Hết mình vì phong trào thể thao quần chúng

27/03/2019 11:59

Nếu để chọn ra một cộng tác viên thể thao cơ sở điển hình ở tỉnh ta hiện nay, chắc hẳn đó phải là cái tên Trần Anh Từ. Ông đã cống hiến hết mình vì phong trào thể thao quần chúng.


Ông Trần Anh Từ từng dẫn dắt đội tuyển bóng đá huyện Kinh Môn giành chức vô địch cấp tỉnh

"Con nhện của Trung đoàn 261"

Hiếm có ai năm nay đã bước sang tuổi 65 mà thân hình vẫn săn chắc, lực lưỡng, động tác mau lẹ, thanh thoát như ông Từ. Tôi hỏi bí kíp, ông cười tươi đáp: "Nếu muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao".

Nhà ông Từ ở thị trấn Kinh Môn. Trong căn phòng khách rộng khoảng 15 m2 của gia đình ông, ngoài bàn thờ tổ tiên và bộ bàn ghế dùng để tiếp khách thì xung quanh treo nhiều huy chương, cờ lưu niệm, giấy khen, hình ảnh, kỷ vật... liên quan đến thể thao. Ông Từ cho biết thích chơi thể thao từ nhỏ và cho đến tận bây giờ nó vẫn là một phần thiết yếu của cuộc sống.

Ông Từ biết chơi nhiều môn thể thao, nhưng bóng đá luôn là lựa chọn số một. Từ khi còn nhỏ, ông Từ và các bạn đã biết bện rơm thành hình tròn rồi buộc dây chuối khô xung quanh cho giống quả bóng để đá. Cả thời niên thiếu cho đến khi vào học tại Trường Phổ thông Kinh Môn, gần như ngày nào ông cũng phải chạm vào trái bóng. Bóng đá "ăn" vào máu, đi cả vào trong  giấc mơ của ông. Năm 1975, ông Từ nhập ngũ vào Trung đoàn 261, Sư đoàn Quân chủng Phòng không không quân 361 (bảo vệ Thủ đô Hà Nội). Ông kể lính phòng không "sướng" hơn lính bộ binh vì hầu như chiều nào cũng được chơi thể thao. Ở đơn vị ông Từ, bóng đá là môn được cán bộ, chiến sĩ tham gia đông nhất. Trung đoàn 261 còn thành lập một đội bóng để giao lưu với các đơn vị khác vào dịp lễ, Tết và tất nhiên trong đó có sự góp mặt của ông Từ. Ông chơi được nhiều vị trí trên sân nhưng sở trường là thủ môn. Với thân hình cao to cùng khả năng đọc, xử lý tình huống thông minh, ra vào hợp lý, ông luôn được coi là "người gác đền" không thể thay thế của đội bóng Trung đoàn 261. Ngày đó, đội bóng của đơn vị ông nổi tiếng toàn Sư đoàn 361 vì hầu như giành thắng lợi ở tất cả các trận giao hữu. Ông Từ bắt gôn giỏi, đặc biệt là sở hữu động tác rướn người bắt bóng rất uyển chuyển, đẹp mắt nên được đồng đội đặt cho biệt danh là "Con nhện của Trung đoàn 261". Ông Từ khoe: "Đồng đội nói tôi là người có giác quan thứ 6 nên mới phản xạ tuyệt vời như thế. Tiền đạo đối phương khi đối đầu với tôi theo kiểu một chọi một thì vẫn khó ăn lắm đấy".

Trong 2 năm 1979-1980, ông Từ được đơn vị cử đi học tại Trường Sĩ quan Phòng không không quân (ngày ấy gọi là Trường 300). Tại đây, ông được chọn là thủ môn số 1 đội bóng đá của trường đi tham dự Giải bóng đá toàn quân. Sau này, ông Từ lần lượt chuyển công tác lên Yên Bái, rồi về làm doanh nghiệp ở Quảng Ninh, Hà Nội. Ngoài giờ thực hiện nhiệm vụ, ở đâu ông cũng dành thời gian chơi bóng đá, có lúc đánh cả bóng chuyền.

"Cháy" hết mình

Ông Từ nghỉ hưu và trở về quê nhà thị trấn Kinh Môn năm 2004. Khi ấy ông vừa tròn 50 tuổi và cũng có của ăn, của để. Với nhiều người có điều kiện như ông, đây là khoảng thời gian tính tiếp việc đầu tư làm ăn, thậm chí bắt đầu lo chuyện nghỉ ngơi, dưỡng già. Ông Từ thì khác, vừa về tới quê đã đem nhiệt huyết của mình cống hiến cho phong trào thể thao của địa phương, đặc biệt là môn bóng đá. Năm 2005, ông Từ dẫn dắt đội tuyển bóng đá của thị trấn Kinh Môn giành chức vô địch Giải bóng đá của huyện. Một năm sau, ông được mời làm huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá huyện Kinh Môn đi tham dự Giải bóng đá Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ V. Dưới sự dẫn dắt tài tình của ông, đội bóng đá huyện Kinh Môn giành ngôi vô địch. Ngoài bóng đá nam, ông Từ còn là người đi đầu trong vận động, tuyên truyền gây dựng phong trào bóng đá nữ ở thị trấn Kinh Môn. Năm 2007, đội tuyển bóng đá nữ thị trấn do ông dẫn dắt vô địch giải toàn huyện. Tiếc rằng hiện nay, phong trào bóng đá nữ ở đây không còn được duy trì như trước.

Suốt những năm qua, ông Từ luôn được coi là cộng tác viên số 1 của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Kinh Môn. Hằng năm, với vai trò là hướng dẫn viên thể thao, ông tích cực tham mưu tổ chức các giải cấp huyện, cấp xã như bóng đá, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền. Ông xuống tận các xã để tư vấn, hướng dẫn phát triển phong trào thể thao, tổ chức giải thi đấu theo định hướng của huyện. Để đáp ứng được yêu cầu, ông Từ tham gia vào tất cả các lớp tập huấn, khóa huấn luyện hướng dẫn viên thể thao do tỉnh, huyện tổ chức... Các doanh nghiệp, cơ quan khi có nhu cầu, ông đều tận tình tham gia hướng dẫn tổ chức giải, làm trọng tài. Tinh thần cống hiến hết mình vì thể thao của ông khiến nhiều người nể phục. Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Sĩ Cẩn nhận định: "Để tìm thêm một cộng tác viên thể thao ở cơ sở mà nhiệt tình như ông Từ có lẽ rất khó nếu không muốn nói là hiếm. Thể thao cơ sở mà có nhiều người như ông Từ thì quả là điều tuyệt vời".

Cống hiến cho thể thao cơ sở suốt hàng chục năm qua, nay tuổi đã cao nhưng ông Từ chưa cho thấy dấu hiệu muốn nghỉ ngơi. "Thể thao đã ăn vào máu của tôi. Nó giúp tôi cùng mọi người sống khỏe. Tôi chỉ mong sẽ được tham gia đóng góp nhiều hơn nữa cho phong trào thể thao cơ sở", ông Từ nói.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Hết mình vì phong trào thể thao quần chúng