Hành củ là cây trồng truyền thống của huyện Nam Sách, Hải Dương. Vụ đông 2017, toàn huyện trồng được 1.430 ha hành.
Thu hoạch hành vụ sớm
Tuy thời tiết đầu vụ không thuận lợi để làm đất (mưa lớn kéo dài), nhưng với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền, sự quyết tâm của nông dân nên diện tích trồng hành đã vượt kế hoạch.
Với kinh nghiệm nhiều năm phát triển vụ hành sớm, nông dân các xã An Bình, Nam Trung, An Lâm, Phú Điền khẩn trương làm đất tối thiểu để trồng hành cho kịp thời vụ, còn lại trên một nửa diện tích lùi lại trồng chính vụ nhằm rải lứa để tránh thiệt hại khi giá thấp.
Từ sau trồng đến nay, cây hành phát triển khá thuận lợi, nhất là giai đoạn xuống củ (gặp rét kéo dài, hanh khô và biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn). Mặt khác, nông dân có bề dày kinh nghiệm thâm canh hành củ lại được cán bộ khuyến nông thường xuyên thăm đồng, tư vấn các biện pháp kỹ thuật nên ruộng nào cũng phát triển tốt, dọc hành to khỏe, khóm nở, củ chắc.
Chúng tôi xuống xã An Bình vào lúc nông dân đang tập trung thu hoạch lứa hành vụ sớm. Người cắt lá, người nhổ củ, cắt củ, phân loại đóng bao và chuyên chở lên bờ cho thương lái. Một lão nông tên Thọ cho biết khi thu hoạch, thương lái đến tận ruộng để thu mua. Do năm nay khan hàng nên họ đặt cọc trước để chủ hộ không bán cho người khác. Vụ hành năm nay nông dân rất phấn khởi, hồ hởi hơn vì hành được cả giá lẫn năng suất.
"Các hộ có hành hoa bán sớm nhất là từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 dương lịch (sau khi trồng 2 tháng). Thương lái thu mua tại ruộng giá lên đến 25.000 đồng/kg (cân cả cây). Đến thời điểm này giá thấp hơn vì hành rộ nhưng vẫn có giá từ 12.000 - 13.000 đồng/kg. Bà con thu hoạch mỗi sào từ 1 - 1,2 tấn hành hoa.
Ông Nguyễn Hữu Kiên, khuyến nông viên xã An Bình cho biết: Hiện tại trung bình 1 sào hành non khi thu hoạch và bán cho thương lái nông dân thu được từ 13 - 15 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 10 - 12 triệu đồng/sào.
Dù cây hành vẫn chưa xuống củ đẫy nhưng được giá nên nông dân đã thu hoạch non để bán cho lợi nhuận cao. Cây hành được bán cả phần thân lẫn củ để phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã có trên 20 hộ thu về trên dưới 100 triệu đồng, điển hình là hộ anh Lương Viết Quang, Nguyễn Phúc Hạnh, Nguyễn Đình Hùng…
Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc HTXNN xã Nam Trung cho biết, ông chỉ đạo xã viên sản xuất khoảng 30% diện tích hành sớm, còn lại rải lứa cho phù hợp. Ngẫm lại lúc xới đất ướt trồng hành mới thấy gian nan. Không dùng được máy cày, ông phải dùng cuốc xới đất rồi lên luống cao, phay nhỏ bề mặt để cắm được củ hành xuống. Nếu không có nhiệt huyết bám trụ ruộng đồng thì không thể làm được. Cả cánh đồng đất ướt nhão nhoét thế mà chỉ sau 1 tuần, ruộng nào ruộng nấy những luống hành cao ráo được phủ rạ lộ đều tăm tắp...
Ông Nguyễn Xuân Tiến trồng trên 2 mẫu với 50% hành đông sớm tiết lộ: Với hành trồng đất khô thâm canh đã khó, trồng hành trên đất ướt chăm sóc lại càng khó hơn. Cây hành có bộ rễ chùm, non, mềm nên sống trên nền đất ướt rất dễ bị nghẹn rễ, re củ mà lụi dần. Cho nên việc xới đất khi làm luống là cả một nghệ thuật. Làm thế nào để đất phải được bằng phẳng nhưng không bị rí rẽ để rễ hành phát triển rộng dài. Ngay sau khi trồng được 7 - 10 ngày phải dùng chế phẩm nấm có ích hoặc phân siêu lân dễ tiêu tưới cho hành để rễ sớm ăn ra, cây hút dinh dưỡng thuận lợi.
Trồng trên đất ướt không bón lót được phân thì khi hành bén rễ là phải bổ sung dinh dưỡng thường xuyên và cân đối. Chế phẩm nấm Trichodecma được lựa chọn bổ sung cho cây hành định kì nên năng suất hành vụ sớm cũng ngang ngửa hành chính vụ.
TRẦN THỊ LIÊN (Nông nghiệp Việt Nam)