Khắp nơi trên mạng, trên các diễn đàn, ngay cả trong những câu chuyện trực tiếp, ta đều dễ dàng bắt gặp những cằn nhằn của các bà vợ về “những ông chồng vô tâm”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Liên
Có nhiều dạng lắm. Nhưng có một dạng vô tâm phải kể đến là những người đàn ông luôn nhận thấy mình chăm chỉ đi làm kiếm tiền về đưa vợ, lo cho con, thực hiện trọn vẹn trách nhiệm, chức trách của người làm chồng mà vợ họ lại là những người thốt lên "tiền đâu phải là tất cả những gì tôi cần". Và đôi bên, cứ vướng mắc, giảm hạnh phúc vì điều đó.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Liên thì có một cơ chế phòng vệ được gọi là "ảo tưởng về tình yêu" trong tâm lý. Cơ chế này xảy ra ở những đứa trẻ dù ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc, ôm ấp, chia sẻ của bố mẹ mình, thường lý tưởng hóa, xây dựng một hình mẫu lý tưởng về bố mẹ, gia đình của bản thân. Thậm chí, khi phát triển đến một mức độ nào đó, chúng còn tạo nên những hình mẫu ngược lại với ứng xử thông thường khi gặp những nỗi đau tinh thần mà cha mẹ mang lại như bị bạo hành, ngược đãi. Chúng chối bỏ sự thực, trốn vào ảo tưởng. Rồi bước vào hôn nhân, cuộc sống sau này tái diễn y hệt như cuộc đời bố mẹ, vì lý tưởng cuộc sống hôn nhân và cách giáo dục của cha mẹ đã làm với họ.
Điều này sở dĩ dễ xảy ra với đàn ông hơn, bởi chính ngay từ nhỏ, các chuẩn mực truyền thống về sự phát triển của nam giới đã nhấn mạnh các đặc điểm như giữ khoảng cách về tình cảm; phấn đấu cho sự thống trị thứ bậc trong các mối quan hệ gia đình; độ dẻo dai; cuộc đua, cuộc thi; việc tránh lệ thuộc vào người khác; gây hấn như một phương tiện giải quyết xung đột; tránh gần gũi và tình cảm với những con đực khác; ức chế cảm xúc trừ tức giận; và tránh các hành vi "nữ tính" như nuôi dưỡng, âu yếm và các biểu hiện dễ bị tổn thương.
"Những chuẩn mực như vậy khiến các chàng trai hầu như không thể đạt được cảm giác phụ thuộc lẫn nhau cần thiết cho các mối quan hệ trưởng thành trong suốt cuộc đời. Với những chuẩn mực méo mó về sự phát triển lành mạnh như vậy, không có gì ngạc nhiên khi nam giới thường lớn lên với khả năng gần gũi và kết nối bị suy giảm. Những lý tưởng méo mó trong nền văn hóa của chúng ta về sự phát triển của nam giới đã khiến nam giới khó thừa nhận tính dễ bị tổn thương, nghi ngờ, không hoàn hảo, nhầm lẫn về vai trò và mong muốn kết nối" - chuyên gia Kim Liên chia sẻ.
Có một số lượng lớn người đàn ông được coi là vô tâm ở dạng này, khi được hỏi họ vẫn nói rằng họ yêu vợ, thương con, sẵn sàng làm mọi thứ cho gia đình, chỉ là không muốn kể lể hay nói ra hoặc bộc lộ cụ thể bởi một hành động nào đó. Thứ họ làm là nỗ lực kiếm tiền để cho cuộc sống vợ con tốt lên mỗi ngày. Nhưng khi nhìn sâu vào tuổi thơ, môi trường lớn lên của họ, đa phần họ không nhận được, hay học được cách nói yêu thương, cử chỉ âu yếm, cái chạm ấm áp, sự quan tâm sâu sắc từ cha mẹ và người thân của mình. Họ không thể chia sẻ cụ thể, đi sâu về mối quan hệ của mình với bố mẹ hay các thành viên khác trong gia đình được. Họ chỉ có thể diễn đạt rất chung chung là tôi biết họ có yêu thương tôi. Trong họ nhận định gia đình là sợi dây bền chặt không cần nói vẫn hiểu được. Có những điều không được tự nhiên nếu diễn tả thành lời.
Chính những "ảo tưởng tình yêu" như vậy đã ngăn trở họ khó hiện thực hóa những hành động như ôm hôn, nói lời ái ngữ, hay có những cái chạm đầy yêu thương với vợ con mình khi bước vào hôn nhân, xây dựng gia đình của riêng mình. Lâu dần, họ ngày càng trở nên vô tâm trong mắt những người thân, vô tâm với chính vợ con họ mà họ không hề nhận ra điều đó.
Để khắc phục tình trạng này thì vợ chồng cần có sự thấu hiểu sự khác biệt của nhau, tôn trọng đối phương và lựa chọn của họ, đồng thời tích cực chia sẻ, nói ra mong muốn của mình với bạn đời để đối phương dần thoát ra khỏi ảo tưởng ấy. Nhìn nhận đúng thực trạng hiện tại, ứng biến linh động trong từng hoạt động của gia đình, nút thắt được cởi bỏ dần. Cùng giúp nhau nhận ra, con cái chúng ta được sinh ra, lớn lên trong môi trường lành mạnh, an toàn, yêu thương thực sự sẽ cảm thấy an toàn, yên tâm và có cuộc sống hạnh phúc hơn mà không lặp lại những "ảo tưởng tình yêu" trong cuộc đời chúng nữa - chuyên gia Kim Liên khẳng định.
Theo Gia đình