Nằm trong chuỗi sự kiện tại Tuần lễ Văn hoá, thể thao và du lịch năm 2022 do Hải Dương tổ chức, hoạt động trình diễn và trải nghiệm trò chơi dân gian pháo đất được nhiều du khách, người dân đánh giá là đặc sắc, hấp dẫn.
Người dân háo hức xem các pháo thủ biểu diễn tại Tuần lễ Văn hoá, thể thao và du lịch
Trải nghiệm thú vị
Sáng 15.5, về Hải Dương xem và cổ vũ cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam tại SEA Games 31, tranh thủ chưa đến giờ thi đấu, anh Nguyễn Văn Toàn ở Hà Nội được bạn dẫn đi trải nghiệm một số hoạt động tại Trung tâm Văn hoá Xứ Đông. Khi nghe tiếng pháo đất nổ liên tiếp ở phía góc quảng trường, nhìn thấy hàng trăm người xúm lại hò reo đã kích thích sự tò mò trong anh. Về Hải Dương đã nhiều nhưng đây mới là lần đầu anh Toàn biết đến trò chơi dân gian pháo đất. “Xem các nghệ nhân nặn và gieo pháo, tôi cảm thấy đây là một hoạt động văn hoá rất đặc biệt, vui nhộn, hấp dẫn mà có lẽ rất hiếm nơi có”, anh Toàn chia sẻ.
Anh Nguyễn Xuân Trường ở TP Hải Dương cho biết đã cho hai con nhỏ tham gia trải nghiệm tất cả các hoạt động tại Trung tâm Văn hoá Xứ Đông nhưng chỉ có trò chơi pháo đất làm chúng thích nhất. “Tiếng lẹp bẹp đồng loạt phát ra khi bàn tay các pháo thủ nhào nặn đất khiến các con tôi theo dõi không rời mắt. Hai đứa nhảy lên hò reo, vỗ tay không ngớt khi các quả pháo tiếp đất và tạo ra những tiếng nổ vang rền nghe rất vui tai”, anh Trường kể.
Bản thân anh Trường còn đăng ký tham gia trải nghiệm trò chơi này. Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các pháo thủ ở xã Quang Khải (Tứ Kỳ), anh cũng nặn thành công quả pháo. Tuy nhiên đến phần gieo pháo, do lần đầu chưa nắm được động tác kỹ thuật nên dây pháo không văng ra ngoài. Dù sao việc này đã giúp anh có được một trải nghiệm đầy thú vị.
Tiếng pháo liên tục nổ vang rền ở quảng trường Trung tâm Văn hoá Xứ Đông đã kích thích sự tò mò của người đi đường. Chị Nguyễn Phương Linh (TP Hải Dương) cho biết cùng bạn trai người Úc về nhà chơi. Khi đi qua chỗ đông người, thấy không khí vui nhộn nên cả hai xuống xem. Chị Linh cho biết: “Bạn trai tôi thích quá nên lấy máy điện thoại ra quay người ta nặn và gieo pháo gần nửa tiếng đồng hồ. Anh ấy còn đăng cả lên Facebook”.
Mặc dù chỉ được tổ chức trong hai ngày 14 và 15.5 nhưng hoạt động trình diễn và trải nghiệm trò chơi dân gian pháo đất đã thu hút hàng nghìn người đến xem, trải nghiệm. Không chỉ người lớn mà hầu hết trẻ nhỏ cũng rất thích trò chơi dân gian này. Ban tổ chức đã bố trí người thuyết minh giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử ra đời của trò chơi pháo đất gắn với lễ hội, đồng thời thông tin tới người dân, du khách những nét chính về quy trình chọn đất, kỹ thuật nặn và gieo pháo… Trình diễn và trải nghiệm trò chơi dân gian pháo đất là một trong những hoạt động đặc sắc, thu hút được nhiều người tham gia nhất trong chuỗi các sự kiện của Tuần lễ Văn hoá, thể thao và du lịch.
Nhiều trẻ nhỏ thích thú khi được cha mẹ đưa đến Trung tâm Văn hoá Xứ Đông trải nghiệm nặn pháo
Xây dựng thành sản phẩm du lịch
Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết trò chơi dân gian pháo đất có sự tích từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, có tích từ thời Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đánh giặc Nguyên-Mông. Nhưng dù tích nào đi nữa thì trò chơi này cũng mang đậm giá trị lịch sử, văn hoá, gắn với cư dân nông nghiệp lúa nước. Ở Hải Dương hiện có khoảng 10 xã ở các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc bảo tồn được trò chơi này. Ngoài ra, ở các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Thái Bình cũng có một số địa phương duy trì được. Không chỉ mang giá trị lịch sử, trò chơi pháo đất còn giúp rèn sức khoẻ, tạo không khí vui nhộn, gắn kết cộng đồng, được cả người già lẫn trẻ nhỏ yêu thích.
Những năm qua, Hải Dương luôn quan tâm tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hoá, trong đó có trò chơi pháo đất. Không chỉ đưa trò chơi này vào chương trình Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc, tỉnh còn cử đội pháo đất đi giao lưu tại tỉnh bạn. Ở một số huyện, liên hoan pháo đất được tổ chức vào các dịp lễ, Tết, có nơi tổ chức hội thi. Lần này, pháo đất được đưa vào Tuần lễ Văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh càng cho thấy sức sống mãnh liệt của loại hình di sản không nhiều nơi có được.
Pháo đất là một trong những di sản văn hoá đặc trưng của Hải Dương. Để trò chơi này có sức sống vững bền, một số nhà quản lý văn hoá cho rằng bên cạnh duy trì tổ chức các sự kiện như trong những năm qua, tỉnh cần đưa pháo đất thành một sản phẩm du lịch. Ví dụ như khi du khách về Tứ Kỳ tham quan, trải nghiệm khai thác rươi thì sẽ được xem trình diễn và trải nghiệm làm pháo đất.
Bên cạnh đó, cần tích cực trao truyền cho thế hệ trẻ thông qua việc đưa pháo đất vào các sự kiện hằng năm của trường học, các hoạt động của Đoàn Thanh niên. Tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh, video, bài viết với các nội dung liên quan đến pháo đất trên các báo, tạp chí ở trung ương, thậm chí ở nước ngoài… để trò chơi này ngày càng lan toả.
TIẾN MẠNH