Những người công nhân nổ mìn khai thác đá được đào tạo bài bản, chuyên sâu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhưng họ luôn đối mặt với nguy hiểm...
Mỗi "cặp búa" gồm một người khoan, một người nhồi mìn, luôn theo sát nhau trên vách núi
Mặc dù những người công nhân nổ mìn khai thác đá được đào tạo bài bản, chuyên sâu về nghề và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động nhưng hằng ngày, hằng giờ họ luôn đối mặt với nguy hiểm rình rập.
Treo mình trên vách núiỞ núi Hàm Long, thuộc đội Thống Nhất, chúng tôi chứng kiến có 6 thợ khai thác đá đang treo mình trên các vách đá để làm việc. Người đứng khoan đá, người nhồi thuốc nổ vào các lỗ đã khoan. Việc giữ thăng bằng, đi lại, lên xuống đều dựa vào hệ thống dây leo. Nhìn họ làm việc trên các vách đá, chúng tôi kinh ngạc và khâm phục. Trước những vách đá dựng đứng như vậy làm thế nào họ không bị rơi mà vẫn có thể khoan, nhồi thuốc nổ được?
Mang những thắc mắc này hỏi anh Vũ Văn Trào, cán bộ kỹ thuật hộ chiếu an toàn phụ trách giám sát ở tổ Hàm Long, tôi được anh cho biết: Mỗi quả núi trước khi được khai thác đều phải được làm đường lên núi đến tận đỉnh. Trên đỉnh núi, được khoan các cột để thòng các dây xuống, nếu dây nào dài trên 2 m thì trong khoảng từ 2 - 3 m tính từ vị trí người làm việc về phía cọc chính phải có thêm cọc phụ, đoạn dây từ cọc chính đến cọc phụ không được để chùng. Nếu lối lên chỗ làm việc phải leo trèo thì phải làm đường lên xuống với góc dốc không quá 40 độ. Bậc lên xuống phải có lan can và cứ cách 10 m phải có 1 bậc rộng để nghỉ chân. Hoàn toàn nghiêm cấm công nhân dùng dây an toàn làm phương tiện leo lên hoặc xuống núi.
Dưới chân núi có 2 người thợ đang khoan những tảng đá to. Đợi họ nghỉ giải lao, tôi đến trò chuyện. Người tiếp chuyện tôi là anh Vũ Văn Doanh, thợ khoan kiêm tổ phó tổ khai thác núi Hàm Long. Anh Doanh có thâm niên 16 năm trong nghề khoan và thường xuyên phải làm việc trên các vách núi. Trò chuyện với anh, tôi đã hình dung được phần nào về nghề khoan, nổ mìn. Anh Doanh cho biết: Trong nghề khai thác đá không thể làm một mình mà phải làm theo cặp, gọi là "cặp búa" (một người khoan, một người nhồi mìn). Người khoan phải có bằng về nghề khoan, còn thợ mìn phải có bằng nghề về nổ mìn. Mỗi "cặp búa" đều phải là những người hiểu nhau, ăn ý với nhau nếu không rất khó làm việc hoặc rất dễ rủi ro.
Các công nhân trước khi bắt đầu ngày làm việc sẽ được quán triệt, phổ biến công việc phải làm trong ngày, sau đó từng "cặp búa" lên núi làm việc. Vì làm việc trên cao trong cả buổi nên mỗi người thợ khi lên núi đều phải mang theo một chai nước uống. Còn thợ mìn phải khoác một ba lô mìn vài chục kg. Lên tới đỉnh núi, mỗi người phải kiểm tra dây an toàn, dây leo, cọc buộc dây... Tất cả phải bảo đảm an toàn, lúc đó công nhân mới thắt dây leo vào dây đai ở bụng và leo xuống vị trí làm việc. Trong một buổi sáng, mỗi "cặp búa" khoan được 4 - 6 lỗ, buổi chiều khoan được từ 3 - 4 lỗ, tùy theo độ sâu của từng lỗ. Sau khi công nhân khoan lỗ xong, thì đến phần việc của công nhân nổ mìn mang thuốc nổ, kíp nổ nhồi vào lỗ. Sau khi thuốc nổ được nhồi đủ mạng, các công nhân khoan, nổ mìn vào vị trí ẩn nấp an toàn. Khoảng cách an toàn đối với người là 300 m. Sau khi kiểm tra xung quanh khai trường thấy an toàn, người chỉ huy ra hiệu cho kích nổ. Anh Doanh cho biết: "Ở tổ núi Hàm Long này, các "cặp búa" đều làm với nhau nhiều năm nên hiểu nhau và luôn ý thức trong việc thực hiện các quy định về an toàn lao động. Các anh em trong tổ chưa gặp sự cố nào lớn".
Công trường khai thác đá luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người lao động
Nhiều rủi roỞ Kinh Môn hiện có hàng trăm lao động làm nghề này, trong đó tập trung nhiều ở thị trấn Phú Thứ, Minh Tân và các xã khu đảo. Họ làm công nhân tại các công ty, hợp tác xã khai thác đá trong huyện và ngoài tỉnh. Mặc dù, các công ty và công nhân đều quan tâm, ý thức bảo đảm an toàn lao động nhưng tai nạn, sự cố vẫn xảy ra, nhẹ thì bị thương, nặng thì chết người.
Trong quá trình đi tìm hiểu về nghề khai thác đá, chúng tôi đã được nghe nhiều người thợ kể về nghề. Theo họ, làm nghề này rất nguy hiểm nếu nổ mìn chưa bảo đảm các yếu tố an toàn theo quy định hoặc do thời tiết, sạt lở vỉa đá… Trong mấy năm gần đây, xảy ra một số vụ tai nạn lao động ở các mỏ đá khiến nhiều người thợ khai thác đá bị thương vong. Ngày 21 - 5 - 2012, một vụ tai nạn lao động thảm khốc xảy ra tại khu vực núi Trại Sơn thuộc xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) làm 6 người chết, 4 người bị thương. Trong số các nạn nhân có 4 người quê ở thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn). Các công nhân đều làm cho HTX Cường Thịnh và Công ty TNHH Quyết Tiến khai thác đá cho Công ty Xi - măng Phúc Sơn. Ngày 19 - 12 - 2013, tại mỏ đá Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã xảy ra vụ sạt lở làm hai công nhân chết tại chỗ, trong đó có một công nhân quê ở thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn). Hai công nhân này làm việc cho HTX An Sơn đều có hợp đồng lao động và được tập huấn về an toàn lao động. HTX này khai thác đá cho công ty Xi - măng Phúc Sơn (Hải Dương). Gần đây nhất là ngày 1 - 8 vừa qua, xảy ra vụ tai nạn lao động tại mỏ đá A, thuộc dãy núi đá Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). 5 công nhân của Công ty Kiên Ngọc đã bị chết, trong đó có anh Nguyễn Văn Trung (35 tuổi) ở Kinh Môn.
Khi được hỏi, làm nghề khai thác đá nguy hiểm là vậy có muốn chuyển đổi nghề nghiệp, công việc hay không, nhiều người trả lời vẫn muốn gắn bó với nghề, bởi nghề này cho thu nhập cũng khá (lương của một người thợ khai thác đá trên dưới 10 triệu đồng/tháng), hơn nữa chuyển nghề họ cũng không biết làm gì.
VIỆT CƯỜNG