Bệnh viện Quân y 7 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe thương binh, bệnh binh và nhân dân.
Bệnh viện Quân y 7 quan tâm đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe
cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân
Đi qua các cuộc chiến tranh, đồng hành cùng quân và dân cả nước trong suốt 65 năm qua, Bệnh viện Quân y 7 đã không ngừng phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe thương binh, bệnh binh nói riêng và nhân dân nói chung.
Tất cả vì thương binh, bệnh binhNgày 20-10-1950, giữa lúc quân và dân ta tập trung cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, hai đội quân y mang ký hiệu AVT1 và AVT2, tiền thân của Bệnh viện Quân y 7 ngày nay được thành lập ở xã Vô Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) để phục vụ chiến đấu. Với phương châm "Tất cả vì người bệnh", vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, những thầy thuốc quân y đã chăm sóc hàng trăm thương binh, bệnh binh như những người anh em ruột thịt. Mùa hè năm 1951, hai đội quân y được đổi tên thành Phân viện 1 và Phân viện 2 đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân y viện hậu phương A. Cũng từ đây, hai phân viện đã tổ chức lực lượng chia thành các tổ, đội nhỏ đi theo phục vụ bộ đội trên các chiến dịch.
Để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cuối tháng 3-1953, Cục Quân y quyết định sáp nhập hai phân viện thành đơn vị mới là Phân viện 12. Với tinh thần quyết tâm phục vụ cách mạng, các cán bộ, nhân viên của Phân viện 12 tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang. Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Phân viện 12 được giao nhiệm vụ từ Hàm Rồng (Thanh Hóa) về tiếp quản nhà thương Cầu Ngự (Hải Phòng) để điều trị thương binh, bệnh binh của các đơn vị quân đội nằm trên địa bàn khu Tả Ngạn. Đến tháng 3-1957, Phân viện 12 được chuyển giao hẳn cho Quân khu Tả Ngạn và được đổi tên thành Viện Quân y 7 với biên chế 8 ban nội, ngoại, chuyên khoa, có 278 cán bộ nhân viên và trên 400 giường bệnh.
Khi Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn hợp nhất thành Quân khu 3 (năm 1963), nhiệm vụ chính trị của bệnh viện càng nặng nề thêm. Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại, ngoài việc xung kích đi đầu trong điều trị thương binh, bệnh viện đã tổ chức nhiều đội xung kích ra mặt trận theo yêu cầu của chiến trường. Trong thời gian này, tại địa bàn đóng quân ở xã Duy Tân (Kinh Môn) thiếu máu trầm trọng trong cấp cứu cho các thương binh. Viện Quân y 7 đã cùng chính quyền địa phương phát động phong trào hiến máu cứu thương binh. Trong 3 năm từ 1965-1968 đã có 510 thanh niên và dân quân xung quanh khu vực đóng quân đã tự nguyện hiến 108 lít máu để cấp cứu thương binh. Ngoài ra còn có 96 lượt cán bộ, nhân viên của bệnh viện tự nguyện hiến 19,2 lít máu trong những trường hợp khẩn cấp.
Sau năm 1975, Viện Quân y 7 tiếp tục nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, khám và điều trị cho thương binh từ biên giới phía Bắc đưa về, đồng thời thành lập các tổ quân y lên đường phục vụ chiến đấu tại mặt trận biên giới Tây Nam và phía Bắc cho tới ngày đất nước hòa bình. Trong thời kỳ đổi mới, Bệnh viện Quân y 7 (được đổi tên từ Viện Quân y 7 vào tháng 1-2014) tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho thương binh, bệnh binh nói riêng và nhân dân các tỉnh, thành phố nói chung.
Ngày càng vững mạnhLời dặn dò của Bác Hồ khi về thăm bệnh viện: "Các cô, các chú phải đoàn kết, thương yêu nhau, hết lòng hết sức phục vụ thương binh, bệnh binh. Anh em thương binh, bệnh binh là những người có công với nước, nay bị thương, bị bệnh trở về đây thì các cô, các chú thay mặt Đảng, Nhà nước chăm sóc anh em cho chóng khỏi bệnh..." như tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, nhân viên bệnh viện vượt qua những khó khăn, gian khổ, tiếp tục phát triển mọi mặt để hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra. Thấm nhuần lời dạy ấy, khi bước vào thời kỳ đổi mới, Viện Quân y 7 tiếp tục có những bước phát triển rực rỡ cho đến ngày nay.
