Mối quan hệ hai miền Triều Tiên “ấm lên” thời gian qua buộc chính quyền Donald Trump cần toan tính kỹ lưỡng về lợi ích dành cho Mỹ cũng như những gì Washington cần nhượng bộ.
Hiệp ước hòa bình cho hai miền Triều Tiên sẽ còn gặp nhiều gian nan, cần nhiều thời gian cho các cuộc đàm phán
Tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom), cuộc chiến tranh Triều Tiên chỉ được ngừng lại bằng một hiệp định đình chiến ký kết tháng 7.1953, hai miền bán đảo cho đến thời điểm hiện tại trên danh nghĩa vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Một bán đảo thống nhất, một hiệp ước hòa bình dường như đang là điều gần với cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên hơn bao giờ hết.
Mối quan hệ hai miền Triều Tiên “ấm lên” thời gian qua buộc chính quyền Donald Trump cần toan tính kỹ lưỡng về lợi ích dành cho Mỹ cũng như những gì Washington cần nhượng bộ.
Trong tuyên bố Bàn Môn Điếm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã cùng thống nhất hướng tới việc chấm dứt tình trạng chiến tranh, biến thỏa thuận đình chiến thành hiệp ước hòa bình. Hai miền cùng thiết lập mối quan hệ hòa bình vĩnh viễn và vững chắc. Theo một số ý kiến, cả Seoul và Bình Nhưỡng đều hy vọng có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh trong khuôn khổ các cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 9 tới đây tại New York (Mỹ).
Washington tuyên bố Bình Nhưỡng cần đưa ra lộ trình cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa trước khi đi đến việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Ngược lại, Triều Tiên quả quyết rằng chấm dứt tình trạng chiến tranh hai miền là bước đi cần thực hiện ngay lúc này. Sau tuyên bố đó sẽ là quá trình xây dựng một hiệp ước hòa bình.
Diễn biến thời gian qua cho thấy Bình Nhưỡng dường như sẽ không thay đổi mục tiêu, điều đó khiến Donald Trump cần cân nhắc liệu rằng tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh có thể giúp Mỹ đạt được lợi ích trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay không. Tuy nhiên, ban hành hiệp ước hòa bình hay thậm chí việc tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên vốn không phải tiến trình đơn giản.
Ai sẽ ký hiệp ước? Đây là câu hỏi đầu tiên các bên cùng quan tâm. Đại diện của lực lượng Chí nguyện quân nhân dân Trung Quốc, Quân đội nhân dân Triều Tiên, Bộ chỉ huy Liên hợp quốc do Mỹ dẫn dắt đã ký kết thỏa thuận đình chiến vào năm 1953. Tổng thống Hàn Quốc khi đó, ông Syngman Rhee đã từ chối ký vào thỏa thuận đình chiến này bởi không chấp nhận tình trạng một bán đảo bị chia cắt.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã đề cập trong tuyên bố Bàn Môn Điếm rằng sẽ cùng phối hợp với Trung Quốc và Mỹ nhằm đạt được một hiệp ước hòa bình. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng có thể được yêu cầu ký vào hiệp ước này.
Điều gì sẽ xảy ra với lực lượng quân đội Mỹ tại khu vực? Hiệp ước hòa bình có ý nghĩa thế nào đối với sự hiện diện quân sự Mỹ tại Hàn Quốc sẽ là vấn đề khiến giới chức chính quyền Donald Trump đau đầu. Theo một số chuyên gia, đã có sự lo ngại nhất định từ Nhà Trắng rằng Bình Nhưỡng sẽ sử dụng “nước cờ hòa bình” nhằm yêu cầu Mỹ rút quân hoặc ít nhất là giảm số lượng quân đồn trú tại khu vực. Tuy nhiên, với Mỹ, chấm dứt tình trạng chiến tranh không có nghĩa là các mối đe dọa sẽ hoàn toàn bị loại bỏ.
Chương trình hạt nhân Triều Tiên sẽ kết thúc? Một hiệp định hòa bình có ý nghĩa cần phải bao gồm nội dung củng cố cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, đó sẽ là điều Washington hướng tới. Việc sản xuất các nguyên liệu phân hạch và các đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên được cho là hành vi bất ổn và làm suy yếu tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên, vi phạm tinh thần của một thể chế hòa bình. Nếu bỏ qua chương trình hạt nhân Triều Tiên, hiệp ước hòa bình sẽ chỉ đơn giản chấm dứt tình trạng chiến tranh mà không thể thay đổi tình hình an ninh cơ bản. Và khi đó, lợi ích Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí, vai trò Mỹ tại khu vực sẽ bị suy yếu.
Liệu các lệnh trừng phạt hiện đang nhắm vào Triều Tiên sẽ được gỡ bỏ? Cả Seoul và Bình Nhưỡng đều kêu gọi Washington dừng các biện pháp trừng phạt hiện nay. Chính quyền Seoul không thể theo đuổi các “dự án liên Triều” với miền Bắc khi các lệnh trừng phạt còn hiện hữu, trong bối cảnh người đứng đầu Nhà Xanh công bố một kế hoạch hội nhập kinh tế đầy tham vọng giúp tăng trưởng nền kinh tế chung toàn bán đảo. Về phần mình, Bình Nhưỡng cho rằng các lệnh trừng phạt hiện đang nhắm vào Triều Tiên vi phạm tinh thần của hiệp định Sentosa (Singapore).
Câu hỏi cuối cùng và cũng là điều các bên quan đặc biệt quan tâm, đó là cục diện mối quan hệ liên Triều sẽ ra sao? Nếu cả hai miền Triều Tiên được chấp thuận như những chính thể hợp lệ ký kết vào bản hiệp ước, khi đó có thể sẽ tồn tại một sự chấp nhận cho “giải pháp hai nhà nước” trên bán đảo Triều Tiên. Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ bán đảo, trong khi đó Bình Nhưỡng từng hướng đến chính sách “nhà nước liên bang”. Theo giới quan sát, nếu bán đảo Triều Tiên đạt được hiệp ước hòa bình, Kim Jong-un có thể sẽ tìm cách thiết lập một chính quyền Triều Tiên thống nhất dựa trên mô hình “một quốc gia hai thể chế”, tương tự mô hình Trung Quốc - HongKong. Khi đó, Triều Tiên sẽ đóng vai trò như Trung Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc coi sự thống nhất là một mục tiêu dài hạn, được xây dựng từ sự hòa hợp tư tưởng và hội nhập kinh tế.
Tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh Triều Tiên sẽ chỉ là điểm khởi đầu cho một quá trình đàm phán trường kỳ.
HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)