Với bệnh nhân ung thư, hành trình đấu tranh giành sự sống là một chặng đường dài, suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Song, ung thư không phải là dấu chấm hết...
Tinh thần lạc quan giúp chị Nguyễn Thị Hạnh ở thị trấn Nam Sách mắc bệnh ung thư vú, hiện đang
điều trị tại Trung tâm Ung bướu giữ được sức khoẻ ổn định
Tiếng sét... ngang taiNhiều ngày nay, con ngõ cụt dẫn vào nhà chị L. ở thị trấn Nam Sách bỗng trở nên quạnh vắng. Cánh cửa nhà luôn khóa chặt. Vợ chồng chị cùng mấy đứa con nhỏ đã về quê nghỉ ngơi để tìm sự yên tĩnh, không muốn người dân xung quanh đến hỏi thăm.
Tìm về quê chị, khó khăn lắm chúng tôi mới có thể bắt đầu câu chuyện về căn bệnh ung thư hạch chị mắc phải. Trên khuôn mặt thẫn thờ của người phụ nữ mới 31 tuổi vẫn còn nguyên vẻ bàng hoàng vì tin dữ bỗng ập xuống cách đây chưa đầy 1 tháng.
Trong Tết, chị L. có dấu hiệu mệt mỏi, sốt nhẹ. Nghĩ do công việc căng thẳng cộng thêm mệt mỏi vì đang nuôi con nhỏ nên chị không để ý. Chỉ đến khi thấy trên cổ nổi hạch, lòng bàn tay xuất hiện mụn như tụ máu, chị mới sinh nghi. Ra Tết, vợ chồng chị khăn gói lên Bệnh viện K Hà Nội khám. 3 lần làm xét nghiệm, bác sĩ đều kết luận hạch nổi trên cổ chị lành tính. Nhưng đến lần thứ 4 làm sinh thiết thì chị L. được chẩn đoán mắc ung thư hạch giai đoạn 3. "Tôi nghe bác sĩ thông báo mà như sét đánh ngang tai”, chị L. ôm đứa con mới 1 tuổi vào lòng khóc nức nở.
Đã nhiều ngày trôi qua nhưng chị L. và gia đình vẫn chưa tin đó là sự thật. Anh V. - chồng chị nhiều đêm không ngủ vì nghĩ ngợi. Có lúc choàng tỉnh, anh bàng hoàng không biết đang thực hay mơ. Còn chị L. mỗi lần nhìn thấy sự lo lắng, hớt hải trên khuôn mặt bố, những giọt nước mắt vụng trộm của mẹ và sự ngây thơ của những đứa con, chị lại chán nản, tuyệt vọng. Chị bị ám ảnh bởi câu hỏi: “Mình còn sống được bao lâu?”. Ở cái tuổi này, chị L. thấy mình chưa kịp báo hiếu gì cho bố mẹ. Chị cũng còn nhiều mơ ước dang dở với những đứa học trò mà hằng ngày chúng vẫn ríu rít bên cạnh... “Tôi tưởng tượng khi mình nằm xuống, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh thật trớ trêu. Các con tôi còn nhỏ quá. Chúng sẽ bơ vơ, lấy ai chăm sóc, dạy dỗ nên người?”, chị L. thổn thức. Lẫn trong tiếng khóc nghẹn của chị, ba đứa con nhỏ vô tư thả những tiếng cười giòn tan. Âm thanh ấy khiến lòng người se sắt lại.
