Hào hùng ngày thu cách mạng

02/09/2018 14:00

Là một cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, cuộc đời ông Nguyễn Sỹ Thư, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trải qua nhiều mốc son lịch sử của dân tộc.

Ông Nguyễn Sỹ Thư, cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh kể lại những ngày cách mạng hào hùng

Một trong những dấu mốc ấy là những ngày tham gia giành chính quyền tại TP Hải Dương và đón nhận tin vui Ngày Quốc khánh 2.9.1945.

Ông Thư kể: "Nhà tôi xưa kia ở khu vực vườn hoa Bảo Đại. Ngày đó, bố tôi làm công nhân của Nhà máy Rượu Hải Dương nên tôi được gia đình cho vào học tại trường con trai ở khu vực ga. Sau đó, tôi bắt đầu tham gia sinh hoạt trong tổ chức hướng đạo sinh ở Hải Dương và từng làm đội trưởng một đội hướng đạo sinh 12 người. Hướng đạo sinh lúc đó là tổ chức có vai trò giáo dục, bổ túc giúp thanh thiếu niên rèn luyện tính tháo vát để thích nghi với mọi hoàn cảnh, chuẩn bị để trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm với xã hội. Thành viên bao gồm các thanh, thiếu niên có tư tưởng tiến bộ. Tôn chỉ của tổ chức này là phụng sự Tổ quốc, giúp ích mọi người... Từ quá trình sinh hoạt đó, tôi được anh Đỗ Văn Thanh, trưởng đoàn hướng đạo sinh TP Hải Dương, sau này là Bí thư Chi bộ, Bí thư Thành ủy Hải Dương giác ngộ và chính thức tham gia Việt Minh".

Tháng 6.1945, ông Thư bắt đầu tham gia Việt Minh. "Nhân dân thị xã Hải Dương lúc đó mặc dù bị Pháp và Nhật cùng bọn tay sai đàn áp, lừa mị nhưng ai nấy đều ngả về phía cách mạng, ủng hộ Việt Minh. Có công chức làm nghề đánh máy chữ cho các công sở bí mật làm truyền đơn, viết khẩu hiệu kêu gọi nhân dân ủng hộ cách mạng. Nhiều bà, nhiều chị bí mật may cờ, khẩu hiệu, chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa. Có thể nói không khí chuẩn bị khởi nghĩa hết sức sôi nổi trong và ngoài thị xã. Chính quyền tay sai rơi vào tình thế bất lực", ông Thư nhớ lại. 

Đến tháng 8.1945, tin Nhật đầu hàng đồng minh, lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng đã tạo nên khí thế mới. Ông Thư vẫn còn nhớ như in diễn biến của những sự kiện vô cùng quan trọng ngày ấy: “Tối 16.8.1945, tôi và mọi người được anh Thanh triệu tập, thông báo ngày mai sẽ có những việc lớn, ta sẽ có những hành động quyết liệt. Anh yêu cầu chiều mai, mọi người phải có mặt tại Câu lạc bộ An Nam (Thư viện tỉnh cũ) để nhận nhiệm vụ. Lúc ấy, chúng tôi cũng không nghĩ đó sẽ là thời khắc trọng đại trong đời. Chiều hôm sau, khi chúng tôi đến Câu lạc bộ An Nam thì nhận được mật lệnh, tại đây bọn cầm đầu chính quyền bù nhìn tỉnh cùng Đoàn Thanh niên Phan Anh tổ chức một cuộc mít tinh lớn ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Chúng tôi phải biến cuộc mít tinh này thành một cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ Việt Minh". 

Theo lời ông Thư, đúng 15 giờ ngày 17.8.1945, cuộc mít tinh do chính quyền bù nhìn tổ chức diễn ra. Chúng định diễu qua các phố lớn rồi về mít tinh tại sân Vọng Cung (nay là Nhà hát Nhân dân). Do lực lượng của ta mỏng nên nhóm của ông Thư nhận được lệnh trà trộn vào đoàn biểu tình để nắm bắt nhất cử nhất động của chúng. Khi đoàn biểu tình đến giữa phố Đông Thị (nay là phố Quang Trung) thì tiếng súng vang lên. Lúc này, lực lượng của ta bố trí hai bên đường ào ra nhập vào đoàn người, hạ cờ của chính phủ bù nhìn và giương cờ sao vàng lên. Khắp phố phường vang dậy tiếng hô khẩu hiệu: "Ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh". Hành động bất ngờ đó khiến đám thanh niên Phan Anh như rắn mất đầu, không có bất cứ hành động gì chống đối. Những người dân có cảm tình với cách mạng ùn ùn kéo tới nhập vào đoàn. Đoàn người rẽ vào các tuyến phố Bắc Sơn, Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa ngày nay. Mặc quân lính địch lượn lờ, đoàn người cứ hiên ngang tiến bước từ Ngã Sáu về Sở Rượu, qua trại lính Nhật ở Trường con gái. Tại đây, để tụi lính Nhật không có những hành động chống phá, trước khi đoàn biểu tình đến, phía ta đã cử người vào đó làm việc, thông báo với chúng ở yên tại chỗ để chờ ngày rút về nước. 

Trước sức mạnh của quần chúng cách mạng, bọn tay sai thân Nhật hoảng sợ. Khi đó tên tỉnh trưởng đã bỏ trốn, tên quyền tỉnh trưởng chủ mưu tổ chức cuộc diễu hành cũng không dám có động thái gì. Đoàn biểu tình tới trước vườn hoa Bảo Đại dừng lại để tổ chức mít tinh. Ông Bạch Năng Thi đại diện cho Việt Minh lên đọc 10 chính sách của Việt Minh, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Quần chúng nhân dân hò reo trong niềm sung sướng tột độ.

Sau khi tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, quần chúng nhân dân phấn khởi ra về. Lực lượng Việt Minh phân công từng tốp đi tiếp quản các công sở. Đến đâu, các viên chức trong chính quyền bù nhìn cũng sẵn sàng bàn giao ấn tín, hồ sơ, sổ sách cho Việt Minh. Khi đó, ông Thư được cử đi cùng một tổ đến tiếp quản nhà Công sứ (Tỉnh ủy ngày nay). Các thủ tục giao nộp diễn ra nhanh chóng, không có bất cứ phản ứng nào. TP Hải Dương là một trong các địa phương giành chính quyền sớm trong cả nước.

Sau khi Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền thành công, bọn phản động tay sai trong tỉnh đã âm mưu tìm cách chống phá. Nước sông Thái Bình dâng cao làm vỡ đê ở Lai Cách khiến TP Hải Dương ngập trong nước, muốn đi lại phải dùng thuyền. Trong khi đó, người ăn xin chết đói ở khắp nơi. "Theo phân công của tổ chức, chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào củng cố chính quyền cách mạng, vận động quyên góp lương thực cứu đói, tổ chức chôn cất những người chết, dập dịch bệnh. Lúc đó mọi thông tin liên lạc đều rất khó khăn. Hôm 2.9, anh em vừa đi làm về thì được anh Thanh báo tin, sáng nay tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập công bố với toàn thể thế giới Việt Nam đã là một nước độc lập. Mặc dù mệt mỏi, chúng tôi nắm chặt tay nhau trong sự vui mừng phấn khởi", ông Thư nhớ lại.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hào hùng ngày thu cách mạng