Hậu nông thôn mới. Bài 3: Ô nhiễm môi trường sống

18/10/2018 13:38

Việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nhiều xã đã về đích nông thôn mới (NTM) chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân.

Nhiều bãi rác nông thôn quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Nhiều nơi ô nhiễm

Hiện nay, ở hầu khắp các khu vực nông thôn trong tỉnh, kể cả nhiều xã đã về đích NTM không khó bắt gặp những bãi chôn lấp rác thải tập trung đầy ứ, rác thải tràn ra ngoài, theo gió bay tứ tung. Hình ảnh những con mương tràn lan bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rãnh thoát nước, ao hồ trong khu dân cư ngập chất thải chăn nuôi đã trở nên phổ biến. Tình trạng ô nhiễm môi trường tồn tại từ lâu, kể cả khi đã về đích xây dựng NTM, vấn đề này cũng không dễ được giải quyết.

Mặc dù xã Cộng Hòa (Kim Thành) đã về đích NTM nhưng môi trường ở xóm 2, thôn Tường Vu vẫn rất ô nhiễm. Xóm có gần 20 hộ chăn nuôi với quy mô từ 10 - 12 con lợn/hộ. Nhiều hộ chưa xây được hầm bioga nên chất thải được xả thẳng ra rãnh thoát nước của khu. Bà Nguyễn Thị Hoa ở xóm 2, thôn Tường Vu cho biết rãnh thoát nước chứa đầy phân lợn không có nắp đậy bốc mùi rất khó chịu. Phân lợn trong rãnh chảy thẳng ra đầm của thôn rồi xả xuống cống Tường Vu, ngay sát cửa hút của trạm sản xuất nước sạch. Mỗi khi mưa to, do cống bị tắc nên chất thải theo nước mưa dềnh lên ruộng, tràn cả lên đường. Nhiều phần ruộng ở khu đồng Ụ Pháo không thể cấy lúa được do ô nhiễm.

Cũng là xã đã về đích NTM nhưng người dân xã Quang Trung (Kinh Môn) thường xuyên phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn. Khói từ việc đốt lò sấy gây mùi rất khó chịu. Nước thải trong quá trình sơ chế nông sản được xả thẳng ra môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Bà Vũ Thị Thà, Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết khói phát sinh trong quá trình sấy lá hành, nước rửa lá hành chứa thuốc bảo vệ thực vật không qua xử lý được xả thẳng ra môi trường. Mặc dù UBND xã nhiều lần làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp để yêu cầu khắc phục nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường không được cải thiện. Cũng theo bà Thà, UBND xã thường xuyên nhận được ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh từ trang trại chăn nuôi Thành Đạt trên địa bàn xã. Mặc dù là trang trại khép kín nhưng do số lượng vật nuôi lớn nên các hầm bioga không chứa hết chất thải phát sinh. Vì vậy, mỗi khi mưa lớn, chất thải chưa qua xử lý lại tràn ra môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Nếu người dân ở các xã Cộng Hòa (Kim Thành) và Quang Trung (Kinh Môn) chịu khổ vì chất thải trong chăn nuôi thì người dân xã Tân Hồng (Bình Giang) nhiều năm nay phải sống chung với ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp trên địa bàn xã. Gần chục nhà máy, cơ sở tái chế nhựa trong cụm công nghiệp này hoạt động nhưng không quan tâm đến bảo vệ môi trường. Khói có mùi khó chịu thường xuyên hành hạ người dân. Nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra hệ thống kênh mương, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Ông Vũ Nhật Kha, Chủ tịch UBND xã cho biết gần 2 tháng nay, từ khi có quy định của Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ hoạt động tái chế nhựa trong cụm công nghiệp Tân Hồng đã giảm một phần so với trước. Tuy nhiên, chưa biết việc này sẽ kéo dài được bao lâu vì khi các cơ sở này chưa tìm được nguồn nguyên liệu mới, chắc chắn tình trạng ô nhiễm môi trường lại tái diễn.

Loay hoay xử lý

Ông Đoàn Hữu Liệp, cán bộ địa chính, xây dựng, tài nguyên môi trường xã Cộng Hòa (Kim Thành) cho biết mặc dù xã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015 nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một phần nguyên nhân do xã chưa có kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải chung, bảo đảm đúng tiêu chuẩn. Mặt khác, ý thức chưa tốt của người dân là nguyên nhân chính làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm. Nhiều hộ chăn nuôi không xây hầm bioga để chứa chất thải nhưng cũng không có biện pháp thu gom, xử lý nên chất thải cứ thế xả thẳng ra môi trường. Rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không được thu gom, xử lý đúng nơi quy định. Tâm lý tiện đâu vứt đấy, không vì cộng đồng cũng làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để.

Ông Vũ Nhật Kha cho biết thêm ngoài nguyên nhân từ ý thức chủ quan của nông dân, ô nhiễm môi trường còn xuất phát từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Nhiều năm qua, chính quyền và người dân trong xã thực sự bất lực khi hàng chục cơ sở tái chế nhựa trong cụm công nghiệp Tân Hồng hằng ngày, hằng giờ đầu độc môi trường. "Mặc dù xã đã được công nhận NTM nhưng khi môi trường sống chưa được bảo đảm chứng tỏ chúng tôi chưa làm hết trách nhiệm với người dân", ông Kha nói.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn trong tỉnh khoảng 708 tấn/ngày đêm với các thành phần chủ yếu là rác hữu cơ (khoảng 67%), rác có thể tái chế gồm giấy bìa các loại (khoảng 8%), túi nilon (khoảng 12,3%), còn lại là nhựa, thuỷ tinh và kim loại. Trong đó, rác thải có thể tái chế chiếm khoảng 26% tổng khối lượng, còn lại là rác thải không thể tái chế, tái sử dụng. Đến nay, hầu hết các xã hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập được các tổ, đội thu gom rác thải. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương này vẫn chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Đáng lo ngại hơn là rác thải phát sinh trong sản xuất nông nghiệp như vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải trong chăn nuôi vẫn chưa được thu gom hoặc mới chỉ được thu gom, xử lý tạm thời là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn chưa được kiểm soát một cách triệt để. 

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu nông thôn mới. Bài 3: Ô nhiễm môi trường sống