Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5 năm nay có chủ đề "Cam kết bỏ thuốc lá".
Từ khi bỏ thuốc lá, sức khỏe của ông Nguyễn Văn Hợi ở thôn An Bộ, xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) đã tốt lên
Để điều này thành hiện thực, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng đòi hỏi bản thân mỗi người hút thuốc lá phải nỗ lực, quyết tâm cao.
Nỗ lực từ bản thân
Trong thuốc lá có chất nicotine có khả năng gây nghiện tương tự heroin hoặc cocaine. Theo thời gian, người hút thuốc sẽ phụ thuộc cả thể chất lẫn tinh thần, khiến việc bỏ thuốc gian truân hơn và tăng khả năng tái nghiện. Tuy nhiên, với nỗ lực của bản thân, không ít người nghiện thuốc lá, thậm chí nghiện trong thời gian dài đã từ bỏ được thuốc lá.
Cuối năm 2018, ông Nguyễn Văn Hợi, 64 tuổi, ở thôn An Bộ, xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) có triệu chứng đau họng, ho nhiều về đêm và mất tiếng. Ông Hợi đi khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương và được bác sĩ kết luận bị lao thanh quản. Căn bệnh này đòi hỏi ông Hợi phải điều trị trong thời gian dài, không được sử dụng rượu bia, thuốc lá. Hút thuốc lá hơn 20 năm nên trong khoảng 2 tháng đầu khi cai thuốc, ông Hợi gặp rất nhiều khó khăn. Có những đêm thèm thuốc không ngủ được, người bứt rứt khó chịu, ông Hợi tưởng như không kiềm chế được, có ý định hút thuốc trở lại. Nhưng nghĩ đến yêu cầu của bác sĩ, niềm mong mỏi của người thân, ông Hợi lại dằn lòng cố gắng tìm cách vượt qua. “Sau khi điều trị được khoảng 6 tháng, bác sĩ xem kết quả xét nghiệm của tôi và cho biết việc điều trị tiến triển rất tốt, trong đó có một phần do tôi không hút thuốc lá. Bỏ thuốc lá cũng giúp tôi ăn uống ngon hơn, hơi thở không còn mùi hôi, tự tin hơn trong giao tiếp”, ông Hợi chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) từng hút thuốc lá trong khoảng 10 năm. Cách đây khoảng 3 năm, khi vợ sinh con, anh Dũng đã quyết định bỏ thuốc lá. Cũng như nhiều người, thời gian đầu khi bỏ thuốc, anh Dũng cảm thấy khá bứt rứt, hay buồn phiền, thường xuyên phải sử dụng kẹo cao su. Qua 6 tháng, tưởng như đã bỏ được thuốc lá, nhưng trong một lần thấy bạn bè hút thuốc, anh Dũng không kiềm chế được đã tái nghiện. Vợ anh kiên trì khuyên can anh Dũng mới lại quyết tâm bỏ thuốc. Cùng với việc tích cực tập thể dục thể thao, chăm sóc con, anh Dũng đã cai nghiện được thuốc lá.
Cùng hành động
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc SARS-CoV-2, đặc biệt ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.
Tại Việt Nam, công tác phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá đã và đang được đẩy mạnh. Theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành giảm 0,8% (từ 22,5% xuống còn 21,7%) so với năm 2015.
Hải Dương là một trong những tỉnh tham gia dự án PCTH của thuốc lá (của Quỹ PCTH của thuốc lá) do Bộ Y tế triển khai. Kể từ khi ban hành vào năm 2012 đến nay, Luật PCTH của thuốc lá đã được triển khai sâu rộng, tạo chuyển biến của người dân trên địa bàn tỉnh về tác hại của thuốc lá. Theo khảo sát, có tới 98% số người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá, 85% hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra, 87% biết về quy định của Luật PCTH của thuốc lá. Các cơ quan hành chính của tỉnh, các trường học thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, khuôn viên nhà trường. Hoạt động truyền thông PCTH của thuốc lá được triển khai mạnh mẽ trong toàn tỉnh qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp...
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không khói thuốc năm nay (từ ngày 25-31.5), ngành y tế kêu gọi các đơn vị và người dân cùng tiếp tục chung tay PCTH của thuốc lá. Đưa nội dung PCTH của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động định kỳ; cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; vào hương ước, quy ước tại thôn, tổ dân phố. Đẩy mạnh hoạt động giám sát việc xây dựng môi trường không khói thuốc trên địa bàn tỉnh. Có hình thức động viên khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác PCTH của thuốc lá.
ĐỨC THANH HẢI