Hiểu nhầm vì đề thi toán lớp 10 in mờ

12/06/2023 08:57

Một số đề thi toán vào lớp 10 bị mờ phần gạch ngang phân số, khiến nhiều học sinh tưởng là dấu âm nên làm nhầm, có thể mất 1-2 điểm.

Sáng 11.6, hơn 104.000 học sinh Hà Nội thi môn Toán, cũng là môn cuối trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập hệ không chuyên.

Tại ý 1 câu III, đề bài yêu cầu thí sinh giải hệ phương trình, tìm hai ẩn x và y. Trong đó phương trình đầu tiên có dạng 2/(x-3). Tuy nhiên, ở một số đề thi, dấu gạch ngang của phương trình bị mờ, không liền mạch, khiến nhiều học sinh lầm tưởng là dấu âm.

Ý 1, câu III về giải hệ phương trình, trong đó dấu phân số ở phương trình thứ nhất bị mờ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ý 1, câu III về giải hệ phương trình, trong đó dấu phân số ở phương trình thứ nhất bị mờ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trần Nghĩa, huyện Gia Lâm, rơi vào trường hợp này. Dự thi tại trường THPT Cao Bá Quát, ban đầu Nghĩa thấy "sai sai" khi nghiệm ra khá lẻ, không phải số đẹp, nhưng em lại nghĩ "biết đâu năm nay đáp án lẻ".

Giải quyết được trọn vẹn 4/5 bài, chỉ bỏ lại bài cuối dành cho học sinh giỏi, Nghĩa nhẩm tính được khoảng 8,5-9 điểm, đạt mục tiêu đề ra. Nhưng khi so đáp án với bạn bè, Nghĩa giật mình.

"Đề của các bạn không bị mờ giống đề em, phần gạch ngang của phân số liền mạch, rõ nét. Lúc đấy em mới biết mình làm nhầm", Nghĩa nói.

Chị Lan, một phụ huynh ở quận Cầu Giấy, cho biết con trai chị cũng bị nhầm ở câu hỏi này. Người mẹ kể lúc ra khỏi điểm thi, con hớn hở, bảo chắc được 9 điểm.

"Tôi cũng vui lây, nhưng khi so sánh với gợi ý đáp án, tôi và con mới thấy có sự khác nhau giữa các đề", chị Lan nói, cho biết con trai khóc từ khi phát hiện bị nhầm.

Trên các diễn đàn, nhiều học sinh phản ánh tình trạng tương tự. Một số phụ huynh cho biết sẽ làm đơn phản ánh sự việc tới Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện khoảng 40 người ký tên.

Theo quy chế thi, "khi nhận đề, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ, phải báo ngay với cán bộ coi thi, chậm nhất năm phút tính từ thời điểm phát đề".

Nghĩa cho hay em cũng được giám thị thông báo về điều này, song nam sinh không nghĩ đề của mình gặp chất lượng in ấn.

"Em thực sự nghĩ đó là dấu âm, nên không báo lại giám thị", nam sinh giải thích.

Ý 1, câu III tại một đề khác, phần phân số tại phương trình thứ nhất không bị mờ. Ảnh: Thanh Hằng

Ý 1, câu III tại một đề khác, phần phân số tại phương trình thứ nhất không bị mờ. Ảnh: Thanh Hằng

Câu III của đề thi không ghi cụ thể điểm của phần giải hệ phương trình, nhưng theo nhiều giáo viên, ý này 1 điểm. Như vậy, những học sinh làm sai sẽ mất 2 điểm trong tổng điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập, vì điểm môn Toán nhân đôi.

Chị Lan lo sai sót này có thể khiến con trai trượt cấp ba. Năm nay, con chị đặt nguyện vọng 1 vào THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa, trường lấy điểm chuẩn trung bình môn năm ngoái là 8,05. Con trai chị có thế mạnh môn Toán, xác định để kéo điểm Văn và Tiếng Anh. Vì thế, chị cho rằng nếu mất 1 điểm Toán, con chị "khả năng cao" không thể trúng tuyển nguyện vọng 1.