Một chiều trời trở rét, những cơn gió bấc rít ào ào ngoài hành lang Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chúng tôi gặp ông D. ở xã Vĩnh Tuy (Bình Giang) khi ông đang điều trị căn bệnh ung thư dạ dày tại đây. Thời điểm này, sức khỏe cũng như tinh thần của ông D. đã tạm ổn nhưng ông vẫn nhớ như in những ngày đầu khi phát hiện mình mắc bệnh. Tháng 12.2016, ông D. thấy dấu hiệu lạ khi ăn không tiêu, bụng chướng, đau và khó chịu nhiều ngày. Đi khám, ông D. được biết mình bị sùi phù nề, hẹp hang vị. Sau đó, ông D. được chẩn đoán bị ung thư dạ dày. Nghe bác sĩ thông báo, ông D. hoang mang, run rẩy như vừa nhận "án tử hình". Bà V. - vợ ông khóc như mưa. Không khí bỗng trở nên nặng nề, u ám.
Ở nhà, ông D. là lao động chính nhưng với nghề cơ khí tự do, thu nhập bấp bênh. Tháng nào nhiều ông D. cũng chỉ làm được từ 4-5 triệu đồng. Nỗi lo trụ cột gia đình càng đè nặng lên vai ông khi 2 con đang tuổi ăn học. Rồi đây còn chi phí chữa bệnh, ông D. chưa biết xoay xở thế nào. Từ ngày phát hiện bị ung thư, ông D. đâm ra khó tính, hay nổi nóng với người xung quanh. Ông dị ứng nhất khi có ai hỏi: “Khỏe không?”, “Đi khám bác sĩ bảo thế nào?”… Vợ chồng ông quyết định giấu bệnh, không cho ai biết.
"Tôi khát khao được sống. Một ngày còn được sống, tôi đều muốn nó thật có ích, có ý nghĩa cho các con tôi, cho cuộc đời này." |
|
Cũng từ đó, ông D. ít nói, thích ngồi một mình. Trước sự quan tâm, chiều chuộng của vợ trong từng bữa ăn giấc ngủ, ông D. cảm thấy mình sắp trở thành người vô dụng. “Có lúc tuyệt vọng, tôi đã từng nghĩ quẩn. Chưa bao giờ tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến thế”, ông D. nói.
Theo Trung tâm Ung bướu, hằng năm, tỉnh ta có khoảng 3.000 ca mắc ung thư. Đa số các trường hợp khi được phát hiện đã ở giai đoạn cuối, di căn vào tim, phổi... Khi đó, bệnh nhân thường rơi vào trạng thái tuyệt vọng, bi quan khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.
Chặng đường gian nanChị Đỗ Thị Thoa quê ở thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) đang truyền hóa chất lần thứ 6 để điều trị căn bệnh ung thư vú tại Trung tâm Ung bướu. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực để khoanh vùng các tế bào ác tính cộng với mái tóc rụng hết, vẻ duyên dáng, mềm mại của người phụ nữ đã hao kiệt. Nhưng cách nói chuyện vô tư của chị khiến người đối diện không có cảm giác xa cách. Ở chị, chúng tôi còn thấy nghị lực chống chọi bệnh tật phi thường.
Phát hiện ung thư từ tháng 3 năm ngoái, chị Thoa cũng từng rơi vào trạng thái bế tắc, tuyệt vọng. Chị chẳng nhận được lời động viên nào từ chồng vì một tháng chỉ có 5 ngày anh ta tỉnh, những ngày còn lại đều say khướt. Các con chị, đứa đi lấy chồng, đứa còn nhỏ chưa lo liệu được gì. 7 tháng sau khi phát hiện bệnh, chị mới có điều kiện đi phẫu thuật và điều trị. “Trên bàn mổ, tôi tưởng mình chết đi sống lại. Đau đớn về thể xác nhưng tinh thần còn suy sụp đáng sợ hơn nhiều”, chị Thoa nhớ lại. Sau khi mổ, cứ 20 ngày chị lại khăn gói lên Trung tâm Ung bướu để bác sĩ thăm khám và truyền hóa chất. Mỗi đợt truyền hóa chất, cơ thể chị lại đau đớn, rã rời.
