Trong tiếng nhạc sôi động, nhiều bạn trẻ đang thi nhau biểu diễn kỹ thuật. Trượt patin đã trở thành môn thể thao giải trí hấp dẫn nhiều bạn trẻ nơi đây...
Trượt patin là môn thể thao mới được nhiều bạn trẻ yêu thích
Thời gian gần đây, trượt patin (pa-tanh) đã trở thành môn thể thao giải trí hấp dẫn nhiều bạn trẻ.
Vào các buổi chiều cuối tuần, sân trượt patin của gia đình anh Trung Dũng ở xã Thúc Kháng (Bình Giang) khá nhộn nhịp. Trong tiếng nhạc sôi động, nhiều bạn trẻ đang thi nhau biểu diễn kỹ thuật. Bên ngoài sân nhiều người đang ngồi đợi đến lượt mình.
Cách đây 5 năm, anh Dũng đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Tại đây, trong những ngày nghỉ, anh và bạn bè thường chọn patin để giải trí do trò này vừa lành mạnh, ít tốn kém lại rèn luyện được sức khỏe. Sau khi về nước, anh luôn mong muốn đưa patin đến cho người dân trong làng, trong xã, nhất là giới trẻ. Sau khi tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và nghiên cứu cách thức làm sân, đầu năm 2011, anh đầu tư 40 triệu đồng làm sân trượt patin rộng hơn 100 m2 và 30 triệu đồng mua 60 đôi giày trượt. Sân trượt đi vào hoạt động, đã đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của giới trẻ địa phương. Anh Dũng cho biết: “Hằng ngày có hàng trăm lượt người đến trượt, ban ngày chủ yếu là học sinh, buổi tối là thanh niên. Vào những ngày lễ, Tết, số người đến trượt tăng gấp nhiều lần, sân của tôi không đáp ứng được”. Vừa xỏ chân vào đôi giày trượt, em Trần Thị Thu ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng vừa cho biết: “Khi biết em chơi trò này, bố mẹ em ủng hộ ngay, mỗi tuần cho em đi chơi 2 lần. Lúc đầu mới trượt em hay bị ngã, có khi bị trầy xước chân tay nhưng đến nay đã quen dần, em có thể trượt được lên những chỗ uốn lượn, dốc. Chơi một thời gian, được vận động nên cơ thể em khỏe hơn nhiều”. Cũng có mặt tại sân trượt patin, bác Nhữ Thị Hoa ở xã Thái Hòa cho biết: “Nhà tôi cách đây 3 km, thỉnh thoảng tôi đưa con lên đây trượt để giải trí. So với những trò giải trí khác như xem tivi, máy tính, đánh điện tử thì đây là trò giải trí ích lợi hơn. Tôi thấy giá 7.000 đồng/giờ là hợp lý để các cháu có thể vui chơi một tuần 1 - 2 lần”.
Sân trượt patin của chị Nguyễn Thị Thu ở chân cầu Ràm, xã Tân Hương (Ninh Giang) có cả những em chỉ khoảng 7 - 8 tuổi đang tập trượt. Để thỏa mãn sở thích, nhiều người đã đầu tư mua sắm giày. Anh Nguyễn Trung Hiếu ở thị trấn Ninh Giang cho biết: “Mỗi lần đến sân trượt, tôi phải đợi lâu vì giày trượt của chủ sân thì có hạn mà số người trượt lại đông. Có những lần tôi đợi cả buổi mà không đến lượt mình. Tôi đã tự mua một đôi giày trượt gần 1 triệu đồng. Mỗi lần đi trượt, tôi chỉ mất tiền thuê sân, không phải thuê giày”. Tuy mới đi vào hoạt động được gần 2 tháng nay, nhưng sân của chị Thu khá đông khách. Nói về ý tưởng mở sân trượt patin của mình, chị Thu cho biết: "Qua tìm hiểu, tôi thấy trẻ em ở nông thôn ít được tiếp cận với văn hóa, văn nghệ. Chơi bóng đá thì không có sân, hoặc chỉ chơi được vào những ngày trời ấm, nắng, còn vào ngày mưa phùn mùa đông như thế này thì không có chỗ. Một vài bạn chọn đánh điện tử, vừa tốn tiền, vừa hại sức khỏe. Tôi xem ti-vi, sách báo thấy trò này vừa hấp dẫn, bổ ích, thu hút được đông người chơi nên đã đầu tư xây dựng sân trượt phục vụ nhu cầu giải trí của người dân trong xã". Sân trượt patin của chị Thu có mái che, xây kín để tránh mưa gió. Mùa hè sẽ lắp quạt điện… Chị Thu cho biết, làm sân trượt patin chủ yếu là xi-măng và kỹ thuật đánh bóng. Sân phải thật mịn , không có gờ và phải có những điểm dốc lên, xuống để lấy đà trượt.
Để trượt patin là trò giải trí mang lại niềm vui, tăng cường sức khỏe, mỗi người khi tham gia cần chú ý đến vấn đề an toàn. Những người làm dịch vụ này mới chỉ quan tâm đầu tư sân trượt, giày trượt mà chưa có các đồ bảo vệ đầu gối, khuỷu tay, mũ bảo hiểm, người chơi patin nên chú ý tự trang bị cho mình. Các chủ sân cũng cần học để hướng dẫn khách hàng trượt đúng kỹ thuật, trang bị các phương tiện y tế để có thể sơ cứu khi người chơi bị ngã, trầy xước chân tay.
THANH HÀ