Bắt đầu từ năm 2018, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta tiến hành giao dự toán chi khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) cho các cơ sở y tế.
Trước khi thực hiện giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ở nhiều cơ sở y tế có tình trạng chưa tiết kiệm quỹ này (ảnh có tính minh họa)
Theo anh Nguyễn Xuân Đóa, Trưởng Phòng Giám định BHYT, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, trước đây chi phí KCB BHYT của tỉnh ta tăng cao, nhiều cơ sở y tế có biểu hiện sử dụng Quỹ BHYT chưa tiết kiệm. Từ năm 2018, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính căn cứ vào chi phí của mỗi cơ sở y tế được quyết toán năm trước để giao dự toán chi phí KCB BHYT cho năm kế tiếp. Đồng thời, mức giao tăng hay giảm cho mỗi cơ sở y tế dựa trên tình hình thực tế, năng lực KCB, số lượng dịch vụ, số thẻ BHYT, giá vật tư... "Mục đích chính của việc giao này không phải để khống chế hoạt động mà để mỗi cơ sở y tế chủ động và sử dụng hiệu quả Quỹ KCB BHYT", anh Nguyễn Xuân Đóa cho biết.
Việc giao dự toán đã giúp các cơ sở y tế của tỉnh nắm chắc nguồn quỹ của mình, từ đó chủ động điều tiết, cân đối để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT và sử dụng nguồn Quỹ KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả hơn. Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở y tế làm tốt việc đón tiếp, hướng dẫn người dân đến KCB, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian làm thủ tục. Các cơ sở KCB giảm việc chuyển tuyến nếu không thật sự cấp thiết; chỉ định nội trú, ngoại trú phù hợp với tình trạng bệnh nhân; giảm chỉ định không cần thiết; kiểm soát tốt việc chỉ định thuốc, kỹ thuật cận lâm sàng.
Ông Lê Đình Chiểu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng chia sẻ: "Từ khi được giao dự toán, cơ sở KCB của huyện phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tích cực tuyên truyền đến cán bộ, y, bác sĩ và nhân dân thực hiện việc sử dụng Quỹ KCB BHYT sao cho hiệu quả. Đồng thời, thực hiện chặt chẽ quy trình KCB theo quy định. Do đó, năm 2018, cơ sở KCB của Trung tâm Y tế huyện chi không vượt dự toán giao".
Thực tế cho thấy việc giao dự toán chi BHYT hầu như không ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công tác KCB cho người dân vẫn được đặt lên hàng đầu. Bệnh viện luôn bảo đảm quyền lợi cho người dân đến khám và điều trị đúng theo quy định. Đồng thời, để thu hút và giữ chân bệnh nhân, bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng KCB bằng việc đầu tư trang thiết bị, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ.
Việc giao dự toán kinh phí không ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Trong năm 2018, ngành y tế tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu các bệnh viện tuyến trên tập trung làm kỹ thuật cao, bệnh nhẹ chữa ở tuyến dưới. Các bệnh viện tuyến trung ương đã chuyển giao cho tỉnh hơn 350 gói kỹ thuật mới cho 413 cán bộ y tế và đã có 316.157 lượt bệnh nhân được điều trị bằng các kỹ thuật mới này. Đồng thời, ngành đầu tư hơn 52,8 tỷ đồng cho các cơ sở y tế xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Do đó, tỉnh ta đã giảm 5% số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.
Các cơ quan BHXH của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế tích cực thực hiện việc giám định, cảnh báo nguồn chi để kiểm soát tốt nguồn Quỹ KCB BHYT. Chị Vũ Thị Hồng Hạnh, giám định viên BHXH huyện Cẩm Giàng đánh giá: "Hằng ngày, chúng tôi cùng với Trung tâm Y tế huyện kiểm soát chi phí đầu vào, đầu ra và thông báo khi có biểu hiện chi gia tăng. Chúng tôi cũng kiểm soát đầy đủ đối với bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Đồng thời, thường xuyên trao đổi với trung tâm để hạn chế đến mức thấp nhất việc chi không hợp lệ".
Từ những biện pháp trên, năm 2018, tỷ lệ sử dụng Quỹ KCB BHYT vượt dự toán của tỉnh chỉ còn 4,1%. Trong khi năm 2017, tỷ lệ vượt dự toán là 36,5%.
Tuy nhiên, việc giao dự toán chi cũng khiến không ít cơ sở y tế gặp khó khăn khi phải liên tục có biện pháp cân đối nguồn chi. Việc kiểm soát nguồn chi cũng gặp khó khăn. Những năm gần đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng. Mô hình bệnh tật thay đổi, bệnh không lây nhiễm gia tăng tạo thêm gánh nặng cho ngành y tế và người dân. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có xu hướng quay trở lại. Bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường. Môi trường, biến đổi khí hậu, lối sống... tác động xấu đến sức khỏe nhân dân. Trong khi đó, cơ sở vật chất của nhiều cơ sở y tế xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ, đội ngũ bác sĩ còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Việc giao dự toán chi cũng dẫn đến nhiều cơ sở y tế gặp khó khi xã hội hóa đầu tư trang thiết bị, đưa kỹ thuật cao vào công tác KCB. Do quản lý chặt việc chuyển tuyến nên có trường hợp mặc dù khả năng điều trị thiếu hiệu quả nhưng vẫn cố giữ người bệnh ở lại dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân.
DANH TRUNG