Sinh ra và lớn lên ở xã Thái Sơn (Kinh Môn), mới 18 tuổi, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Công đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ.
Hằng ngày Trung úy Nguyễn Văn Công vừa chăm sóc tận tình, vừa huấn luyện chú chó nghiệp vụ của mình
Với tình yêu màu áo lính và những ngôi sao xanh lấp lánh trên mũ, áo đã thôi thúc anh nỗ lực học tập, rèn luyện để được ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội.
Năm 2005, ước mơ của anh Công đã thành hiện thực khi cầm trên tay giấy thông báo trúng tuyển vào Trường Trung cấp 24 Biên phòng (Ba Vì, Hà Nội), chuyên ngành huấn luyện viên cảnh khuyển (chó nghiệp vụ).
Trải qua 2 năm nỗ lực học tập, chàng thanh niên trẻ đã đạt được kết quả học tập tốt. Ngày ra trường, anh Công được phân công về công tác tại Bộ Chỉ huy bội đội biên phòng Quảng Ninh. Trải qua nhiều đơn vị công tác, đầu năm 2019, anh được cấp trên điều động về Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Trà Cổ, Bộ đội biên phòng Quảng Ninh.
Nhấp chén trà ấm nóng, Trung úy Nguyễn Văn Công chia sẻ: “Ngay từ bé, tôi đã rất thích được vui đùa, chăm sóc các vật nuôi trong nhà, nhất là chó, mèo. Mỗi khi các con vật này ốm, bỏ ăn, tôi rất lo lắng và đạp xe lên cửa hàng thuốc thú y của huyện để mua thuốc về cho chúng uống. Vui nhất là sau khi những vật nuôi này khỏi bệnh, ăn uống bình thường thì lại ra dụi dụi cả thân hình bé nhỏ vào chân mình... Tình yêu các vật nuôi đó cứ lớn dần theo năm tháng. Vậy nên, sau khi biết được Trường Trung cấp 24 Biên phòng chiêu sinh khóa đào tạo huấn luyện viên cảnh khuyển, tôi đã nộp đơn đăng ký thi và trúng tuyển vào trường”.
Ngày tốt nghiệp, anh Công cũng như các huấn luyện viên cảnh khuyển khác được mang theo về đơn vị một “người bạn bốn chân”. Đây cũng là chú chó được đơn vị giao nhiệm vụ cho anh hằng ngày chăm sóc, huấn luyện. “Việc làm này cứ lặp đi, lặp lại, cho nên nếu không thật sự yêu nghề, yêu quý những vật nuôi thông minh và giàu tình cảm này thì quả thực đây là một công việc rất nhàm chán...”, Trung úy Nguyễn Văn Công bộc bạch.
Qua tìm hiểu, công việc chăm sóc, huấn luyện chó nghiệp vụ tốn khá nhiều thời gian, công sức. Bởi, để có được một chú chó nghiệp vụ giỏi, biết tuân lệnh người quản lý, phục vụ đắc lực cho các chuyên án truy bắt tội phạm nguy hiểm thì ngày nào anh Công cũng phải dành từ 3 đến 4 giờ đồng hồ để huấn luyện. Đơn giản nhất là tập cho chó nghiệp vụ thuần thục các động tác nghiêm, nghỉ, nằm, bò, rồi khó hơn là rèn cho chúng tính kỷ luật, thói quen chấp hành đúng các hiệu lệnh; rồi đến các động tác ngửi đánh hơi đồ vật, bò tiếp cận mục tiêu, tấn công và khống chế đối tượng trong khoảng thời gian nhanh nhất...
Đặc biệt, với đặc thù của đơn vị, các chú chó nghiệp vụ phải tham gia nhiều hoạt động nghiệp vụ khác nhau như tham gia tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự đường biên, cột mốc biên giới; truy tìm dấu vết các đối tượng tội phạm hình sự, ma túy, buôn bán, vận chuyển hàng cấm qua biên giới... Vì thế, đòi hỏi người huấn luyện viên phải tinh thông nghiệp vụ mới có thể ra được những hiệu lệnh chính xác và kịp thời.
Khó khăn là thế, nhưng với tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao đã giúp Trung úy Công vượt qua tất cả để phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Nhờ đó, những năm qua, với vai trò là huấn luyện viên cảnh khuyển, anh đã cùng các đồng đội hướng dẫn các chú chó nghiệp vụ truy tìm thành công dấu vết của nhiều đối tượng phạm tội và lập được nhiều chiến công xuất sắc.
Ngoài thời gian huấn luyện chó nghiệp vụ, Trung úy Nguyễn Văn Công còn tích cực tham gia các hoạt động tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới đơn vị phụ trách. Quá trình tuần tra, kiểm soát, anh luôn thể hiện sự dũng cảm, mưu trí; linh hoạt đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới đơn vị phụ trách. Với những thành tích đã đạt được trong quá trình công tác, năm vừa qua, Trung úy Nguyễn Văn Công đã được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Theo báo Biên phòng