Năm học 2018 - 2019, thực hiện việc sắp xếp, thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế, một số trường học trong tỉnh đã được sáp nhập lại.
Sau sáp nhập, Trường Mầm non thị trấn Nam Sách được đầu tư xây thêm một dãy nhà 2 tầng với 4 phòng học; cải tạo, nâng cấp khuôn viên...
Duy trì ổn định
Hiện nay, ngoài các trường học trước đây của xã Kênh Giang và Văn Đức (TP Chí Linh) sáp nhập theoc sáp nhập đơn vị hành chính, tỉnh ta mới có 3 cơ sở giáo dục hoàn thành việc sáp nhập. Đó là Trường Tiểu học thị trấn Lai Cách ở huyện Cẩm Giàng (sáp nhập từ Trường Tiểu học Lai Cách 1, Lai Cách 2), Trường Tiểu học xã Nguyên Giáp ở huyện Tứ Kỳ (sáp nhập từ Trường Tiểu học Nguyên Giáp A, Nguyên Giáp B) và Trường Mầm non thị trấn Nam Sách (sáp nhập Trường Mầm non Nam Sách với Trường Mầm non Hương Bưởi).
Sau thời gian sáp nhập, cán bộ, giáo viên, phụ huynh của các địa phương cơ bản đều cho rằng việc sáp nhập là hợp lý, giúp thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Các trường sau sáp nhập đã giảm được 1 hiệu trưởng, 1 kế toán và nhiều chức danh của tổ chức công đoàn, tổ trưởng, tổ phó của các tổ chuyên môn...
Các địa phương có trường học sáp nhập thực hiện tốt công tác chuẩn bị những điều kiện cần thiết, nhất là việc tuyên truyền, ổn định môi trường giáo dục. Để chuẩn bị cho việc sáp nhập 2 trường mầm non đầu tiên của huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Nam Sách tích cực phối hợp với các Phòng Nội vụ, Tài chính - Kế hoạch tham mưu với lãnh đạo huyện xây dựng đề án sáp nhập, chú trọng ổn định bộ máy quản lý, nhân lực. "Đặc biệt là làm cho giáo viên, nhân viên của mỗi trường hiểu việc sáp nhập không ảnh hưởng đến công việc, chế độ, chính sách và điều kiện học tập của con em trên địa bàn. Địa phương cũng quan tâm lựa chọn, sắp xếp người đứng đầu cơ sở giáo dục có năng lực, uy tín. Phòng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn giúp các trường ổn định hoạt động, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh", đồng chí Vũ Quang Hoàng, Trưởng Phòng GDĐT huyện Nam Sách cho biết.
Do chuẩn bị khá bài bản nên sau khi sáp nhập, bước vào năm học mới 2018 - 2019, các trường hoạt động ổn định. Các trường vẫn cơ bản giữ nguyên quy mô và các điểm trường, hoạt động dạy học như trước đây. Cô giáo Hoàng Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lai Cách cho biết: "Tuy trường quy mô lớn với tổng số 43 lớp, hơn 1.500 học sinh nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm điều kiện dạy học nên ngay sau sáp nhập cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh đều yên tâm. Các hoạt động của trường duy trì ổn định, nền nếp".
Sau sáp nhập, các trường đều được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất. Trường Mầm non thị trấn Nam Sách được đầu tư xây thêm một dãy nhà 2 tầng với 4 phòng học; cải tạo, nâng cấp khuôn viên, khu vui chơi, vận động, nhà vệ sinh cho trẻ. Trường Tiểu học Nguyên Giáp cũng xây thêm một dãy nhà học 2 tầng, cải tạo khuôn viên. Từ đó, giáo viên và nhân dân phấn khởi, yên tâm hơn.
Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành
Ngoài sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, bản thân các trường sáp nhập có nhiều giải pháp trong công tác quản lý, điều hành để từng bước ổn định, nâng cao chất lượng dạy học. Ban giám hiệu các trường tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện nghiêm túc nền nếp, kế hoạch dạy học.
Khó khăn lớn nhất các trường đều gặp phải là tuy hiện nay 2 trường đã thành một, nhưng vẫn duy trì hoạt động dạy học tại các điểm trường cũ nên việc quản lý, điều hành vất vả hơn. Khắc phục vấn đề này, các trường đều bố trí các phó hiệu trưởng phụ trách từng điểm trường và hiệu trưởng phụ trách chung. Các trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch, nội quy, thống nhất nền nếp hoạt động, dạy học giữa 2 điểm trường. Đồng chí Hoàng Văn Kiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Nguyên Giáp chia sẻ: "Do phải quản lý đồng thời ở 2 điểm trường nên các thành viên trong ban giám hiệu đều phân công nhiệm vụ cụ thể của từng người và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ công việc cho nhau. Ban giám hiệu cũng dựa vào các đoàn thể, tổ chuyên môn, đội ngũ giáo viên cốt cán cùng hỗ trợ việc quản lý, điều hành công việc. Đặc biệt, làm cho giáo viên 2 điểm trường không còn tư tưởng điểm nọ, điểm kia mà cùng thống nhất thực hiện nhiệm vụ".
Ngoài việc chấp hành nghiêm nội quy, quy chế, ban giám hiệu các trường linh hoạt trong quản lý, điều hành, nhất là hội họp, sinh hoạt chuyên môn. Theo cô giáo Lê Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Nam Sách, chỉ những cuộc họp quan trọng nhà trường mới tập trung đầy đủ cán bộ, giáo viên, nhân viên về một điểm. Những công việc đột xuất hay trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ thông thường, trường thực hiện qua thư điện tử hoặc qua các nhóm trên Zalo, Facebook. "Việc sáp nhập cũng giúp 2 điểm trường thực hiện thống nhất nội quy, quy chế, chương trình, kế hoạch dạy học, chăm sóc trẻ. Từ đó tạo sự đồng đều giữa 2 điểm trường mà trước đây ít nhiều có sự khác biệt, giúp phụ huynh yên tâm gửi trẻ, không còn tâm lý phân biệt nơi này, nơi khác. Nhà trường cũng đảo một số giáo viên giữa 2 điểm trường để họ làm quen với môi trường mới và có cơ hội học tập, giao lưu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ", cô giáo Lê Thị Hằng nói.
Trong giai đoạn 2018 - 2021, tỉnh ta sẽ tổ chức, sắp xếp giảm ít nhất 10% số trường mầm non, phổ thông công lập so với năm 2015 ( giảm 137 trường). Các cấp, các ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng để đáp ứng nhiệm vụ giáo dục.
DANH TRUNG