Với nguyện vọng 2 đặt vào trường THPT Khương Hạ, cơ hội cũng mong manh bởi trường này có tỷ lệ chọi lớp 10 cao nhất Hà Nội năm nay.

Nghĩa cũng đứng ngồi không yên sau khi phát hiện sai sót. Em đăng ký nguyện vọng 1 vào THPT Cao Bá Quát, quận Gia Lâm. Năm ngoái, trường này lấy điểm chuẩn trung bình môn là 7,1.

"Trường Cao Bá Quát tăng điểm chuẩn ba năm liên tiếp rồi, nếu năm nay tăng nữa, em rất sợ mình trượt", Nghĩa nói.

Thầy Võ Quốc Bá Cẩn, giáo viên trường Archimedes Academy Hà Nội, nhìn nhận đây là sự việc hy hữu.

Thầy Cẩn cho rằng nếu bình tĩnh và nhìn kỹ, học sinh sẽ thấy phần bị mờ là dấu phân số, bởi so về kích thước hay vị trí của phép tính x-3, phương trình này không lớn hơn phương trình phía dưới. Song, theo thầy Cẩn, có thể do thí sinh bị tâm lý, chưa cẩn thận và quan sát kỹ, dẫn tới làm sai.

Đáp số đúng của bài toán là (x,y) = (7/2, 1). Còn nếu nhầm phép tính thành dấu âm, nghiệm là (83/26, -19/5).

Xét về quy định, thầy Cẩn cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thi không sai. Khi có nghi vấn về đề thi, học sinh có quyền thắc mắc nhưng có thể các bạn không dám hỏi, hoặc hiểu nhầm yêu cầu "giám thị không giải thích gì thêm".

"Nếu nhìn nhầm mà thí sinh vẫn có thể tính ra kết quả, điều đó cho thấy em đó vẫn có khả năng. Tôi rất mong Sở sẽ chấp nhận kết quả và cho điểm những thí sinh tính sai vì nhìn nhầm đề", thầy Cẩn nói.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tối 11.6 cho biết đã tiếp nhận phản ánh về sự việc. Hiện, kỳ thi vào lớp 10 chưa kết thúc, vẫn còn các môn thi chuyên vào ngày mai. Do đó, các thành viên của hội đồng ra đề vẫn đang trong khu cách ly. Sở sẽ làm việc với hội đồng ra đề sau khi môn thi cuối kết thúc vào 16h30 chiều mai.

"Sau khi xác minh cụ thể, Sở sẽ có phương án xử lý theo đúng quy định, trên tinh thần bảo đảm quyền lợi và sự công bằng tối đa cho thí sinh", Sở thông tin.

Học sinh Hà Nội ra về sau khi hoàn thành bài thi môn Toán vào lớp 10, sáng 11/6. Ảnh: Thanh Hằng

Học sinh Hà Nội ra về sau khi hoàn thành bài thi môn Toán vào lớp 10, sáng 11.6. Ảnh: Thanh Hằng

Trong hai ngày 10-11.6, 104.000 học sinh Hà Nội hoàn thành ba bài thi Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán vào lớp 10 THPT công lập không chuyên. Với chỉ tiêu khoảng 72.000, tỷ lệ trúng tuyển là 66,5%. Điểm xét tuyển là tổng điểm Văn và Toán nhân hệ số hai, cùng điểm Ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có).

Ngày mai, khoảng 10.000 học sinh đăng ký vào trường chuyên sẽ làm thêm bài thi môn chuyên. Điểm xét tuyển lớp 10 chuyên là tổng điểm ba bài thi Toán, Văn, Ngoại ngữ và điểm môn chuyên nhân hệ số hai.

Điểm thi và điểm chuẩn lớp 10 công lập của Hà Nội năm nay được công bố vào ngày 4.7 và 8-9.7. Nếu trúng tuyển, thí sinh nhập học trực tuyến. Từ ngày 18.7, những trường chưa đủ chỉ tiêu bắt đầu xét tuyển bổ sung.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểu nhầm vì đề thi toán lớp 10 in mờ