Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi từ sự trợ giúp của chương trình, hàng chục bà mẹ nhiễm HIV như được “hồi sinh” bởi những đứa con do họ sinh ra đã thoát khỏi "lưỡi hái tử thần".
|
Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV, AIDS tỉnh tư vấn cho các bà mẹ đang tham gia chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
|
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại tỉnh ta hơn 2 năm nay. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi từ sự trợ giúp của chương trình, hàng chục bà mẹ nhiễm HIV như được “hồi sinh” bởi những đứa con do họ sinh ra đã thoát khỏi "lưỡi hái tử thần".
Hầu như lần nào tiếp xúc với những người nhiễm HIV, tôi cũng gặp những giọt nước mắt đau khổ tiếc nuối những tháng ngày được sống đang ngắn lại. Nhưng lần này, gặp gỡ những người phụ nữ có HIV, tôi thực sự xúc động trước tình cảm đa chiều, vừa đau khổ, vừa hạnh phúc của họ. Chị V.T.N, 28 tuổi ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) quê ở thị trấn Ninh Giang. Vì gia đình khó khăn nên 14 tuổi, N. phải rời quê lên làm “ô sin” cho một cửa hàng bán xe máy ở đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương). Hơn chục năm làm người giúp việc, hằng ngày quanh quẩn với việc bếp núc, dọn dẹp nên N. hầu như không được tiếp cận với xã hội. Năm 2007, qua một người bạn, N. được giới thiệu gặp N.G.K ở phường Nguyễn Trãi. Mặc dù ngay lúc quen, biết K. đã từng mắc nghiện ma túy gần chục năm, nhưng N. vẫn quyết định kết hôn với K. bởi N. tưởng nghiện ma túy chỉ giống như nghiện thuốc lá hay nghiện rượu, bia. Quãng thời gian hạnh phúc của N. không kéo dài được lâu vì mới có bầu được 3 tháng, N. đã phải tiễn chồng vào trại cai nghiện. Cùng thời gian này, K. đổ bệnh, vào viện điều trị và có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Sợ N. suy sụp nên gia đình nhà chồng không dám cho cô biết sự thật. Ngày bé N.G.T chào đời, niềm hạnh phúc đang dâng trào thì N. được bác sĩ của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thông báo kết quả cô bị nhiễm HIV...
Dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục lan rộng trong tỉnh. Mong rằng, hiệu quả của các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS sẽ ngày càng được phát huy và nhân rộng.
Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã xét nghiệm mẫu máu nhằm phát hiện HIV cho hơn 10 nghìn bà mẹ mang thai; trong đó đã phát hiện và áp dụng chương trình điều trị dự phòng cho 22 bà mẹ mang thai có HIV. Trong đó, đã có 10 cháu trên 18 tháng tuổi có kết quả âm tính với HIV, đạt 100% số cháu thụ hưởng chương trình được miễn trừ HIV. Ngoài ra, còn 12 cháu được hưởng chương trình nhưng chưa đủ 18 tháng tuổi (thời điểm đủ điều kiện để xét nghiệm phát hiện có nhiễm vi-rút HIV hay không) nên chưa rõ kết quả. |
Chị P.T.T, 25 tuổi ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) đã quen và yêu N.Q.H (người Hà Tây cũ). Hai người đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nhưng do hai gia đình phản đối nên mối tình của T. và H. không đến đích hôn nhân. Năm 2007, T. yêu và kết hôn cùng N.V.T, một công nhân cơ khí nhà ở phường Trần Phú. Cuối năm 2007, T. sinh cháu gái đầu lòng đặt tên cháu là V.Q.C. 2 ngày sau khi T. sinh con, bác sĩ của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tới tận nhà thông báo kết quả T. dương tính với HIV và cấp thuốc dự phòng cho cháu C, tư vấn các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh cho mọi người trong gia đình, đặc biệt là không cho con bú sữa mẹ và cách chăm sóc cháu C. để bảo vệ an toàn sức khỏe cho cháu. Chồng T. đi xét nghiệm cho kết quả âm tính với HIV. Chồng T. là một người đàn ông giàu lòng vị tha, hết mực yêu thương vợ, con. Anh luôn động viên vợ, cùng vợ chia sẻ gánh nặng chăm sóc gia đình, bảo vệ sức khỏe cho con.
Các bé N.G.T và V.Q.C là 2 trong số 10 cháu thụ hưởng chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã có kết quả âm tính với HIV. Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Chương trình được triển khai tại tỉnh ta từ tháng 8-2008 tại 3 điểm là khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khoa sản Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành và khoa sản Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn. Chương trình tiến hành xét nghiệm HIV tự nguyện, miễn phí cho tất cả các bà mẹ mang thai tới khám và sinh con tại 3 cơ sở y tế trên, kể cả những phụ nữ ở các địa phương khác trong tỉnh hoặc ở tỉnh ngoài tới sinh con ở tỉnh ta. Những phụ nữ phát hiện có HIV trước khi mang thai được 28 tuần thì đến tuần thứ 28 tuần trở đi bắt đầu được chương trình cấp thuốc uống dự phòng và được cấp thuốc dự phòng cho lúc chuyển dạ. Những phụ nữ phát hiện có HIV và uống thuốc dự phòng không đủ 1 tháng trước đẻ thì cả 2 mẹ con sẽ được uống thuốc dự phòng trong 1 tuần sau khi sinh. Các bà mẹ khi đến sinh mới phát hiện nhiễm HIV thì sau khi sinh cháu bé sẽ được cấp thuốc dự phòng uống trong vòng 1 tháng. Ngoài ra, chương trình còn cấp sữa miễn phí cho các cháu trong vòng 6 tháng đến 1 năm tùy từng thời điểm thực hiện dự án và tư vấn thường xuyên cho các bà mẹ và gia đình về cách chăm sóc, dự phòng lây nhiễm HIV cho các cháu và người thân trong gia đình.
Tuy nhiên, số đối tượng thụ hưởng dự án chưa nhiều. Nguyên nhân, theo bác sĩ Vũ Tiến Vượng, cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh là do: Nhiều bà mẹ chưa biết đến chương trình, chưa tự nguyện xét nghiệm phát hiện HIV. Đây là một thiệt thòi không chỉ cho các bà mẹ, cho các cháu mà còn gây khó khăn cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.
MAI LIÊN