Chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới bắt đầu. Cái cảm giác buồn man mác khi vào thu vừa thoáng qua thì bỗng trong tôi rộn lên niềm cảm xúc khó tả khi thấy đoàn các em thơ tung tăng mang chổi, cuốc, xẻng đến trường. Bẵng đi mấy tháng hè, tiếng nô đùa của chúng nay lại ầm vang khắp ngõ. Đã thấy các bậc phụ huynh rủ nhau đi mua quần áo, sách vở cho con em chuẩn bị bước vào năm học mới. Và em, cô giáo trẻ sáng nay cũng dậy sớm hơn, gương mặt tươi vui hơn. Hơn hai tháng trời xa trường, xa lớp, xa các em học sinh, hình như em cũng buồn hơn thì phải. Được nghỉ hè mà buồn mới lạ. Nay lại ríu rít cô trò trong buổi sớm mai đến lớp. Đứng trên ban công tầng hai nhìn cảnh ấy, tôi bỗng thấy bình yên và xốn xang đến lạ kỳ. Thế là năm học mới đã đến.
Người nông dân lấy mùa cày cấy, gieo hạt, gặt đập làm mùa vụ. Còn em, cô giáo mến yêu của tôi ơi, em lấy ngày khai giảng, ngày thi làm mùa gieo trồng, cấy hái của mình. Mùa vụ của người nông dân chỉ sáu tháng với lúa ngô, còn mùa vụ của em kéo dài tới chín tháng. Người trồng cây, kẻ trồng người, bước vào vụ là tất bật, rộn ràng lắm. Đang thoải mái với những ngày hè sôi động, nay em lại giờ nào việc nấy. Học chính trị, kiểm tra lại hồ sơ học sinh, chuẩn bị giáo án và những thứ cần thiết để vào năm học mới. Vui nhất là cô trò cùng đo may quần áo đồng phục, cùng đi mua giấy vở, sách bút. Cảm giác đầu tiên khi mở cổng trường sau ba tháng nghỉ hè, phá tan bầu không khí vắng lặng của trường với bao tiếng reo hò của lũ học sinh chắc chắn ai nấy cũng đều xốn xang lắm. Cô cũng vậy mà trò cũng thế. Trò chào cô. Cô chào trò. Ríu ra ríu rít. Ánh mắt đều ngời lên vui mừng khôn xiết sau những ngày tháng xa nhau.
Buổi lao động đầu tiên bao nhiêu là chuyện. Chuyện nghỉ hè đi đó đi đây. Chuyện sinh hoạt Đoàn, Đội ở thôn, ở xóm. Chuyện ông bà, cha mẹ. Chuyện làng quê, phố phường... Rồi thì đùa nghịch, cấu véo nhau. Lại nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Chim trên cành ngơ ngác. Nắng thu vàng lung linh. Mấy tháng hè sân trường buồn thiu giờ lại vang lên rộn rã tiếng cười đùa. Cô giáo trẻ đứng ngây người giữa lũ học trò ấy với bao ý nghĩ ở trong đầu. Ký ức của những ngày xưa đi học hiện về. Tâm hồn em như trẻ lại, thư thái đến lạ kỳ. Hạnh phúc biết bao nghề giáo viên được sống mãi với kỷ niệm tuổi học trò, với mái trường, lớp học thân yêu.
Cả xã hội những ngày này hình như cũng tưng bừng hơn, rộn ràng hơn chuẩn bị cho năm học mới. Các cấp chính quyền lo đôn đốc việc tu sửa trường lớp, hoàn chỉnh phòng học mới, sửa sang phòng học cũ, đóng bổ sung bàn ghế, làm lại tường rào, khuôn viên. Tất cả đều cấp tập cho kịp ngày khai giảng. Các bậc phụ huynh lo sắm sửa quần áo, sách vở cho con em đến trường. Đặc biệt, các gia đình có con, cháu vào mẫu giáo lớp một thì càng sốt sắng hơn ai hết. Ai cũng muốn con em mình có nơi học hành tốt nhất. Thức đêm thức hôm lo xếp hàng nhận chỗ, lo mua hồ sơ, lo gặp người nọ người kia để con, cháu được học nơi như ý. Các cháu hồn nhiên ngây thơ kia đâu biết được chuyện này. Mà có biết thì các cháu cũng không hiểu được. Ngày xưa, tôi vào vỡ lòng, lớp một vô tư lắm, hồn nhiên lắm. Thế mà giờ đây, những ngày này bao chuyện dở khóc, dở cười xung quanh việc chạy trường chạy lớp cho con vào mẫu giáo, lớp một.
Với các em học sinh lớp lớn hơn, những ngày này bố mẹ các em cũng lo đủ thứ; quần áo đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập đồng bộ. Không cặp sách xách tay như chúng tôi xưa mà phải là cái cặp thật bự, cái ba lô to đùng mới mang hết sách vở đi học. Nhìn những cháu cấp một (bây giờ gọi là tiểu học) đeo ba lô sách nặng xệ vai tới trường mà thương. Cả một núi chữ trên lưng mà sao thấm vào đầu các cháu khó khăn thế. Ai cũng muốn con em đủ đầy khi tới trường. Sắm sửa hết mọi thứ phải là tiền triệu chứ ít gì. Thế là bao thứ trong nhà được bán đi để lấy tiền sắm sửa. Nông dân thì bán lợn, bán gà, bán thóc. Công chức thì trông vào đồng lương. Nhịp độ mua sắm những ngày này có vẻ rộn ràng hơn. Có phải thế chăng mà không khí bước vào năm học mới đang gõ cửa từng nhà? Đến trường là niềm vui và quyền lợi của các em đồng thời đôi khi là gánh nặng của các bậc cha mẹ.
Không khí chuẩn bị cho năm học mới những ngày này tưng bừng lắm. Truyền thống dân tộc ta là dù đói, dù khổ nhưng không thể thiếu chữ, thất học. Phố phường, chợ huyện những ngày này vui biết bao. Người lớn đi sắm sửa các thứ cho năm học mới. Trẻ em tíu tít tới trường lao động chuẩn bị ngày khai giảng. Em cũng điện thoại ríu ran khoe tôi đang cùng học sinh ở lớp ở trường.
Thu cứ rải nắng vàng mơ, gió cứ đung đưa nhè nhẹ. Bài ca đi học vang bên tai tôi khe khẽ. Tiếng trống khai giảng năm học mới sắp điểm rồi. Đứng nhìn cô giáo trẻ cùng các em học sinh tung tăng tới trường trong nắng gió thu mà tôi cứ nghĩ như mình đang trong mơ...
Tản văn củaXUÂN THU