Việc sử dụng thiết bị lạc hậu khiến nhiều công nhân thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị tai nạn lao động.
Thiết bị, phương tiện sản xuất lạc hậu là một nguyên nhân khiến người lao động dễ bị tai nạn lao động
Để giảm chi phí, nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã tận dụng tối đa những thiết bị, máy móc lạc hậu, xuống cấp, khiến cho nhiều công nhân thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp.
Người lao động “chịu trận”Đến giờ anh Nguyễn Văn H. ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) vẫn chưa quen với hình ảnh 3 ngón giữa bàn tay phải đã mất đi 4 đốt, mặc dù vết sẹo đã liền da. Cách đây mấy tháng, anh H. bị tai nạn trong lúc đang làm việc. Anh H. cho biết công việc của anh là đưa nguyên liệu vào để máy ép tạo ra thành phẩm. Do máy ép được lập trình chạy tự động nên chỉ một chút bất cẩn không kịp rút tay ra, anh đã bị máy đập giập 3 đầu ngón tay. Loại máy anh được công ty giao sử dụng do Trung Quốc sản xuất, đã lạc hậu. Nếu là máy do Hàn Quốc sản xuất sẽ có cánh tay rô-bốt thực hiện thao tác của anh và anh sẽ tránh được tai nạn xảy ra.
Anh Trương Văn B. ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) làm nghề cơ khí đã hơn 10 năm nay. Nghề này vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ bởi thường xuyên phải tiếp xúc với điện, các loại máy móc với đầu nhọn, sắc chạy ở tốc độ cao. Tuy nhiên, theo anh B., hiện ở chỗ anh làm nói riêng, nhiều nơi làm cùng nghề cơ khí nói chung vẫn đang sử dụng những loại máy móc cũ, thậm chí “hết đát”. Đã có người làm cùng chỗ anh B. bị điện giật khi đang hàn cánh cổng bằng inox lúc trời mưa. Người này sử dụng máy hàn quá cũ, phần bọc cách điện ở các mối tiếp xúc do lâu ngày đã bị bào mòn. Vì vậy khi gặp nước, chỗ hở này đã dẫn điện ra ngoài làm anh kia bị giật. Chỗ anh B. làm còn tận dụng một số máy cắt có tuổi đời cao, phần khung bảo vệ đá cắt đã bị hỏng, rơi ra ngoài. Vì vậy, khi cắt kim loại, đá cắt rất dễ bị vỡ, bắn vào tay và mặt của người làm.
Năm 2016, Hải Dương từng xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng. Đó là vụ sập lò vôi thủ công do ông Nguyễn Văn Văn ở thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) làm chủ, khiến 5 chết. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ việc đáng tiếc trên là do lò vôi của nhà ông Văn xây dựng đã lâu, quá xuống cấp. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã từng yêu cầu dừng hoạt động nhưng ông Văn không chấp hành.
Chỉ tính riêng năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 135 vụ TNLĐ và tai nạn giao thông được coi là TNLĐ. Theo đánh giá của Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh, một trong những nguyên nhân xảy ra TNLĐ là do máy móc, thiết bị sử dụng không bảo đảm an toàn, lạc hậu, xuống cấp.
"Lờ đi" mối nguy hại
Các loại máy khoan, cắt... cũ luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người lao động
Chủ sử dụng lao động chắc chắn biết rất rõ những nguy cơ xảy ra TNLĐ khi dùng các loại thiết bị, máy móc lạc hậu, xuống cấp trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cứ lờ đi mối nguy hại này đối với người lao động để ít phải đầu tư tiền mua sắm mới.
Theo anh H., các máy ép khuôn ở chỗ anh làm có giá rất đắt. Nếu mua các loại máy do Hàn Quốc sản xuất giá cao gấp 5 lần của Trung Quốc nhưng sản lượng làm ra chỉ đạt mức tương đương. Vì vậy, chẳng dại gì công ty lại bỏ ra số tiền lớn để thay thế hết số máy ép khuôn của Trung Quốc đang sử dụng.
Một cán bộ trong ngành lao động cho biết không thể yêu cầu doanh nghiệp không được sử dụng những loại máy móc sản xuất được phép lưu hành và vẫn còn niên hạn sử dụng. Vì vậy, khi kiểm tra, phát hiện nguy cơ dễ xảy ra TNLĐ thì chỉ có thể thuyết phục doanh nghiệp tìm biện pháp để hạn chế tai nạn có thể xảy ra.
Người lao động nếu thấy nguy cơ xảy ra TNLĐ với mình có thể từ chối công việc được giao, cân nhắc cẩn thận giữa việc bị ảnh hưởng đến sức khoẻ và lợi ích vật chất do công việc mang lại. Khi phát hiện những đơn vị sử dụng phương tiện sản xuất lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra TNLĐ cao, cơ quan chức năng cần yêu cầu chủ doanh nghiệp thay thế. Những trường hợp nào vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động cần được xử lý nghiêm.
NGỌC THANH