Hiện thực rộng lớn của cái nhìn, cái nghĩ

09/08/2015 15:52

Nối tiếp cuộc “hành trình vòng quanh thế giới”, đầu quý III năm 2015, Tô Ngọc Thạch cho ra mắt “Trôi dạt cõi người” tập II. Sách dày 340 trang, do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản.<br>


Cùng với tập I (xuất bản quý I năm 2012), ba năm, hai tập, với 700 trang viết, bút ký “Trôi dạt cõi người” khẳng định thành tựu ở những chuyến miệt mài đi và viết, khẳng định “vỉa khai thác” khá giàu có và sinh động ở lĩnh vực văn xuôi trong công cuộc lao động, sáng tạo của nhà văn.

Ở “Trôi dạt cõi người”, vẫn đi trên lối mở, người viết không phải người đứng ngoài góp vào tiếng nói mà nhà văn thực sự đằm mình trước những diện kiến xô bồ, đầy ngợp.

Trước bao cảnh - sự  luôn lật mở những không gian có sức phát lộ ở nhiều tầng nhận biết. Trước những chuyến rong ruổi của người hành trình, người từng đặt chân tới khắp miền đất lạ của khá nhiều quốc gia, châu lục. Dễ thấy Tô Ngọc Thạch không phải “đem hồn mình ra thay thế cho một thế giới, mà chính cái thế giới rộng lớn ngoài kia đã ùa vào, đã tràn đầy cõi hồn ông, đang vỡ ra, đang bay lên những mảnh nhìn lấp lánh...” 

Ở cả hai tập bút ký “Trôi dạt cõi người”, Tô Ngọc Thạch đều bám vào cái Có của cái Gặp. Cái Gặp dẫn đến cái Thấy. Cái Gặp, cái Thấy lại dẫn về cái Biết. Và, lượng thông tin đã làm nên năng lượng chuyển vận mạnh mẽ cho sức rung của cảm xúc, của mạch tự sự ở từng trang mô tả.

Giá trị phản ánh là điểm sáng trước hết và trội vượt. Bởi ở “Trôi dạt cõi người”, nhìn mặt nào người viết cũng xoay quanh cái trục “Đất nước - Con người - Sự kiện”. Hiện thực bề bộn của thế giới thứ nhất luôn là đối tượng làm sống dậy mọi cảm rung, mọi suy tư, liên tưởng cho chủ thể, nhà văn.
Ở tập I, với mười ba bút ký trong “Trôi dạt cõi người”, Tô Ngọc Thạch dành phần lớn những bài viết về nước Nga Xô viết, về nước Anh, nước Pháp, nước Mỹ và các nước châu Phi.   

Với nước Nga, đây được coi là “quê hương thứ hai” của nhà văn, bởi có tới một phần đời, thời trẻ trung, Tô Ngọc Thạch từng sống, chứng kiến và trải nghiệm với rất nhiều kỷ niệm. Những trang viết về xứ sở này, cán cân văn chương nghiêng về nội lực, nghiêng về mạch đằm sâu, tươi rói của ký ức. Ngoài những bút ký, ghi chép, với Xibia, Tô Ngọc Thạch còn có cả một trường ca đã được đăng tải qua nhiều chương, nhiều trầm tích được khai sáng.

Ở “Trôi dạt cõi người” tập I, Tô Ngọc Thạch từng dẫn người đọc mê say với “Xibia - vùng đất huyền thoại”, “Nước Nga mùa thu vàng”, "Uzbekistan - đất nắng và hoa hướng dương”. Rồi “Luân Đôn - xứ sở sương mù”. “Một thoáng Paris”. Hay “Phía đông nam châu Phi”, với “Mảnh đất hình chữ Y”, với “Quốc gia có ba thủ đô song hành”. Hay “Cape Town, thành phố bảy sắc cầu vồng”…

Ở “Trôi dạt cõi người” tập II, với 11 bút ký, ngoài hai bài viết về Matxcơva và “Cuộc viễn du bờ tây Hoa Kỳ”, còn lại nhà văn dành tới 9 bài cho những chuyến hành trình khám phá châu Á.

