Dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” không những xử lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi mà còn cung cấp nguồn năng lượng đáng kể cho các hộ.
Lãnh đạo Hội Khí sinh học tỉnh kiểm tra, nghiệm thu công trình bể bi-ô-ga tại xã Thái Dương (Bình Giang)
Việc thực hiện dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Cục Chăn nuôi, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan (SNV) trên địa bàn tỉnh đã không chỉ xử lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi mà còn cung cấp nguồn năng lượng đáng kể cho các hộ.
Nhiều lợi íchNhà ông Vũ Văn Chính ở thôn Thái Khương, xã Thái Dương (Bình Giang) chăn nuôi lợn từ nhiều năm nay, với quy mô hàng chục con, cả lợn thịt và lợn nái. Chất thải từ nuôi lợn được vợ chồng ông đưa thẳng xuống ao làm thức ăn cho cá nhưng do nhiều quá nên nước ao cũng bị ô nhiễm. Khi được vận động xây dựng bể bi-ô-ga sẽ được hỗ trợ bếp ga, bộ lọc khí, đồng hồ đo khí ông đồng ý làm. Tháng 7 vừa qua, ông Chính đã đầu tư hơn chục triệu đồng để xây dựng bể bi-ô-ga 12,1 m3 để chứa chất thải, nước thải từ chăn nuôi lợn. “Trước đây, mọi chất thải từ chăn nuôi được đổ xuống ao, mùi hôi thối rất khó chịu. Nhưng từ khi có bể bi-ô-ga, chuồng trại chăn nuôi lúc nào cũng sạch sẽ, nước ao cũng trong hơn, nuôi cá năng suất hơn”, ông Chính cho biết.
Không chỉ có hộ ông Chính mà một số hộ trong thôn Thái Khương cũng làm bể bi-ô-ga theo dự án như hộ ông Vũ Văn Sắc, Vũ Văn Năm... Tại các hộ này, chúng tôi thấy chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ và ít mùi hôi. Các hộ cho rằng, trước đây do không có cách xử lý chất thải triệt để nên không dám chăn nuôi nhiều. Từ khi có hầm bi-ô-ga, nhiều hộ có kế hoạch mở rộng chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. “Lợi ích thấy rõ nhất là môi trường không còn ô nhiễm nữa”, ông Sắc chia sẻ.
Một trong những mục đích mà dự án mang lại là cung cấp cho các hộ nguồn năng lượng sạch (khí ga). “Trước đây, cứ 2 tháng gia đình tôi đun hết một bình ga. Từ khi có công trình khí sinh học tôi không còn phải mua chất đốt nữa, mỗi tháng tiết kiệm được hàng trăm nghìn đồng”, chị Ngô Thị Thúy ở thôn Hà Tiên, xã Thái Dương (Bình Giang) cho biết. Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Chủ tịch Hội Khí sinh học tỉnh, lợi ích của công trình khí sinh học không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp các hộ có được nguồn năng lượng khí ga để phục vụ nhu cầu đun nấu, tiết kiệm chi phí cho người dân.
Thay đổi cách hỗ trợDự án “Công trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” được triển khai ở tỉnh ta từ năm 2003. Dự án hỗ trợ mỗi hộ dân một công trình khí sinh học trị giá 1,2 triệu đồng. Thời gian qua, các ngành chức năng và các địa phương đã tích cực tuyên truyền lợi ích của công trình khí sinh học đối với đời sống nhân dân. Nhiều hộ chăn nuôi đã hưởng ứng đầu tư làm bể bi-ô-ga. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 14 nghìn bể bi-ô-ga, chủ yếu xây bằng vật liệu cứng theo công nghệ KT1, KT2, một số bể làm bằng vật liệu com-pô-dít.
Năm 2014, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiếp tục phối hợp Tổ chức SNV triển khai một hợp phần của dự án này tại tỉnh ta. Trong năm 2014, Hội Khí sinh học tỉnh lập kế hoạch xây dựng 489 bể bi-ô-ga theo công nghệ KT1, KT2 (xây bể hình bán cầu), com-pô-dít (bể hình cầu). Ông Thái cho biết: “Trước đây, dự án hỗ trợ 1,2 triệu đồng cho người dân để đầu tư xây bể bi-ô-ga. Còn nay hợp phần của dự án sẽ hỗ trợ 1,2 triệu đồng cho đội thợ xây. Vì đội thợ xây sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng công trình của dự án. Các đội thợ xây dựng bể bi-ô-ga sẽ ký hợp đồng với Ban Quản lý dự án khí sinh học thuộc Hội Khí sinh học tỉnh. Các đội thợ xây tự tìm khách hàng để thỏa thuận đầu tư. Sau khi nghiệm thu công trình đội thợ xây được hỗ trợ 1,2 triệu đồng cho mỗi bể bi-ô-ga, trong đó có hỗ trợ thiết bị sử dụng khí sinh học, áp kế trị giá 350 nghìn đồng. Từ tháng 5 đến nay, các đội thợ xây trong tỉnh đã xây dựng 409 hầm bi-ô-ga, phấn đấu cả năm đạt 550 công trình khí sinh học, vượt kế hoạch đề ra. “Hợp phần của dự án này được thực hiện đến năm 2017, từng năm sẽ có kế hoạch riêng theo sự phân bổ chỉ tiêu của dự án. Khi kết thúc giai đoạn thực hiện chắc chắn sẽ có hàng nghìn công trình khí sinh học được xây, góp phần giúp cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh khắc phục ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí chất đốt và góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi trong tỉnh phát triển bền vững”, ông Thái cho biết thêm.
VIỆT CƯỜNG