Mổ về, sức khỏe tạm ổn, chị Thoa vẫn phải đi làm ruộng, phụ vữa để kiếm tiền mua thuốc chạy chữa và lo cho con. Từ khi mắc bệnh, bao nhiêu của cải, đồ đạc giá trị trong nhà đều "đội nón" ra đi. Đắng cay nhất, sau khi mổ được 7 ngày, chồng chị đòi ly hôn, chia tài sản để lấy vợ khác. “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại bị dồn vào bước đường cùng như vậy”, chị rưng rưng nói. Nhưng rồi chị nhanh tay gạt những dòng lệ rơi, mắt sáng lên, giọng đanh lại: “Mình phải tự thương lấy mình”. Chị quý trọng bản thân, sự sống mà mình đang có. “Tôi khát khao được sống. Một ngày còn được sống, tôi đều muốn nó thật có ích, có ý nghĩa cho các con tôi, cho cuộc đời này”, chị Thoa tự tin. Trong căn phòng nhỏ có 4 giường bệnh, chị luôn là người mang đến tiếng cười cho những bệnh nhân còn lại.
Bà Nguyễn Thị Huệ (72 tuổi) ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) cũng là một tấm gương chống chọi với bệnh tật. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, sức lực không còn nhiều nhưng bà đã kiên cường trải qua 4 lần phẫu thuật. Cách đây 3 năm, bà phát hiện trong bắp tay có nhân hạch. Bà nghe người ta mách dùng dầu gió “đồ” thử. Kết quả càng khiến cho chiếc nhân sưng to. Chủ quan, bà không đến bệnh viện mà đi cắt ở một phòng khám tư nhân. Chỉ vài ngày sau, vết mổ sưng to bằng quả xoài, tím ngắt, rắn và đau nhức. “Tôi được các con đưa kịp thời lên Bệnh viện K Hà Nội. Bác sĩ nói tôi bị ung thư cơ, phải mổ gấp”, bà nhớ lại. 6 tháng sau, bà tiếp tục phẫu thuật do bắp tay lại sưng. Lần gần đây nhất, vết mổ cũ nổi nhân, sưng to, nối dài từ vai xuống đến tận khuỷu tay. Bà được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, tháo bỏ hẳn cánh tay phải.
Đang làm nghề bán hàng ăn sáng, sức khỏe tốt, mấy năm liền bà Huệ phải nằm một chỗ. Chồng mất đã lâu, 4 người con của bà đã có gia đình riêng. “Nhiều lúc sợ là gánh nặng cho các con, tôi đã khóc, đã nghĩ đến cái chết. Tuy nhiên, được các con động viên kịp thời, tôi lại gắng gượng vượt qua”, bà nói. Bà còn được các bác sĩ chăm sóc tận tình, cảm giác ấm lòng như đang sống với người thân trong gia đình. Chính những điều tốt đẹp ấy đã khiến bà có thêm tinh thần, động lực đấu tranh với bệnh tật.
Ở Trung tâm Ung bướu còn có bệnh nhân Phạm Thị Chiến ở thôn Đông Hạ, xã Đồng Quang (Gia Lộc) phải cắt bỏ đi 3/4 dạ dày vì ung thư. Nhưng 20 năm qua, sức khỏe bà Chiến ổn định, ăn uống khá tốt. Theo Ths, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Xuân Lượng, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của y học, ung thư có thể được kiểm soát tốt, chữa khỏi hẳn nếu như được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Các bệnh ung thư da, tuyến giáp, vú, cổ tử cung, buồng trứng… nếu phát hiện ở giai đoạn 1, giai đoạn 2, chưa di căn vẫn điều trị gần như khỏi hẳn. Nhiều trường hợp ung thư đại trực tràng vẫn có thể kéo dài tuổi thọ vài chục năm. Người bệnh nên đi khám định kỳ. Quan trọng nhất, người bệnh phải giữ tinh thần lạc quan, phấn chấn. Cần giữ lối sống lành mạnh, ăn uống, tập thể dục thể thao điều độ, không nên sử dụng các chất kích thích.
HÀ ĐAN