Đấy là đất nước Trung Hoa với Nam Ninh, Quế Lâm, Thâm Quyến, Bắc Kinh, Chiết Giang. Rồi với “Xứ sở Phù Tang”. Rồi Thái Lan. Hay Malaysia, quốc gia đạo Hồi, nơi có nhiều công trình nổi tiếng…

Là nhà văn, nhà khoa học, nhà quản lý, Tô Ngọc Thạch có dịp đến với các miền đất ở những chuyến công tác, chuyến tu nghiệp, du lịch, hoặc mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia. Có thể nói, ở mỗi bút ký, Tô Ngọc Thạch đã ý thức khai thác khá điển hình, hấp dẫn những đặc điểm, những kỳ quan, cảnh vật của mỗi quốc gia. Từ chính trị, tới kinh tế, văn hóa, quân sự… Những con người, sự kiện cùng những tinh hoa, truyền thuyết với nhiều mặt mang đặc điểm, đặc thù riêng của nhiều mảnh đất, nhiều quốc gia đem lại nguồn thông tin quý báu cho người đọc.
Nét trội, nét bứt phá hơn hẳn ở “Trôi dạt cõi người” tập II này là chất văn. Là sức động ở ngôn ngữ có khả năng lôi cuốn. Người viết tránh được những ghi chép khô cứng. Sự nhuần nhuyễn ở các bút ký được làm nên ở nghệ thuật đan cài, kết cấu. Khi kể việc, khi mô tả cảnh vật, con người, khi bình phẩm, nghĩ suy, khi kiến giải những giá trị nhận biết mang chiều sâu trước nhiều mối liên hệ của thế giới vạn vật.

Sức vang động của mỗi trang viết là cái nằm ở phía sau sự kiện, đòi hỏi bao giờ cũng phải lớn hơn sự kiện. Khoảng phát sáng này thắp dậy những gì lớn hơn, có mạch thấm sâu hơn. Khi cái một, cái cụ thể có thể hóa thành cái khái quát, cái tất cả, từ cái nhìn, từ sự khám phá, phát hiện.

Ở “Trôi dạt cõi người”, Tô Ngọc Thạch đã ý thức và tự thức khá rõ. Không dừng lại ở phác họa những bức tranh sơ giản bên ngoài, không chỉ đem đến một giá trị phản ánh qua nhật trình đi và viết. Những trang viết về “Mảnh đất đầu sóng ngọn gió vùng Đông Bắc", "Thủ đô mang đậm dấu ấn của kiến trúc sư trưởng người Việt", "Viễn du bờ tây Hoa Kỳ”, hay “Matcơva - Cuộc hội ngộ toàn cầu”, hay “Mảnh đất mang tên con sông Thúy Kiều trẫm mình”… là những bút ký có dòng chảy phong lưu, đằm nặng của hai tầng. Nó có được từ hiện thực bộn bề, với một phía nhà văn, ở năng lực khai sáng.

Ở “Mảnh đất đầu sóng, ngọn gió vùng Đông Bắc” với nhiều chi tiết lý thú, thuyết phục, qua phát hiện, qua minh chứng, lý giải, Tô Ngọc Thạch đã khám phá làng cổ Đồ Sơn ở bên kia biên giới. Rồi bán đảo Trà Cổ, làng người Việt đầu tiên trong vai trò bảo vệ chủ quyền biển đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc. Rồi trống đồng Nam Ninh với những vấn đề lịch sử được xã hội quan tâm. Rồi Kiến trúc sư trưởng Bắc Kinh là người Việt", "Huyền bí thành cổ Osaka, thành phố ma quỷ Pattaya", "Hồ Nguyên Trừng, nhà văn hải ngoại đầu tiên của Việt Nam"... Tất cả những hiện thực cày xới đều được Tô Ngọc Thạch dẫn về bể lắng, nơi lấp lánh cái nhìn, giúp trang viết mở ra những chân trời lớn hơn, vang động hơn từ những tia nắng ấy. “Trôi dạt cõi người” đem đến cho người đọc sự thỏa mãn nào đó ở thông tin, ở cảm nhận và suy ngẫm về mảnh đất, về thế sự, con người trong tư duy, triết thuyết.

Trước những trang bút ký, người viết không thể “khép cửa phòng văn” ngồi đẻ ra câu chữ, sự kiện. Bằng những chuyến đi, sự xông xáo, tinh nhạy, sâu sát, bằng sự ghi chép tỉ mỉ, công phu, bằng hiện thực của thế giới va đập, diện kiến bên ngoài với sức đốt của bể lắng và lấp lánh nơi cõi sâu hồn mình... trang văn mới thực sự mang lại những thông tin phong phú, sinh động cùng chiều sâu của mạch ngầm suy tưởng.

Bút ký “Trôi dạt cõi người” tập II của Tô Ngọc Thạch đã vươn tới phẩm chất ấy ở khá nhiều bài. Với 700 trang viết và hai tập Bút ký được tập hợp ra mắt bạn đọc trong 3 năm gần đây, cùng thi phẩm vốn có của thi sĩ, Tô Ngọc Thạch có thêm mảng đóng góp riêng này, coi như một “đặc sản” của ông trong gia sản văn chương.    

KIM CHUÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiện thực rộng lớn của cái nhìn, cái nghĩ