Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết như vậy trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 17-11.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: TTXVN
Chiều 17-11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là người đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Không có chuyện phát điện cầm chừng để mua điện Trung QuốcLà người chất vấn đầu tiên, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề điện. Đại biểu Đương hỏi thẳng: “Có ý kiến phản ánh doanh nghiệp điện nhà nước như thủy điện Hòa Bình, công suất lớn nhưng hoạt động cầm chừng, trong khi ngành công thương lại nhập điện từ Trung Quốc với giá cao. Điều này có đúng không? Có nhóm lợi ích hay không? Nếu có, trách nhiệm của bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định ý kiến này không có cơ sở vì trong nước đã có nhiều công trình thủy điện có công suất lớn đã và đang hoạt động với nhiều lợi thế. Do vậy không có lý do gì không khai thác triệt để các thủy điện đã đầu tư, có thủy điện đạt sản lượng 9-10 tỷ kWh/năm. "Thủy điện Sơn La đưa vào vận hành trước 3 năm và năm nào cũng phát hơn sản lượng thiết kế, nên không có cơ sở nói rằng phát điện cầm chừng ở các thủy điện lớn này”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi về tỷ lệ nội địa hóa ở những lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài như ô-tô, điện tử, cơ khí ra sao? Một số ngành trong nước đã sản xuất được như thuốc lá, đường, nông sản nhưng tình hình nhập lậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước, bộ trưởng thấy thế nào?
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện ô-tô chở khách loại 80 chỗ ngồi đã nội địa hóa được 40%, xe tải nông dụng, chuyên dùng 70%, ô-tô con 10%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng cho biết xe máy đã nội địa hóa được 90%, kể cả động cơ. "Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 150 nghìn xe máy, kim ngạch đạt gần 300 triệu USD. Nội địa hóa xe máy đã đẩy bật được các nước láng giềng. Còn điện tử gia dụng như máy điều hòa, máy giặt, tủ lạnh đạt 30-35%. Điện tử tin học khoảng 15%. Dệt may 50%, da giày 60%", Bộ trưởng Hoàng nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận tình hình nhập lậu qua biên giới trong thời gian qua là vấn đề nhức nhối, tồn tại nhiều năm dù lực lượng quản lý thị trường đã làm hết sức. Bộ trưởng Hoàng nhận trách nhiệm về hạn chế liên quan đến lực lượng quản lý thị trường, còn các lực lượng khác như hải quan, biên phòng, dù có phối hợp, các địa phương có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao. Đồng thời cho biết số vụ xử lý vi phạm năm sau luôn cao hơn năm trước từ 12-14%.
Nhiều hạn chế trong phát triển công nghiệp hỗ trợĐại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đặt vấn đề có phải vì thiếu chính sách cụ thể để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ nên ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thể phát triển?
Thừa nhận lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua được nhiều đại biểu quan tâm và lĩnh vực này thật sự có vấn đề, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết gần đây Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định để thúc đẩy chính sách công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhưng đúng là cấp độ pháp lý của các chính sách này đang thấp, chưa có nghị định, chưa có luật đầy đủ nên chưa tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Nguyên nhân thứ hai là khi nói đến công nghiệp hỗ trợ thì hay nói đến phụ tùng, linh kiện. Nhưng để phát triển được thì phải có quy mô thị trường lớn mới có giá thành cạnh tranh. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn chứng như với ô-tô, hiện nay cơ sở lắp ráp chỉ sản xuất đươc 70 nghìn xe/năm nên khó có thể có doanh nghiệp nào cung cấp linh kiện, phụ tùng cho hơn 10 nhà sản xuất ô-tô với nhiều chủng loại, trong khi sản lượng cần một năm 100 nghìn/xe thì mới phát huy được công nghiệp hỗ trợ. Nguyên nhân thứ ba là sự phân công trong chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu tùy thuộc vào các doanh nghiệp đa quốc gia. “Chúng ta đi sau nên việc chen chân vào lĩnh vực này rất khó khăn”, Bộ trưởng Hoàng bày tỏ. Và nguyên nhân cuối cùng, người đứng đầu Bộ Công thương cho rằng công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi việc sử dụng nguyên vật liệu mới, nhưng phần lớn chúng ta chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu.
Tỷ lệ nội địa hóa nhiệt điện là 0%Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa -Vũng Tàu) nêu câu hỏi vì sao trong 20 dự án nhiệt điện đầu tư thời gian qua, tỷ lệ nội địa hóa là 0% và phần lớn đều do Trung Quốc thực hiện ?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận “thực tế này là đúng”. Sở dĩ có tình trạng này là do các nhà máy nhiệt điện công suất lớn đã và đang xây dựng đều sử dụng hình thức nhà thầu EPC, nên phần lớn các tổng thầu đảm nhận.
“Trong số máy móc thiết bị này, các doanh nghiệp trong nước có thể làm được, nhưng sự tham gia thực tế lại rất ít. Dù đã có nhiều chỉ đạo trong hồ sơ mới thầu, cần tách bạch các phần trong nước làm được trong quá trình gọi thầu, rất tiếc dù đã có chủ trương, nhưng có nhiều trường hợp, nhiều lý do, các chủ đầu tư vẫn không tách các gói thầu này ra”, Bộ trưởng giải bày.
Theo Tuổi trẻ