Hiện nay, cây hành vụ đông ở các địa phương đang trong giai đoạn từ đẻ nhánh rộ đến chia củ (de chân chó).
Tuy nhiên, ở một số ruộng hành đang có hiện tượng bị tụt dọc, nguy cơ làm giảm năng suất hoặc không cho thu hoạch.
Ban đầu, từ chóp các lá non xuất hiện những đốm trắng hình tròn và lan truyền xuống phía dưới. Sau chuyển sang màu vàng nhạt đến nâu xám rồi lây lan sang các lá ngoài cùng khóm. Khi bị nặng, cả khóm hành bị tụt dọc và chết, nhổ lên thấy bộ rễ biểu hiện phát triển kém.
Hiện tượng này diễn ra theo từng khóm, từng bạt hoặc cả ruộng, chủ yếu tập trung ở số ruộng còn đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ, bón thừa dinh dưỡng, tưới nước và duy trì độ ẩm mặt luống không hợp lý.
Đối tượng gây hại chủ yếu do nấm cerrcospora diae. Nguyên nhân do chế độ bón phân không cân đối hoặc độ ẩm đất cao đến bão hòa khiến dọc hành vươn mạnh, mềm và mỏng, kết hợp thời tiết có nhiều sương mù và mưa nhỏ làm cho nguồn nấm, nhất là nấm cerrcospora diae sẵn có trên đồng ruộng gây hại.
Biện pháp khắc phục:
- Tùy theo mức độ và phạm vi bị tụt dọc ở từng ruộng mà có thể tạm dừng hoặc giảm hẳn lượng phân định tưới thúc theo kế hoạch. Kết hợp khống chế độ ẩm đất mặt luống bằng cách luôn bổ lỗ tiêu nước phòng mưa rào bất thường, tưới dưỡng nước sao cho độ ẩm đạt khoảng 70 - 80% ruộng.
- Phun trừ luân phiên 1 lần theo chu kỳ 2 ngày, giữa thuốc Daconil 75WP và Ridomil 72WP với chất bám dính mặt lá HPC theo nồng độ và liều lượng: 2 gói nhỏ Daconil loại 15 g hoặc 60g Ridomil cùng 2 gói bám dính HPC loại 15 ml pha đầy bình 16 - 18 lít, phun cho 1 sào và phun đẫm cho khóm bị nặng, phun vào chiều mát không mưa.
- Hòa tưới gốc phân hữu cơ vi sinh Trichoderma ở nồng độ 60-70 g cho 1 thùng sơn 20 lít và tưới cho 50 khóm, tưới 2 lần vào chiều mát, mỗi lần cách nhau 1 ngày.
Sau đó, bà con cần thường xuyên thăm đồng và kiểm tra lại, nếu thấy hiện tượng tụt dọc đã giảm mạnh hoặc dừng lây lan thì hòa phân tưới thúc gốc từng khóm với lượng tăng dần hoặc phun trừ luân phiên lần 2 cho kịp thời.
KS. NGUYỄN HỮU VÂN (Nam Sách)