Hiệu quả đề án hỗ trợ chăn nuôi

04/03/2013 07:30

Đề án đã hỗ trợ trực tiếp đến người chăn nuôi, giúp người chăn nuôi có vốn để sản xuất và cũng là biện pháp để thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển.


Gia đình anh Nguyễn Hữu Quyền ở thôn Đụn, xã Nam Hồng (Nam Sách) được vay  125 triệu đồng từ Đề án "Phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, đảm bảo vệ sinh môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015" để mua 25 con lợn nái, không phải trả lãi


Từ năm 2010, gia đình anh Nguyễn Hữu Quyền ở thôn Đụn, xã Nam Hồng (Nam Sách) đầu tư chăn nuôi theo quy mô lớn. Để làm được điều này, anh đã phải thế chấp đất nhà vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, năm 2012 giá nguyên liệu đầu vào gồm: thức ăn, con giống, thuốc phòng trừ dịch bệnh tăng cao trong khi đó giá bán lại giảm làm cho anh Quyền bị lỗ. Anh Quyền cho biết: "Đến giữa năm 2012, tình hình thật sự khó khăn. Có bao nhiêu vốn tôi phải bỏ ra hết để mong "gỡ" lại nhưng không lường trước được thị trường, càng nuôi càng lỗ.

Tuy nhiên, tôi nhận định cuối năm 2012 và năm 2013, chăn nuôi sẽ được cải thiện, giá bán sẽ tăng. Chính vì thế tôi vẫn quyết định đầu tư tiếp. Đúng lúc này, tôi được biết Đề án cho vay vốn phát triển chăn nuôi có hỗ trợ lãi suất của tỉnh. Tôi đã làm kế hoạch trình lên UBND xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) huyện, sau đó Ngân hàng NN-PTNT đã xuống thẩm định và cho tôi vay 125 triệu đồng. Với số tiền này, tôi mua 25 con lợn nái sinh sản. Hiện nay, 17 con đã được khai thác, có 8 con đã đẻ được hơn 1 tháng, những con khác đang chuẩn bị đẻ. Lợn con sinh ra tôi sẽ để nuôi làm lợn thịt, khoảng 3 tháng nữa lợn được xuất chuồng và tôi sẽ có tiền trả ngân hàng đúng hạn. Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi đã giúp chúng tôi vượt qua lúc khó khăn nhất. Tôi đang tiếp tục xây dựng kế hoạch nuôi lợn thịt để được vay vốn từ đề án".

Bà Phạm Thị Mây, ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) cho biết: "Giữa năm 2012, tôi mua 80 con lợn nái và 400 con lợn thịt với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Gia đình tôi vay mượn bên ngoài và huy động vốn của gia đình được gần 400 triệu đồng, còn 600 triệu đồng tôi được vay Ngân hàng NN-PTNT huyện Cẩm Giàng theo chính sách cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất từ đề án chăn nuôi của tỉnh. Trong một thời gian ngắn, tôi đã có vốn để khôi phục chăn nuôi. Nguồn vốn này đối với gia đình tôi rất quan trọng. Sau 4 tháng nuôi, mỗi con lợn thịt đạt từ 95-100 kg. Tôi đã bán hết đúng dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ với giá từ 48-51 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi được lãi trên 1 triệu đồng/con...

Để hỗ trợ người chăn nuôi và thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển, tháng 6-2012, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, đảm bảo vệ sinh môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015". Đến hết năm 2012, đã có 566 hộ dân của tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tham gia đề án với 17.315 con lợn thịt và 9.202 con lợn nái, tổng số tiền đề nghị vay trên 45 tỷ đồng. Ngân hàng NN- PTNT các huyện, thành phố, thị xã đã giải ngân được trên 15 tỷ đồng cho các hộ nông dân vay.

Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: "Đây là đề án mang lại hiệu quả thiết thực vì nó hỗ trợ trực tiếp đến người chăn nuôi, giúp người chăn nuôi có vốn để sản xuất và cũng là biện pháp để thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển. Nó đặc biệt có ý nghĩa hơn khi năm 2012 người dân gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có những người chăn nuôi lâu, có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn bị thua lỗ, không có vốn để hồi phục".

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án vẫn còn những hạn chế. Đó là thời gian cho vay đối với nuôi lợn thịt còn ngắn, hầu như các hộ dân mới đăng ký vay để nuôi lợn. Một số nơi, người dân chưa biết đến dự án này...

Để được vay vốn từ đề án, người chăn nuôi phải xây dựng được kế hoạch sản xuất, được UBND cấp xã xác nhận, cấp UBND huyện phê duyệt. Sau đó, Phòng NN-PTNT cấp huyện trình lên Sở NN-PTNT. Sau khi dự án của chủ hộ chăn nuôi được sở phê duyệt, Phòng NN-PTNT phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện, thành phố, thị xã lập danh sách các hộ tham gia dự án (có xác nhận của UBND cấp huyện) gửi tới chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT đóng trên địa bàn. Đối với các hộ chăn nuôi lợn thịt, việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện 4 tháng/lần; đối với những hộ chăn nuôi lợn nái ngoại, nái lai, nái nội, việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện 6 tháng/lần. Mỗi con gia súc (giống và thịt), khi cho vay đều có sổ quản lý. Hằng tháng, Phòng NN-PTNT các huyện, thành phố, thị xã sẽ kiểm tra để xem tốc độ phát triển, thực trạng nuôi của các hộ nông dân. Đối với những hộ chăn nuôi hiệu quả, sau mỗi đợt vay, hộ dân trả tiền gốc, sau đó làm kế hoạch lại và sẽ tiếp tục được cho vay mới. Còn đối với những hộ chăn nuôi không hiệu quả thì sẽ bị dừng vay.

NGỌC THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả đề án hỗ trợ chăn nuôi