Hậu phương của các "chiến sĩ" nơi tuyến đầu chống dịch

01/09/2020 21:06

Nhiều bác sĩ, điều dưỡng, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã  không ngại nguy hiểm, vất vả sẵn sàng nhận nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 bởi phía sau họ luôn có những hậu phương vững chắc.


Những lúc rảnh rỗi anh Phạm Văn Hiệp cùng cô con gái nhỏ lại gọi điện thoại video cho chị Lê Thị Thu Huyền 

“Sao mẹ lâu về thế?”

Đã hai tuần nay, khi chị Lê Thị Thu Huyền, điều dưỡng viên, Khoa Truyền nhiễm Trung tâm Y tế huyện Nam Sách phải vào làm việc tại khu cách ly đặc biệt. Mọi việc trong nhà đều do bà Đỗ Thị Vinh, mẹ chị lo liệu. Cô con gái mới 16 tháng tuổi của chị lần đầu tiên phải xa mẹ làm bà Vinh không khỏi lo lắng. "Nhận được điện thoại của con thông báo phải ở lại khu cách ly, tôi không quá bất ngờ nhưng rất lo bởi con của Huyền còn nhỏ quá, mà việc chống dịch thì chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Vì công việc, vì nhiệm vụ của con, tôi và chồng Huyền chỉ biết động viên để Huyền yên tâm công tác", bà Vinh nói.

Anh Phạm Văn Hiệp, chồng chị Huyền là bác sĩ một phòng khám răng ở huyện Tứ Kỳ.  Công việc ở phòng khám khá bận nên anh thường phải đi sớm, về muộn. "Từ hôm Nam Sách có trường hợp nhiễm Covid -19, vợ tôi phải ở trong bệnh viện, cuộc sống của gia đình bị xáo  trộn rất nhiều, cháu nhỏ lại đang mọc răng nên hay sốt và quấy khóc. Có những đêm cháu không ngủ vì nhớ mẹ, tôi và bà ngoại phải thức trắng thay nhau trông. Mặc dù vậy, gia đình luôn động viên Huyền giữ gìn sức khỏe  cùng tập thể cán bộ, y bác sĩ bệnh viện điều trị thành công cho các bệnh nhân Covid-19 để họ sớm được về với gia đình", anh Hiệp nói.       

Hơn 10 năm chung sống, anh Nguyễn Văn Cường, ở khu 4, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đã quen với công việc của vợ là chị Hà Thị Nhung, điều dưỡng viên, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Trong đợt dịch này, sự vắng mặt của vợ gần 1 tháng nay đã làm ba bố con anh ở nhà khó khăn, hụt hẫng. Khó khăn nhất là cậu con trai thứ hai năm nay mới 3 tuổi lúc nào cũng đòi gặp mẹ. "Ở trong bệnh viện, mỗi lúc rảnh, vợ tôi đều gọi điện thoại về cho ba bố con, nhắc nhở ba bố con ăn uống đúng bữa, giữ gìn sức khỏe, hạn chế đi ra ngoài. Nhiều lần con khóc, mẹ khóc vì nhớ nhau. Lần nào gọi cháu thứ hai cũng hỏi sao mẹ lâu về thế?", anh Cường nói. 


Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid -19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh

Vững vàng giữa tâm dịch

Nhận nhiệm vụ vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, thượng tá Phạm Văn Chung, Ban Chỉ huy quân sự TP Hải Dương xác định công việc sẽ vất vả. Nhưng sự vất vả ấy được vơi đi phần nào bởi anh luôn nhận được sự động viên của vợ. Hơn 2 tuần cắm chốt ở khu cách ly tập trung tại ký túc xá Trường Đại học Hải Dương cũng là chừng ấy ngày vợ anh ở nhà vừa phải đi làm, vừa phải lo cơm nước chăm sóc cho hai con. "Hai cháu nhà tôi đều còn nhỏ. Ông bà nội ngoại già yếu nên những ngày này vợ tôi phải tự xoay xở. Vất vả là vậy nhưng lúc nào tôi gọi điện thoại về vợ con cũng là người động viên tôi trước”.

Những ngày qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh điều trị cho 17 bệnh nhân mắc Covid-19, đến nay đã có 3 bệnh nhân khỏi bệnh. Gần 20 y, bác sĩ, điều dưỡng đang trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân ở đây không được trở về bên gia đình, con cái khi hết ngày làm việc mà  phải ở lại khu cách ly của bệnh viện. 

Bác sĩ Trần Xuân Nam, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: "Sau những lúc căng mình điều trị cho các bệnh nhân, rảnh rỗi là tôi lại chủ động gọi điện thoại về cho vợ con. Được thấy mọi thành viên trong gia đình khỏe mạnh, chúng tôi lại thêm vững vàng để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Để dịch bệnh sớm được đẩy lùi, không chỉ có tinh thần dấn thân, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của các y bác sĩ, điều dưỡng, chiến sĩ lực lượng vũ trang mà còn có cả sự hy sinh, chia sẻ thầm lặng của những người vợ, người chồng, người mẹ của họ. Họ luôn là hậu phương vững chắc để các "chiến sĩ" vững vàng giữa tâm dịch.

TRƯƠNG HÀ - THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu phương của các "chiến sĩ" nơi tuyến đầu chống dịch