Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) đã sớm hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa.
Sau dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp
của bà con thôn Kim Đôi đã thuận tiện hơn
Kim Đôi không phải là thôn lớn nhất của xã Cẩm Hoàng nhưng lại có diện tích đất cấy lúa nhiều nhất xã với trên 114ha. Thực hiện kế hoạch dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng (DĐĐT, CTĐR), đầu năm 2014 thôn tiến hành điều tra và rà soát toàn bộ diện tích đất cấy lúa của các hộ. Đến cuối năm 2015 thôn bắt tay vào thực hiện trên diện tích 91,1ha. Tuy nhiên, ngay từ khi xây dựng phương án, tiến hành họp thông qua nhân dân đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều hộ dân.
Với đặc điểm của thôn chia làm 4 đội sản xuất, mặt ruộng không đồng đều, ruộng cao, thấp xen kẹp, một số diện tích manh mún nằm giữa các khu chuyển dịch... "Ngoài những khó khăn về đồng đất và nhận thức của nông dân thì cái khó nhất trong DĐĐT, CTĐR của thôn là việc đóng góp nhiều", ông Nguyễn Hữu Bùi, Bí thư Chi bộ, Trưởng Tiểu ban DĐĐT, CTĐR của thôn nói.
Khi việc CTĐR đã xong, thôn tổ chức bốc phiếu chia ruộng cho dân thì một số hộ còn làm đơn tập thể, đến tận nhà vận động những hộ có ruộng gần, ruộng đẹp ký vào đề nghị thôn không dồn đổi những diện tích của họ. Thậm chí có những hộ còn trồng chuối ở 4 góc ruộng để giữ không cho chia lại và vận động các hộ khác làm theo.
Xác định việc tuyên truyền, vận động phải đặt lên hàng đầu nên ngay từ khi chuẩn bị triển khai, Chi bộ và chính quyền thôn cùng các hội đoàn thể đã tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua các cuộc họp dân, trên loa truyền thanh, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt văn nghệ... Phân công mỗi đồng chí chi ủy phụ trách một đội sản xuất và tổ chức họp riêng từng đội để bàn phương án triển khai riêng. Bà Vũ Thị Hải, Trưởng thôn Kim Đôi cho biết đến khi tổ chức chia ruộng thì còn trên 20 hộ không chịu bốc phiếu, thôn đã mời các hộ này họp riêng, sau đó đến từng nhà để vận động, có nhiều hộ phải đến tới 4-5 lần mới đồng ý. "Nhớ lại những ngày ấy chúng tôi không có được một ngày ngủ yên, ngoài thời gian đi vận động thì hầu như ngày nào cũng có người đến gõ cửa xin được giữ nguyên những diện tích ruộng gần và chỉ bốc lại những ruộng ở xa", bà Hải chia sẻ.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc đóng góp kinh phí, khi có kế hoạch DĐĐT, CTĐR thôn đã vận động nhân dân khi có các khoản hỗ trợ của Nhà nước cho những diện tích lúa bị chết rét, nhân dân ký nhận rồi gửi lại để gửi vào Quỹ tín dụng nhân dân nhằm giảm đóng góp khi tiến hành DĐĐT, CTĐR. Trong hai năm 2014, 2015, tổng số tiền hỗ trợ cộng lãi suất tiết kiệm của các hộ thu được là 251,7 triệu đồng, cùng 2,5 triệu đồng/ha tiền hỗ trợ của tỉnh và huyện, nhân dân chỉ phải đóng góp 170.000 đồng/sào chia làm 2 vụ.
Nhờ kiên trì vận động và có những cách làm phù hợp mà cuối năm 2015 thôn Kim Đôi đã hoàn thành DĐĐT, CTĐR trong niềm hân hoan của nhân dân. Trước đây, mỗi hộ có từ 3-5 mảnh thì nay bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,5 thửa. Sau CTĐR cứ 2 lô lại có một đường và một mương, đường trục chính rộng 5m, đường nội đồng rộng 3,5m thuận tiện đi lại và đưa máy móc vào sản xuất, giúp bà con nông dân giảm đáng kể ngày công lao động và chi phí sản xuất. Thôn cũng quy hoạch được vùng gieo cấy lúa tập trung lúa chất lượng cao rộng 10ha.
Nếu như trước đây giá máy cày, máy gặt đều là 150.000 đồng/sào thì vụ chiêm năm nay giá máy cày đã giảm còn 130.000 đồng/sào, máy gặt giảm còn 120.000 đồng/sào, diện tích lúa thu hoạch bằng máy vì thế cũng tăng từ 30% ở vụ mùa năm 2015 lên 90% ở vụ chiêm năm nay. Bên cạnh đó, sau DĐĐT, CTĐR thôn đã quy hoạch được khu nghĩa trang nhân dân rộng 2.250m2 và một bãi rác tập trung rộng 2.275m2.
TUẤN SỸ