Năm 1970, Viện Quân y 7 về thị xã Hải Dương với doanh trại dột nát, hư hỏng, đến nay cơ sở vật chất bệnh viện ngày càng khang trang gồm khu nhà 2 tầng, khu nhà điều trị khối nội 9 tầng và tiến tới tiếp tục xây dựng khu nhà khối ngoại 8 tầng... đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Để nâng cao chất lượng khám, điều trị, bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy chụp CT-Scanner, máy X-quang kỹ thuật số, máy xét nghiệm huyết học tự động, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, hệ thống phẫu thuật nội soi khớp, máy siêu âm màu 4D, hệ thống mổ nội soi, máy tán sỏi niệu quản ngược dòng, hệ thống nội soi khí phế quản ống mềm, máy hút áp lực thấp, máy điện tim gắng sức...
Để đáp ứng yêu cầu điều trị, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của bệnh viện ngày càng được củng cố và phát triển. Năm 1984, bệnh viện chỉ có 35 bác sĩ thì nay đã có 3 tiến sĩ, 13 thạc sĩ, 20 bác sĩ chuyên khoa II, 32 bác sĩ chuyên khoa I, 79 bác sĩ, dược sĩ. Trong đó đã có 38 bác sĩ được phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú". Đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, áp dụng những thành tựu nghiên cứu vào điều trị. 5 năm gần đây, bệnh viện đã có 103 đề tài nghiên cứu khoa học của bác sĩ và điều dưỡng, 6 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Với đội ngũ thầy thuốc vững vàng về chuyên môn, bệnh viện đã chú trọng phát triển các kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi ổ bụng có can thiệp nhiều tạng, mổ nội soi tai mũi họng, phẫu thuật nội soi khớp gối; phẫu thuật thay khớp háng toàn bộ, tán sỏi niệu quản ngược dòng, phẫu thuật phaco, phẫu thuật sọ não, phẫu thuật trĩ bằng phương pháp longo... Với nhiều giải pháp đồng bộ, hằng năm, bệnh viện đã khám trên 100.000 người, trong đó có gần 20.000 người điều trị nội trú, cấp cứu gần 6.000 bệnh nhân, phẫu thuật các loại trên 8.000 người, tỷ lệ điều trị khỏi và ra viện hằng năm đạt trên 70%.
Bệnh viện cũng tổ chức các đoàn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo, các đối tượng chính sách và đồng bào vùng sâu, vùng xa ở trong và ngoài tỉnh như Quảng Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng với số tiền mỗi năm hơn 700 triệu đồng.
Bệnh viện cũng thường xuyên chi viện chuyên môn cho tuyến trước, cử các tổ quân y luân phiên làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, các đảo vùng đông bắc Tổ quốc, đảo Phan Vinh ở quần đảo Trường Sa, các đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu, Thanh Lân, đảo Trần, Cô Tô ở Quảng Ninh; các xã vùng sâu vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn ở các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức các đoàn quân y xuống khám sức khỏe cho bộ đội tại các đơn vị. Trong những năm gần đây, theo quyết định của quân khu, bệnh viện đã bổ sung hàng chục bác sĩ cho đơn vị phía trước trong địa bàn quân khu. Bệnh viện cũng đã làm tốt công tác tuyến, huấn luyện bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho nhiều cán bộ quân y trong khu vực.
Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thời gian qua, bệnh viện đã duy trì và thực hiện tốt 12 điều y đức của ngành y tế và 44 chế độ chuyên môn, trong đó có 10 chế độ trọng tâm được quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Trong đó, chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, phát triển kỹ thuật cao mang tới sự hài lòng cho người bệnh.
Với những kết quả nổi bật trong thời kỳ đổi mới, bệnh viện vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, ba... Bệnh viện liên tục đạt vững mạnh toàn diện, được Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Quốc phòng tặng cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu trong phong trào thi đua, danh hiệu "Đơn vị quyết thắng".
Đại tá, Tiến sĩNGUYỄN VĂN TÝ
Giám đốc Bệnh viện Quân y 7