Khu vực Bắc Hưng Hải có 373 cống dưới bờ kênh trục chính để dẫn nước tưới tiêu cho 7 huyện, thành phố trong tỉnh.
Cống An Lại ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) xây dựng hơn 60 năm nên xuống cấp nghiêm trọng
Tuy nhiên, phần lớn các cống đã xuống cấp, nếu không sớm được nâng cấp, cải tạo sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Là công trình đầu mối có vai trò điều tiết dẫn nước giữa hệ thống Bắc Hưng Hải và các tuyến kênh dẫn nhánh phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng phần lớn các cống ở khu vực này đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Cống lấy nước trạm bơm Bùi Hòa ở xã Tân Quang (Ninh Giang) được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Theo thời gian, cống đã xuống cấp nghiêm trọng, năng lực vận hành ngày càng hạn chế, trong khi áp lực nhiệm vụ mỗi lúc một tăng. Ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hanh cho biết cống phục vụ tưới tiêu cho hơn 300 ha đất nông nghiệp tại địa phương song đã hư hỏng nặng. Thân cống ngắn, có hiện tượng thẩm thấu qua nang cống. Cánh cống cũng không chắc chắn, có nguy cơ gãy bất cứ lúc nào. Vì thế việc đóng mở cống rất khó khăn, không cẩn thận sẽ xảy ra sự cố, gây mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ. “Không chỉ bảo đảm tưới tiêu, mặt cống còn kết hợp là đường giao thông liên xã. Mặt cống hẹp không những ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân mà còn là "điểm đen" giao thông, gây nguy hiểm nếu như không sớm được nâng cấp, cải tạo”, ông Tuân nói.
Kênh Đò Cậy - Tiên Kiều đảm nhận nhiệm vụ dẫn nước tưới cho 1.026 ha và tiêu cho 735 ha đất nông nghiệp ở huyện Cẩm Giàng. Tuy nhiên, cống An Lại ở xã Cẩm Đông có vai trò kết nối kênh này với kênh chính Kim Sơn lại không bảo đảm. Cống xây dựng đã hơn 60 năm, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Hệ thống dàn van xuống cấp, cánh cống bằng gỗ đã mục, nẹp thép han rỉ. Máy đóng mở cống thủ công, vận hành nặng, mất thời gian. Do đó, khi có tình huống cấp bách không thể xử lý nhanh nên ảnh hưởng tới việc điều tiết thủy lợi chung. Theo ông Bùi Quang Bắc, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng, cống An Lại là khớp nối giữa kênh trục chính của hệ thống Bắc Hưng Hải và tuyến kênh xương sống của huyện. Công trình này có vai trò quan trọng, nếu hoạt động trơn tru thì việc dẫn nước càng nhịp nhàng, hiệu quả. Thế nhưng, cống đã tồn tại nhiều năm, năng lực phục vụ suy giảm, việc cải tạo chỉ là tu sửa nhỏ, chắp vá nên tạo ra sức ép lớn trong việc điều tiết tưới tiêu.
Khu vực Bắc Hưng Hải có mạng lưới kênh mương và hệ thống công trình thủy lợi đầu mối dày đặc. Trong đó có 373 cống dưới bờ kênh trục chính để dẫn nước tưới tiêu cho 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Các cống này là đầu mối điều tiết của 5.500km kênh mương, bảo đảm nước tưới và phục vụ tiêu cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp. Phần lớn các cống có tuổi thọ cao, đưa vào vận hành, khai thác từ 50-60 năm lại ít được bảo dưỡng, sửa chữa nên đã xuống cấp. Các cống đều ngắn, mang cống dốc đứng, không đáp ứng được nhiệm vụ cấp và tiêu thoát nước, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. Ngoài ra, một số cống còn có nhiệm vụ kép, vừa phục vụ thủy lợi, vừa hỗ trợ giao thông. Nếu không sớm được nâng cấp, cải tạo sẽ gây ra nhiều bất cập, thậm chí hệ lụy. Bà Vũ Thị Hoa ở xã Cẩm Đông cho hay cống An Lại ngoài điều tiết nước còn có vai trò về giao thông. Đường trên cống là lối đi chính ra khu chuyển đổi của thôn, thông thương với xã Cẩm Đoài. Cống nhỏ hẹp, cũ khiến việc đi lại, vận chuyển của người dân không thuận tiện, dễ xảy ra sự cố mất an toàn. Bà Hoa nói: “Mong mỏi của bà con là cống An Lại sớm được nâng cấp để tạo thuận tiện trong sản xuất. Việc cấp nước, tiêu nước ổn định, kịp thời thì người dân mới yên tâm sản xuất”.
Cánh cống thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải chủ yếu làm bằng gỗ nên không bảo đảm điều tiết nước
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh là đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống cống qua kênh Bắc Hưng Hải đã kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng các cống. Đa số các cống có khẩu độ hẹp, các thành phần cấu tạo cũ kỹ, hư hỏng nên hoạt động kém hiệu quả, không còn phù hợp với tình hình sản xuất mới. Công ty đưa ra phương án khắc phục dựa trên năng lực thực tế và nhiệm vụ cụ thể. Do nguồn lực các cấp hạn hẹp, đơn vị ưu tiên đề xuất cải tạo, nâng cấp các cống kết hợp với đường giao thông. Đối với các cống còn lại xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp, bảo đảm an toàn khi vận hành công trình. Về lâu dài, hệ thống cống Bắc Hưng Hải phải được xử lý bằng biện pháp công trình để vừa phục vụ sản xuất vừa bảo đảm năng lực phòng chống thiên tai.
PV