Không chỉ giúp đỡ học sinh lớp mình chủ nhiệm, cô giáo Trần Thị Dương còn quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường.
Cô giáo Trần Thị Dương
Trường THPT Kinh Môn II là một trường bán công nằm trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp lớn, chất lượng đầu vào thấp. Vì vậy việc giữ được học sinh ngoan đòi hỏi các thầy, cô giáo trong trường phải thực sự tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, cô giáo Trần Thị Dương (sinh năm 1984, quê ở thị trấn Minh Tân, Kinh Môn) về công tác ở Trường THPT Kinh Môn II. Khi được giao chủ nhiệm lớp 12 A11, cô đã mất 2 ngày đêm lo lắng đến mất ngủ vì đây là một lớp có nhiều học sinh chưa ngoan của trường. Cô xác định, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một giáo viên chủ nhiệm, bước đầu tiên là đưa những học sinh chưa ngoan trở lại với môi trường học tập. Để làm được điều này, cô đã không quản khó khăn, thuê xe ôm đến tận nhà học sinh tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, khuyên bảo các em rời bỏ lô đề, cờ bạc, bi-a, cá độ để trở về học tập. Không thể đếm nổi những lần cô đón học sinh bỏ nhà đi bụi, trả tiền nợ quán in-tơ-nét, quán bi-a, cá độ, thua bạc... cho học sinh của mình. Tháng nào, những chi phí như vậy cũng mất ba đến bốn triệu đồng - số tiền còn hơn cả đồng lương giáo viên của cô. Những khoản tiền như vậy, chỉ có cô, phụ huynh và chỉ những em học sinh đó của cô mới biết.
Thầy hiệu trưởng Trường THPT Kinh Môn II Vũ Văn Cát cho biết, hoàn cảnh gia đình riêng của cô cũng rất khó khăn. Mỗi khi từ trường về nhà, cô cùng chồng phải lăn lộn trồng nhãn, sắn, nuôi lợn, gà, ngỗng... Nhưng hoàn cảnh không làm lay chuyển nghị lực vượt khó trong cô. Không chỉ giúp đỡ học sinh lớp mình chủ nhiệm, cô còn quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường.
Ngay khi mới về trường, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn của em Đinh Đức Liệu (mồ côi cha mẹ, sống cùng anh chị ở xã Hiến Thành, Kinh Môn), tuy không phải là học sinh lớp cô chủ nhiệm, nhưng cô đã không nề hà chuẩn bị bữa trưa cho em trong suốt những ngày ôn thi tới khi ra trường. Giờ em Liệu đang là sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định và cô vẫn gửi quần áo, giày dép cho em.
Khi cả lớp đã dần đi vào nền nếp học tập, cô Dương sắp xếp thời gian buổi tối để đến nhà từng học sinh kiểm tra bài. Không phụ công lao của cô, kết quả giáo dục toàn diện học sinh của lớp từ năm lớp 10 đến năm lớp 12 có những chuyển biến tích cực: đứng đầu về kết quả nền nếp toàn trường hai năm liền; năm học 2010 - 2011 có 4 học sinh giỏi (9,5%), 27 học sinh khá (64,3%), còn lại là học sinh trung bình (26,2%), không có học sinh yếu; 50% số học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, 35% xếp loại khá, 15% trung bình. Năm học vừa qua cũng là năm sáng kiến kinh nghiệm "Biện pháp giáo dục đạo đức học sinh trong Trường THPT Kinh Môn II" của cô xếp loại khá cấp tỉnh.
Tấm lòng của nhà giáo trẻ Trần Thị Dương với học trò thật đáng khâm phục.
VIỆT QUỲNH