - 60 tạ/ha, cao hơn lúa cấy theo phương thức truyền thống từ 5-6 tạ/ha", bà Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết.

Từ kết quả đạt được, huyện Thanh Miện tiếp tục nhân rộng mô hình cấy lúa bằng máy ở nhiều địa phương như Ngũ Hùng, Ngô Quyền, Diên Hồng (nay là Hồng Phong) và thị trấn Thanh Miện với tổng diện tích trên 200 ha. Hằng năm, huyện tổ chức từ 2-3 cuộc hội thảo đầu bờ để giới thiệu, mở rộng mô hình cấy máy đến các hộ nông dân. 3 năm trở lại đây, Thanh Miện luôn là một trong những địa phương có tỷ lệ cấy bằng máy cao của tỉnh. Vụ mùa năm nay, Thanh Miện có 2.000 ha lúa được cấy bằng máy, chiếm 32% tổng diện tích gieo cấy. 

Nhiều ưu điểm nổi bật

Thực tế cho thấy, cấy bằng máy có nhiều ưu điểm nổi bật so với phương pháp cấy thủ công. Khi áp dụng cấy máy người dân không phải lo gieo mạ và chăm sóc mạ bởi khâu này đã được chủ máy cấy đảm nhiệm. Chi phí thuê cấy máy cũng rất hợp lý, dao động từ 240.000 - 270.000 đồng/sào, thấp hơn từ 60.000 - 80.000 đồng/sào so với cấy thủ công... 

Ông Phạm Văn Hoan, thôn Liên Đông, xã Hồng Quang là chủ sở hữu của 4 chiếc máy cấy cho biết: "Một máy cấy có năng suất tương đương 40 lao động cấy thủ công. Lúa cấy bằng máy nhanh bén rễ và đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh hơn". Máy cấy được đưa vào đồng ruộng đã làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của người nông dân. Các vùng sản xuất bằng máy cấy đều theo hướng tập trung, một giống, một trà. Những diện tích sản xuất này cơ bản đều thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp theo hình thức bán thóc tươi ngay đầu bờ sau khi thu hoạch. 

Việc đưa máy cấy vào sản xuất đã giúp nông dân ở huyện Thanh Miện cải thiện được năng suất và chất lượng lúa hằng năm. Tiến độ gieo cấy của huyện cũng đi đầu trong tỉnh. Thanh Miện đã hoàn thành gieo cấy lúa mùa từ ngày 6.7 trong khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương kết thúc trà mùa muộn trước ngày 20.7. Thời gian tới, huyện phấn đấu có khoảng 2.500 ha lúa ở các vụ được cấy bằng máy, chiếm 40% tổng diện tích gieo cấy.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Hiệu quả sử dụng máy cấy ở Thanh Miện