Sau nỗi vui mừng được trở về quê mẹ an toàn, người lao động Libya (Li-bi) tiếp tục đối mặt với vấn đề cơm, áo và món nợ vay đi xuất khẩu lao động.
Niềm vui của người lao động khi trở về quê hương
Toàn bộ lao động Việt ở Libya đã về nước an toàn
Đúng 8 giờ sáng qua 9-3, chuyến chuyên cơ cuối cùng chở người lao động Việt Nam làm việc ở Libya đã an toàn về nước. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, tính đến hết ngày 9-3 đã có 8.728 lao động (trong tổng số hơn 10 nghìn lao động) được đưa về nước an toàn. Hiện nay còn 1.070 lao động về bằng đường biển từ cảng biển Benghazi (Ben-gan), Libya và dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng ngày 21-3. Ngoài ra, 292 lao động Việt Nam đã sang Angieria (An-giê-ri) và 67 lao động tại Ai Cập đang được bố trí đưa về nước trong vài ngày tới. Như vậy, công cuộc sơ tán người lao động Việt Nam tại Libya cơ bản đã hoàn thành. Điều này chứng tỏ, Đảng và Nhà nước ta thực sự quan tâm đến an toàn của người lao động, dành ưu tiên đặc biệt và sử dụng mọi biện pháp có thể để đưa người lao động Việt Nam về nước.
Cần sự chung tay giúp đỡ của các cơ quan quản lý
Sau những vui mừng thoát khỏi vùng đất “nóng”, người lao động lại quan tâm đến vấn đề muôn thuở: cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền” đâu có đùa với ai! Trong số hơn 10 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở Libya, đa số là người lao động nghèo, đi xuất khẩu lao động để xóa đói giảm nghèo. Đa số họ đều phải vay mượn trước khi đi xuất khẩu lao động. Theo cách tính của các chuyên gia, ở những thị trường thu nhập trung bình như Libya (khoảng 7- 8 triệu đồng/người/tháng), phải mất một nửa thời gian làm việc theo hợp đồng, người lao động mới có thể trả xong vốn vay ban đầu. Nay phải về nước trước thời hạn, tiền tích lũy chưa có, nợ thì vẫn chưa trả xong. Mỗi người lao động khi về nước tạm thời được hỗ trợ 1 triệu đồng trước mắt để về quê. Sau đó, sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH đã đưa ra một vài phương án trình Chính phủ để giúp đỡ người lao động khi trở về với một số phương án như: đề nghị giãn nợ cho người lao động; ưu tiên tái xuất khẩu lao động cho các đối tượng; hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước... Đây cũng là những phương án khả thi để giúp đỡ người lao động giải quyết khó khăn trong cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài.
Cũng từ những phương án này, có một vài ý kiến: Việc lao động đi xuất khẩu lao động phải về nước trước thời hạn do những lý do bất khả kháng không phải bây giờ mới có. Cách đây trên 20 năm, lao động Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức đã phải về nước trước thời hạn sau khi nước Đức thống nhất, các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động. Cũng khoảng thời gian đó, lao động tại Iraq (I-rắc) cũng về nước trước thời hạn do chiến tranh. Các lao động được đền bù một khoản kinh phí do bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Song song với đó, nhiều lao động được hỗ trợ học nghề để tạo việc làm trong nước. Vấn đề đặt ra, người lao động đi làm việc ở các nước thường làm trong các dây chuyền sản xuất, nên khi về nước, rất khó để tham gia vào thị trường lao động. Nhiều người ở độ tuổi trên 40, việc học một nghề mới để tạo việc làm gặp nhiều khó khăn. Số tiền đền bù ít ỏi dành cho chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Nhiều người sau đó chỉ ở nhà, hoặc buôn bán nhỏ lẻ, chỉ đủ lo cho cuộc sống. Xét về khía cạnh tham gia phát triển kinh tế xã hội, cũng là một sự lãng phí nguồn lực lao động có tay nghề, có kỷ luật lao động.
Từ câu chuyện của 20 năm về trước có thể thấy, với những người vẫn có nhu cầu đi xuất khẩu, cơ quan chức năng và các doanh nghiệp tạo điều kiện để họ có cơ hội tái xuất khẩu lao động. Còn với những người không có nhu cầu nữa, với sự hỗ trợ về tài chính của cơ quan chức năng và doanh nghiệp xuất khẩu lao động, chính quyền địa phương nên tổ chức đào tạo nghề và tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Như thế, vừa giúp người lao động giải quyết khó khăn trong cuộc sống, vừa tận dụng được nguồn lao động trên chính mảnh đất quê hương.
(Tổng hợp)