Mô hình liên kết trong chăn nuôi sẽ góp phần giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, hình thành được nền chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trang trại của ông Lê Văn Tuấn ở xã Bình Xuyên (Bình Giang) liên kết với Công ty CP (Thái Lan),
thu lãi từ 1,2-1,5 tỷ đồng/năm
5 năm trước đây, anh Nguyễn Văn Hà ở khu Nguyễn Trãi 2, phường Sao Đỏ (Chí Linh) đã hợp tác với Công ty Phát triển RTD (Hưng Yên) để chăn nuôi gà. Thực hiện mô hình liên kết, anh chỉ phải đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng yêu cầu về kỹ thuật của công ty, còn tất cả những vấn đề khác từ con giống, nguồn thức ăn, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đến tiêu thụ sản phẩm đều do công ty đứng ra đảm nhiệm. Trang trại của anh rộng gần 4.000 m2, với 2 dãy chuồng quy mô nuôi từ 7.000 - 8.000 con gà, thời gian nuôi mỗi lứa chỉ từ 42-45 ngày. Mỗi năm anh nuôi trung bình khoảng 5 lứa gà, xuất bán từ 16-18 tấn thịt/lứa. Từ đầu năm đến nay, anh Hà đã xuất được 3 lứa gà, đang chuẩn bị xuất lứa thứ 4. Giá gà năm nay cao hơn mọi năm, nên trừ chi phí anh thu lãi trên 250 triệu đồng. Anh Hà cho biết: "Khi quyết định đầu tư vào chăn nuôi, tôi tính toán cần một số vốn rất lớn cho việc xây dựng chuồng trại, mua sắm trang thiết bị trong chuồng, mua con giống, thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh. Khó khăn lớn nhất của tôi là chưa có kinh nghiệm và đầu ra nên tôi đã liên kết với Công ty Phát triển RTP".
Ông Lê Văn Tuấn ở xã Bình Xuyên (Bình Giang) cũng chọn hình thức hợp tác với Công ty CP (Thái Lan) để chăn nuôi. Ông bỏ chi phí thuê đất, xây dựng chuồng trại, thuê nhân công chăm sóc. Hệ thống chuồng trại phải được xây dựng theo chuẩn của công ty: diện tích chuồng, kích cỡ mỗi ô nuôi, có đủ các loại chuồng phù hợp với từng loại lợn, hệ thống làm mát, nhà đựng thức ăn… Nguồn con giống, thức ăn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ đều do Công ty CP đảm nhiệm. Công ty cử cán bộ ở tại trang trại để chỉ đạo các vấn đề về kỹ thuật. Công nhân do ông thuê chỉ việc thực hiện theo. Ông Tuấn cho biết, việc hợp tác này có nhiều lợi ích cho những người mới đầu tư vào chăn nuôi và phù hợp trong bối cảnh chăn nuôi có nhiều dịch bệnh, thị trường đầu ra bấp bênh và vay vốn khó như hiện nay. Trang trại của ông hiện nuôi gần 1.000 con lợn nái sinh sản. Ông hưởng lợi nhuận theo số lợn con được sinh ra. Trung bình mỗi năm trang trại thu lãi từ 1,2-1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 16 công nhân địa phương với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, tỉnh ta có khoảng 10 trang trại liên kết, trong đó chủ yếu liên kết với Công ty CP (Thái Lan) nuôi lợn, gà, tập trung nhiều ở các huyện Bình Giang, Tứ Kỳ, Nam Sách. Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Khi hợp tác với các công ty, người dân thường phải chăn nuôi với quy mô lớn, hàng nghìn con gà, con lợn trở lên. Như vậy sẽ góp phần giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, hình thành được nền chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Yêu cầu về kỹ thuật của các công ty này rất cao. Từ vệ sinh chuồng trại, phun thuốc phòng, trừ dịch bệnh, đến tiêm phòng. Người chăn nuôi trước khi ra, vào chuồng đều phải phun thuốc sát trùng vào quần áo bảo hộ. Người lạ tuyệt đối không được vào khu chăn nuôi. Chính vì vậy, những trang trại này hoàn toàn bảo đảm về an toàn dịch bệnh. Trong các mùa dịch tai xanh trước đây, 100% số trang trại liên kết trên địa bàn tỉnh không bị mắc dịch. Hiện nay, việc đầu tư xây dựng trang trại đòi hỏi nguồn vốn từ 5-7 tỷ đồng. Trong bối cảnh các ngân hàng đang thắt chặt tín dụng thì hình thức hợp tác này đã góp phần làm giảm áp lực về vốn cho người dân. Các công ty thường ký hợp đồng với người chăn nuôi trong thời gian 5 năm, sau đó nếu có nhu cầu lại ký tiếp. Trong khoảng thời gian này, người chăn nuôi có điều kiện tích lũy kinh nghiệm, vốn, nếu đứng ra làm ăn độc lập thì có thể tự xoay xở được. Tỉnh khuyến khích các hình thức chăn nuôi liên kết để tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên lựa chọn những đơn vị làm ăn có uy tín, thương hiệu, tránh những đơn vị làm ăn không hiệu quả để tránh “tiền mất, tật mang”.
PV