Hát văn ở làng An Mô

14/04/2015 08:07

Hiện làng An Mô, xã Lê Lợi (Chí Linh) có tới trên 50 cung văn, gồm nhiều thế hệ hát văn được xa gần biết đến...



Các cung văn của làng An Mô biểu diễn tại lễ hội truyền thống. Ảnh:Hằng Trần

An Mô, xã Lê Lợi (Chí Linh) được biết đến là một ngôi làng cổ nằm dưới chân núi Ngũ Nhạc nơi có đền Sinh, đền Hóa thờ đức thánh Thiên Bồng được xây dựng từ thời nhà Lý. Gắn với ngôi đền đã hình thành truyền thống hát văn ở đây. Hiện làng An Mô có tới trên 50 cung văn, gồm nhiều thế hệ hát văn được xa gần biết đến.

Chưa có tài liệu nào nói về thời điểm ra đời của môn hát văn ở làng An Mô, nhưng căn cứ vào ngọc phả thì từ năm 524 (thời tiền Lý) ở đây đã có tục hát thờ trong lễ hội. Hát thờ còn gọi là hát “Chầu thủ đền”, cho ta liên tưởng hát văn ở An Mô bắt nguồn từ đó. Để có một buổi hát văn, ngoài cung văn, còn phải có nhạc cụ, âm thanh đi kèm. Nhạc cụ gồm đàn nguyệt, trống cái, trống con, phách, thanh la, cảnh đồng, sáo trúc, sáo mèo, cùng một đội cung văn từ 3 - 5 người. Lời hát được phổ từ thơ ca trong dân gian, đôi khi có sự vay mượn một số tác phẩm văn thơ bác học, vừa chau chuốt, vừa nghiêm trang, song rất phong phú về hình ảnh thiên nhiên, tính cách nhân vật. Hát văn chủ yếu dùng các làn điệu ca nhạc dân tộc như chèo, ngâm thơ, ca trù, hò, tuồng, xẩm, dân ca Bắc Bộ, Trung Bộ. Gần đây cung văn còn biến cải, đưa thêm một số làn điệu dân ca quan họ, ca nhạc mới. Giai điệu trong hát văn khi mượt mà, sâu lắng, khi dồn dập, khỏe khoắn, vui tươi, làm cho chất thơ của văn được nâng lên tuyệt đỉnh khiến người nghe mê mẩn bởi giọng ca, tiếng đàn đưa đẩy. Nội dung bài hát ca ngợi các nhân vật đã được thần thánh hóa, những người có công với dân, với nước như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Thánh Gióng, các ông hoàng, bà chúa, cô, cậu...

Người am hiểu nghề hát văn ở làng An Mô là ông Phạm Văn Chạnh. Ông Chạnh năm nay đã gần 80 tuổi, từng nổi tiếng là người hát hay, đàn giỏi và chính là người trực tiếp truyền nghề cho gần 100 cung văn trong và ngoài làng.

Ông Chạnh đến với hát văn như một duyên số. Sau khi rời quân ngũ về quê, vài lần được nghe một số cung văn hát ở đền Sinh, đền Hóa, ông đâm mê mẩn. Từ đó cứ buổi nào ngoài đền có hát văn, hầu thánh, thể nào ông cũng bỏ việc đồng áng lên đền nghe hát. Từ chỗ say mê, ông ghi nhớ từng câu, từng mẩu rồi mày mò tập theo. Sau khi đã thành thạo, ông Chạnh lại sáng tác thêm các bài hát văn theo các làn điệu. Từ đó, đọc đến văn của nhân vật nào, ông Chạnh lại tìm đọc lịch sử, rồi đến tận đền hoặc miếu thờ vị đó để xem xét công trạng, nơi thờ phụng, lòng mến mộ của nhân dân sở tại để đặt lời ca, điệu nhạc cho chuẩn, truyền dạy cho các lớp sau. Bây giờ tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng hằng ngày ông vẫn nhiệt huyết truyền nghề. Riêng gia đình ông hiện có 4 người ở ba thế hệ cùng tham gia hát văn.

Từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ra đời, vai trò văn hóa truyền thống dân tộc được đề cao. Hát văn ở An Mô trở thành loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, gắn với các lễ hội và nghệ thuật diễn xướng hầu thánh. Nhiều cung văn của làng An Mô sửa sang đàn sáo, chắp nối lại những lời ca, tìm thầy học nghề để đi làm nghề. Có thời điểm cả xã Lê Lợi có gần 50 gia đình hành nghề hát văn thì làng An Mô có trên 30 gia đình với gần 50 cung văn. Các cung văn của làng An Mô có mặt ở khắp các lễ hội trên cả nước từ An Giang, Kiên Giang đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh...

Các cung văn ở làng An Mô hầu hết học hát dưới hình thức truyền khẩu. Do cách học theo lối truyền khẩu, nên học hát văn không cầu kỳ, chỉ đơn giản là người học và người dạy tìm đến một nơi yên tĩnh để thầy trò tập trung vào từng lời ca, giai điệu và nhạc cụ.

Dụng cụ học tập ban đầu chỉ là hai thanh tre gõ vào một vật nào đó để dễ nhận thức âm thanh. Khi đã quen mới cần đến cây đàn tranh, trống, phách và một quyển vở chép lời. Một số cung văn có người thân đang hành nghề sẽ được cho đi theo học. Từ lúc tập đến lúc thành thạo, người có năng khiếu cũng phải mất 6 tháng, người chậm phải học đến 3 năm.

Nhận thức được giá trị nghệ thuật độc đáo cùng ý nghĩa văn hóa, lịch sử của hát văn, nhiều năm qua, xã Lê Lợi đã chỉ đạo thành lập đội hát văn của làng An Mô và trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ một phần kinh phí mua sắm nhạc cụ, nơi tập luyện cũng như tuyên truyền, nhắc nhở các cung văn hoạt động có tổ chức, nội dung lành mạnh, nhằm lưu giữ và phát triển vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc.


VŨ TUYẾT MÂY


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hát văn ở làng An Mô