Hậu phương vững vàng của những chiến binh áo trắng

26/06/2021 20:37

Trong cuộc chiến diệt “giặc" Covid-19, những chiến binh áo trắng nơi tuyến đầu luôn tự tin bám chặt trận địa tìm diệt SARS-CoV-2.


Lãnh đạo ngành y tế thăm, trao quà cho gia đình những chiến sĩ tuyến đầu chăm sóc bệnh nhân Covid-19

Họ tự tin và không hề nao núng trước khó khăn, nguy hiểm bởi những người thân và thành viên trong gia đình ở hậu phương được quan tâm, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho họ.

Phần lớn những cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và một số đơn vị y tế khác con đều còn nhỏ. Vụ dịch lần thứ tư bùng phát đúng thời điểm đầu hè và kết thúc năm học nên phần lớn những gia đình cán bộ y tế tuyến đầu tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 và lấy mẫu cộng đồng đều gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp. Vợ chồng anh Vũ Xuân Nghiêm và chị Lê Thị Hoa đều công tác ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Với anh Nghiêm công việc “bảo mẫu” đã trở thành quen thuộc khi xảy ra các đợt dịch Covid-19. Chị Hoa vợ anh là bác sĩ khu điều trị của bệnh viện nên gần như gắn bó tại khu cách ly. Mọi công việc gia đình, chăm sóc, dạy học, đưa đón con do anh Nghiêm đảm nhiệm. Anh Nghiêm cho biết: “Vợ chồng tôi ở cùng đơn vị tuyến đầu phòng chống dịch, người làm việc tầng trên, người tầng dưới nhưng chỉ có thể nhìn nhau qua tấm kính chắn khu cách ly, biền biệt cách nhau mỗi đợt tối thiểu cũng 21 ngày".

Chúng tôi tới thăm gia đình bà Bùi Thị Lý ở thôn Vĩnh Mộ, xã Lê Hồng (Thanh Miện) có con là vợ chồng điều dưỡng Phạm Văn Tiến và Bùi Thị Thu, cán bộ y tế tuyến đầu đang chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19. Bà Lý chia sẻ: “Thương con, thương cháu nên vợ chồng tôi dành hết thời gian chăm sóc đỡ đần cho vợ chồng cháu Tiến đi tham gia chống dịch". Đợt dịch thứ 3 vừa qua, chiều mùng 1 Tết anh Tiến đã nhận nhiệm vụ tại khu điều trị cách ly. Ở đợt dịch lần thứ tư này anh cũng đã nhiều ngày xa gia đình vì đang chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện.

Trong đợt dịch lần thứ tư không chỉ tập trung chống dịch tại Hải Dương, những cán bộ y tế tuyến đầu của tỉnh còn chi viện cho tâm dịch Bắc Giang. Bác sĩ Nguyễn Thế Chung, Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ không ngần ngại xung phong đi đầu vì mọi công việc gia đình đã có vợ anh và ông bà cùng quán xuyến.

Điều dưỡng Nguyễn Thái Học và vợ trong những đợt dịch đều là chiến sĩ tuyến đầu phòng chống dịch. Hiện điều dưỡng Học đang cùng đoàn công tác chi viện điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bắc Giang. Vợ điều dưỡng Học hiện công tác tại Trung tâm Y tế TP Hải Dương cũng là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Anh Học chia sẻ các đợt dịch Covid-19, vợ chồng anh đều gắn bó với công việc chuyên môn và phòng chống dịch nên gần như không có thời gian chăm sóc và gần gũi với các con.

Cùng với hậu phương của những cán bộ tuyến đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế, Công đoàn ngành cùng các đơn vị y tế luôn quan tâm đời sống vật chất cũng như động viên tinh thần kịp thời. Lãnh đạo ngành y tế thường xuyên vào những nơi tâm dịch, khu xét nghiệm, bệnh viện nơi chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Những món quà không lớn về vật chất song có nhiều tình cảm trân trọng và tri ân những cống hiến thầm lặng của các chiến sĩ tuyến đầu. Chị Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành y tế cho biết lãnh đạo Sở Y tế và Công đoàn ngành đã tổ chức phát động đợt thi đua chống dịch như chống giặc tới tất cả các công đoàn cơ sở trực thuộc. Chỉ đạo các công đoàn cơ sở có hoạt động thiết thực chăm lo tới đời sống vật chất cũng như tinh thần cho cán bộ đoàn viên, đặc biệt là những đoàn viên công đoàn tham gia trực tiếp nơi tuyến đầu. Công đoàn ngành tổ chức thăm hỏi, tặng quà những gia đình chiến sĩ tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 điển hình để động viên, tri ân và khích lệ tinh thần cho họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

THANH BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu phương vững vàng của những chiến binh áo trắng