Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai mà ASEAN đàm phán Hiệp định thương mại tự do (sau Trung Quốc).
Tiến trình này được bắt đầu vào năm 2004 khi các nhà lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc ký Tuyên bố chung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc, khẳng định mong muốn thiết lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) bao gồm các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư.
Năm 2005, ASEAN và Hàn Quốc ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện (Hiệp định khung) và sau đó là các hiệp định cụ thể trong từng lĩnh vực, tạo nền tảng pháp lý hình thành Khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA).
Hiệp định cụ thể đầu tiên được hai bên thống nhất là Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN – Hàn Quốc (AKTIG), ký kết ngày 24-8-2006. Hiệp định này quy định các thoả thuận thương mại hàng hoá ưu đãi giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và Hàn Quốc, trong đó quan trọng nhất là cam kết cắt giảm và xoá bỏ thuế suất đối với tất cả các dòng thuế trong một giai đoạn nhất định. Bắt đầu từ ngày 1-1-2010, Hàn Quốc và ASEAN-5 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore) đã xoá bỏ thuế của gần 90% các mặt hàng trong lộ trình thông thương. Các thành viên mới hơn của ASEAN là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanma sẽ có thời gian dài hơn để cắt giảm và xoá bỏ thuế quan. Đối với Việt Nam, ít nhất 50% các dòng thuế trong lộ trình thông thương sẽ có thuế suất từ 0-5% trước ngày 1-1-2005. Đến năm 2016, Việt Nam sẽ phải đưa 90% số dòng thuế về mức 0-5% và đạt mức tự do hoá hoàn toàn vào năm 2017. Thời hạn tương tự cho Campuchia, Lào, Myanma sẽ là 50% vào năm 2018 và tự do hoá hoàn toàn vào năm 2020. Thái Lan do tham gia Hiệp định AKTIG muộn hơn (năm 2007) sẽ có lộ trình cắt giảm thuế khác, thuế suất đối với các sản phẩm trong lộ trình thông thương sẽ được cắt giảm từng giai đoạn và xoá bỏ vào năm 2016 hoặc năm 2017.
Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN-Hàn Quốc (AKTIS) được ký ngày 2 - 11 - 2007, tạo nền tảng để tiếp tục mở cửa thị trường dịch vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ của ASEAN và Hàn Quốc. Xây dựng trên cơ sở các cam kết theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) của WTO, trong Hiệp định AKTIS, cả ASEAN và Hàn Quốc đều cam kết sâu rộng hơn thông qua việc bổ sung các ngành, phân ngành mới như kinh doanh, xây dựng, giáo dục, dịch vụ viễn thông, môi trường, dịch vụ du lịch và dịch vụ giao thông vận tải.
Hiệp định Đầu tư ASEAN- Hàn Quốc (AK-AI) được ký kết ngày 2-6-2009 nhằm tạo lập một môi trường minh bạch, thuận lợi và ổn định hơn cho các nhà đầu tư và nguồn vốn từ ASEAN và Hàn Quốc. Nội dung chính của Hiệp định AK-AI tập trung vào các yếu tố bảo hộ đầu tư như điều khoản về đối xử công bằng, bảo vệ đầy đủ và an toàn cho nguồn đầu tư, chuyển giao quỹ liên quan đến nguồn đầu tư, và đền bù trong trường hợp quốc hữu hoá đối với nguồn đầu tư. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1-9-2009. Tuy nhiên, hiện nay ASEAN và Hàn Quốc vẫn tiếp tục thảo luận nhằm hoàn thiện các nội dung hợp tác dự kiến, trong đó có vấn đề xây dựng các cam kết mở cửa thị trường hoặc lộ trình loại bỏ các bảo lưu. Trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, ASEAN và Hàn Quốc sẽ thảo luận và hoàn thành những nội dung này.
Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp ASEAN-Hàn Quốc, ký ngày 13-12-2005, đưa ra cơ chế giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh giữa các bên trong quá trình triển khai hoặc áp dụng các hiệp định nói trên, kể cả Hiệp định khung.
Với việc ký kết và thực hiện Hiệp định AKTIG, quan hệ thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng. Năm 2013, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ năm của ASEAN với tổng giá trị thương mại lên tới 106 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hàn Quốc vào ASEAN là 5,4 tỷ đô la Mỹ.
Hàn Quốc là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam. Năm 2013, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai nước đạt gần 27 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất sang Hàn Quốc gần 7 tỷ USD và nhập khẩu từ Hàn Quốc hơn 20 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam tính đến hết năm 2013 đạt gần 25 tỷ USD, đứng thứ tư sau Nhật Bản, Đài Loan và Singapore.
(Nguồn: Trung tâm Tư vấn và đào tạo kinh tế thương mại, Viện Nghiên cứu thương mại)