Mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn sẽ được tuyên truyền và nhân rộng để tăng hiệu quả trong nông nghiệp thời gian tới.
Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn
Vụ mùa năm 2016, ông Trần Văn Tiện ở thôn Vũ Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) gieo cấy 5,5 sào lúa giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá với phương thức gieo mạ khay và cấy bằng máy. Ông Tiện cho biết: "Gieo mạ khay và cấy bằng máy có ưu điểm là tiết kiệm giống, ít tốn công sức. Các khóm lúa rất đều, thẳng hàng... Vì vậy, người dân trong thôn hầu hết đã chuyển từ cấy lúa truyền thống sang cấy bằng máy". Phương pháp gieo mạ khay và cấy bằng máy là một trong những tiến bộ khoa học phát huy hiệu quả rõ rệt sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT).
Cùng với gieo mạ khay và cấy bằng máy, nông dân đã áp dụng chế phẩm Fito-Biomix RR để xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Thay vì ủ đống mất khoảng 30 ngày rơm rạ mới phân hủy như trước kia, nông dân có thể rắc chế phẩm sinh học trực tiếp lên mặt ruộng, sau đó cày lật hoặc lồng dập. Với phương pháp này chỉ từ 7 - 10 ngày, rơm rạ đã phân hủy, không xảy ra hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ do chuyển vụ gấp, đồng thời tiết kiệm được từ 20 - 30% lượng phân bón, năng suất lúa cao hơn 5% so với phương pháp canh tác thông thường. Những năm gần đây, chế phẩm Fito-Biomix RR đã được cấp miễn phí hoặc hỗ trợ 50% giá đến các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Kinh Môn... tạo thuận lợi cho người dân áp dụng tiến bộ mới vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường.
Đến nay, toàn tỉnh đã DĐĐT được hơn 90% diện tích. Đây là điều kiện thuận lợi để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đề tài “Xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau DĐĐT tại tỉnh Hải Dương”. Đề tài đã được thực hiện với diện tích gần 200 ha tại các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Kinh Môn trong vụ xuân và vụ mùa, với hơn 1.000 hộ tham gia. Các hộ thực hiện đề tài đã gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, áp dụng phương thức gieo mạ khay và cấy bằng máy, sử dụng mô hình đối chứng là phương thức gieo mạ sân, cấy thủ công và gieo vãi.
Kết quả thực hiện đề tài cho thấy mô hình sử dụng phương thức gieo mạ khay, cấy bằng máy có mật độ khóm/m2 thấp, lúa đẻ nhánh khỏe, cây lúa cao hơn ở các mô hình đối chứng. Lúa chống đổ tốt hơn, ít bị nhiễm các loại bệnh khô vằn, rầy nâu. Chi phí giống, công gieo mạ, công cấy thấp hơn từ 30.000 - 90.000 đồng/sào ở vụ xuân và từ 15.000-25.000 đồng/sào ở vụ mùa. Năng suất lúa đạt 76,7 tạ/ha, cao hơn 5,7 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí, cho lãi từ 10,6-18,5 triệu đồng/ha, cao hơn từ 4 - 6,6 triệu đồng/ha so với mô hình đối chứng.
Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mô hình mẫu sản xuất lúa trên cánh đồng sau DĐĐT đã tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Việc thực hiện mô hình còn góp phần tích cực khắc phục tình trạng thiếu lao động, bảo đảm tính thời vụ, tạo ra sản phẩm hàng hoá tập trung, tận dụng sản phẩm dư thừa sau thu hoạch nhằm bổ sung phân hữu cơ tại chỗ, tăng độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ môi trường. Mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn sẽ được tuyên truyền và nhân rộng để tăng hiệu quả trong nông nghiệp thời gian tới.
VIỆT QUỲNH