Hậu nông thôn mới. Bài 1: Bao giờ hết nợ?

16/10/2018 09:06

Để đạt chuẩn nông thôn mới, không ít xã trong tỉnh đang phải gánh những khoản nợ xây dựng cơ bản rất lớn mà chưa biết đến khi nào mới trả hết, thậm chí không có khả năng trả nợ.


Công trình Trường Tiểu học xã Bình Xuyên (Bình Giang) đã đưa vào sử dụng từ lâu nhưng hiện vẫn nợ xây dựng cơ bản

Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang tạo ra một cuộc "cách mạng" trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Có thể khẳng định, ở những xã đạt chuẩn NTM, hệ thống cơ sở hạ tầng đều khang trang, to đẹp, đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng. Song để đạt chuẩn, không ít nơi đang phải gánh những khoản nợ rất lớn mà chưa biết đến khi nào mới trả hết.

Không biết lượng sức

Là một trong những xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2015 nên hệ thống cơ sở hạ tầng của xã Bình Xuyên (Bình Giang) khá hoàn thiện. Tất cả các trường của 3 cấp học, trạm y tế đều được xây mới hoặc tu sửa, bổ sung thêm phòng học, phòng chức năng. Các tuyến đường trong làng, đường ra đồng đều được bê tông hóa theo đúng chuẩn NTM... Để có hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình đó, xã đã phải vất vả huy động các nguồn lực. Ông Nhữ Đình Tảo, Chủ tịch UBND xã Bình Xuyên cho biết: "Những năm đầu khi bắt tay vào xây dựng NTM, cứ thấy công trình nào thiếu là xã đầu tư chứ chưa chú trọng cân đối ngân sách để có vốn đối ứng. Vì thế có công trình chỉ có một phần kinh phí nhưng nếu chủ thầu đồng ý cho địa phương nợ là xã tiến hành ngay". Do nguồn lực hạn chế nhưng lại muốn nhanh chóng hoàn thiện các công trình nên sau khi xây dựng NTM, xã Bình Xuyên còn nợ tới 40 tỷ đồng xây dựng cơ bản (XDCB). Mặc dù những năm qua, xã đã tìm mọi nguồn để trả nợ nhưng đến nay vẫn còn nợ trên 10 tỷ đồng.

Xã Đồng Lạc (Nam Sách) cũng được biết đến là một trong những xã nợ "khủng" sau khi dồn sức xây dựng NTM. Theo thống kê, xã Đồng Lạc nợ lên tới 37,2 tỷ đồng sau khi cán đích NTM. Số nợ này chủ yếu do xã đã tập trung xây dựng các công trình như trường học, đường giao thông, sân vận động, nghĩa trang nhân dân... Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc thừa nhận: "Xã nợ số tiền lớn như vậy đã tạo áp lực cho đội ngũ cán bộ xã. Những năm qua, chúng tôi phải tìm mọi cách để có kinh phí trả nợ nhưng đến nay vẫn còn hơn 10 tỷ đồng. Do không chủ động, không tính toán kỹ và xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện các tiêu chí nên xã mới nợ nhiều như vậy".

Hiện nay, không ít địa phương trong tỉnh cũng rơi vào cảnh nợ nần như 2 xã trên do dồn sức xây dựng NTM. Theo thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, đến tháng 6.2018, các địa phương trong tỉnh còn nợ 216,8 tỷ đồng XDCB. Nhiều xã đã hoàn thành xây dựng NTM nhưng chưa thanh toán hết nợ XDCB. Một số xã rơi vào tình trạng bế tắc, không tìm được nguồn để thanh toán cho các hạng mục đã xây dựng xong.

Chỉ trông vào bán đất

Xã Đồng Lạc (Nam Sách) hiện vẫn còn nợ trên 10 tỷ đồng do tập trung xây dựng nông thôn mới

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ XDCB do xây dựng NTM ở các địa phương. Nhưng trước hết là do lãnh đạo địa phương chưa đánh giá hết khả năng, nguồn lực của xã, còn tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích. Trước đây, khi tỉnh chưa có quy định về việc phải cân đối được nguồn đối ứng thì mới cho xây dựng các công trình hay quy định về việc không nợ XDCB mới được công nhận xã đạt chuẩn NTM nên nhiều địa phương mặc dù nguồn lực còn hạn chế, các điều kiện chưa thật chín muồi nhưng vẫn ra sức xây dựng NTM.

Làm thế nào để trả hết được nợ XDCB là bài toán không dễ giải khi các nguồn lực để trả nợ ở hầu hết các địa phương về đích NTM gần như đã cạn kiệt, thậm chí không có khả năng trả nợ. Đến thời điểm này, với những xã đã hoàn thành xây dựng NTM, để nhận được các nguồn kinh phí hỗ trợ từ tỉnh là rất hạn chế. Mặc dù ở các xã về đích, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh nhưng việc huy động đóng góp xây dựng các công trình từ người dân không dễ. Hầu hết người dân chỉ tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn và các công trình tín ngưỡng. Để trả được những khoản nợ, hầu hết các địa phương chỉ trông vào nguồn duy nhất là đấu giá chuyển quyền sử dụng đất. Ông Nhữ Đình Tảo cho biết thêm: "Chúng tôi đã quy hoạch 4 ha đất ở thôn Như và Bình Cách để đấu giá chuyển quyền sử dụng đất vào năm 2019. Nếu đấu giá đất thành công, chúng tôi sẽ trả hết nợ và đầu tư xây dựng thêm một số công trình cho hoàn thiện hơn". Qua theo dõi biến động nợ XDCB của các địa phương, ông Nguyễn Lương Cường, Phó Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tứ Kỳ khẳng định: "Để có kinh phí trả nợ, hầu hết các địa phương trong huyện đều chỉ biết trông chờ vào đấu giá chuyển quyền sử dụng đất. Ngoài ra, các xã gần như không còn nguồn nào khác".

Xây dựng NTM là một trong những phong trào mang ý nghĩa xã hội to lớn đối với các vùng nông thôn. Mặc dù vậy, việc một số xã nợ "khủng" dẫn đến ý nghĩa của phong trào không được trọn vẹn. Để giải bài toán này, các địa phương cần đẩy mạnh sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về địa phương đầu tư, phát triển dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại... tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đấu giá chuyển quyền sử dụng đất chỉ là phương án tạm thời bởi về lâu dài, đất đai sẽ cạn kiệt, trong khi đó các công trình của địa phương sẽ ngày càng xuống cấp, cần được đầu tư, xây mới....

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu nông thôn mới. Bài 1: Bao giờ hết nợ?