Tất cả các tham luận đều đi đến kết luận: hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa vẫn chói sáng và tiếp tục chiếu sáng trong đời sống xã hội Việt Nam hôm nay.
Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học trong cả nước tham dự
Hội thảo khoa học ''Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức sáng 22.11.
Đã 80 năm, những người đã cầm giáo mác tham gia những ngày khởi nghĩa Nam Kỳ xưa hầu hết đã không còn, nhưng cụm từ "Nam Kỳ Khởi Nghĩa" đã trở nên quen thuộc, là tên một con đường huyết mạch của TP Hồ Chí Minh, nhắc nhớ những đường hướng, giá trị lịch sử mà những ngày hào hùng, bi tráng ấy đã để lại, dẫn dắt cuộc cách mạng đến thắng lợi cuối cùng.
Phát biểu mở đầu hội thảo, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định: "Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại những dấu ấn không phai mờ trong lịch sử, đã xây dựng nên những cơ sở thực tiễn cho Cách mạng Tháng Tám sau này.
Dù chưa đi được đến thành công cuối cùng, nhưng tinh thần đấu tranh oanh liệt, hi sinh của quân dân Nam Bộ trong khởi nghĩa vẫn mãi trường tồn.
Thời gian càng lùi xa, đất nước càng phát triển, vị thế trên thế giới ngày càng cao, nền độc lập càng vững mạnh, giá trị của sự hi sinh cho lựa chọn con đường đấu tranh của những người đi trước càng được khẳng định.
73 bài tham luận tâm huyết, trách nhiệm mà hội thảo hôm nay đã nhận được càng góp phần vào sự vững chắc cho những giá trị ấy".
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu tham luận
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đúc rút: "Nam Kỳ khởi nghĩa đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về khát vọng độc lập cháy bỏng của dân tộc Việt Nam.
Hội thảo là dịp để ôn lại lịch sử, lật đi lật lại những kinh nghiệm lịch sử mà cuộc khởi nghĩa đã để lại sau cuộc thử lửa: bài học kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang, nông thôn với thành thị, kinh nghiệm phát huy sức mạnh toàn dân trong tinh thần dân tộc Việt Nam là một; bài học về nhận diện và đo lường độ chín của thời cơ cách mạng; kinh nghiệm phát huy tinh thần cách mạng cả nước, tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
Dù đã nhận định thời cơ chưa chín muồi, nhưng khi khởi nghĩa nổ ra, Trung ương Đảng vẫn chỉ thị các tỉnh hành động hỗ trợ Nam Kỳ bằng mọi cách, mọi hình thức để Đảng bộ Nam Kỳ vượt khó khăn, từng bước xây dựng lại lực lượng…".
73 bản tham luận đã một lần nữa soi chiếu sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa 80 năm trước về mọi góc độ, ôn lại sự kiện để chiêm nghiệm những kinh nghiệm lịch sử thấm đẫm máu xương.
Tất cả các tham luận đều đi đến kết luận: hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa vẫn chói sáng và tiếp tục chiếu sáng trong đời sống xã hội Việt Nam hôm nay.
Theo Tuổi trẻ