Trong suốt 1 tháng (từ 13.6 - 14.7), Hành trình Đỏ 2018 đã đi qua 26 tỉnh, thành phố trên cả nước, tổ chức được 44 ngày hội hiến máu lớn và 56 ngày hiến máu hưởng ứng.
Hoạt động thu hút hàng ngàn người dân đến tham gia và tiếp nhận được hơn 42.000 đơn vị máu.
Trong suốt 1 tháng qua, từ sông nước miền Tây đến vùng cao nguyên trù phú, qua dải đất miền Trung nắng gió, đến trung du và đồng bằng Bắc bộ, đâu đâu cũng rộn ràng những ngày hội hiến máu mang bản sắc văn hoá truyền thống của từng địa phương.
Các tình nguyện viên tham gia hiến máu trong Ngày hội Giọt hồng tri ân. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Cũng trong 1 tháng qua, hàng chục ngàn người bệnh trên toàn quốc đã được đón nhận dòng máu nghĩa tình, yêu thương từ cộng đồng.
Ghi dấu nhiều thành công
Hành trình Đỏ 2018 được tổ chức sớm hơn so với mọi năm (từ giữa tháng 6 thay vì đầu tháng 7) nhằm rút ngắn thời gian khan hiếm máu vẫn thường xảy ra ở nhiều địa phương vào tháng 6.
Đây cũng là tháng có Ngày Quốc tế người hiến máu 14.6 nên nhiều tỉnh, thành phố đã lồng ghép tổ chức Hành trình Đỏ với hoạt động tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Hoạt động này vừa tạo hiệu ứng truyền thông tốt, vừa lan toả được những hình ảnh, tấm gương tích cực về hiến máu tình nguyện đến nhiều địa phương khác.
Cũng giống như mọi năm, tất cả các ngày hội hiến máu tại các địa phương đều được tổ chức quy mô, trang trọng với tên gọi riêng. Nhiều địa phương tổ chức chương trình đạt trên 1.000 đơn vị máu như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đăk Lăk, Khánh Hoà, Bình Định, Lâm Đồng…
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kon Tum Nguyễn Thị Ven chia sẻ, khó khăn nhất đối với địa phương là việc vận động nguồn lực để triển khai Hành trình Đỏ. Tuy vậy, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Kon Tum vẫn tổ chức được một ngày hội thành công, có sức lan tỏa lớn, chạm tới trái tim của nhiều người.
Bên cạnh kết quả về lượng máu tiếp nhận được, Hành trình Đỏ cũng có tác động mở rộng tuyên truyền về hiến máu đến đông đảo người dân, đặc biệt tại những địa phương còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào các dân tộc cao như: huyện Ea súp (Đắk Lắk), huyện Chư Păh (Gia Lai), huyện Hoài Nhơn (Bình Định), huyện Núi Thành (Quảng Nam), huyện Minh Hóa (Quảng Bình), huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc)...
Đặc biệt, Hành trình Đỏ năm nay diễn ra trong thời điểm các tỉnh trung du miền núi phía Bắc luôn trong tình trạng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ngoài trời có lúc hơn 40 độ C nhưng hàng nghìn người dân vẫn nhiệt tình xếp hàng chờ hiến máu tại các ngày hội Hành trình Đỏ. Điều này minh chứng cho sự lan tỏa rộng rãi và mức độ ảnh hưởng rất lớn của chương trình đến với người dân cả nước.
Hành trình Đỏ 2018 cũng có sự thay đổi trong công tác tổ chức tình nguyện viên. Thay vì hơn 100 chiến sỹ hành quân xuyên Việt để tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện như mọi năm thì năm nay là hàng trăm tình nguyện viên tại các địa phương đã sôi nổi, hào hứng, chủ động, tích cực, sáng tạo trong các hoạt động chuẩn bị cho Hành trình Đỏ.
Có thể nói, sự tham gia tích cực của gần 7.000 tình nguyện viên tại 26 tỉnh, thành phố đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của Hành trình đỏ 2018.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, các hoạt động chuẩn bị cho ngày hội “Giọt hồng tri ân” và hội quân “Hành trình Đỏ” năm 2018 được diễn ra trong lúc thời tiết Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm, nhưng không vì đó mà làm giảm đi khí thế, nhiệt huyết của tình nguyện viên Thủ đô.
Để có được những đơn vị máu quý giá, những tình nguyện viên nhiệt huyết đã đi đến mọi nẻo đường, góc phố tuyên truyền, vận động người dân đi hiến máu. Hàng ngàn tình nguyện viên Hành trình Đỏ Hà Nội và các tình nguyện viên trên cả nước đã “vượt nắng, thắng mưa” say sưa vận động hiến máu.
Hành trình Đỏ năm nay cũng ghi dấu sự thành công trong hoạt động tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh với chương trình “Mật mã globin”, “hạnh phúc có tính di truyền”... nhằm kêu gọi giới trẻ cũng như người dân quan tâm và tìm hiểu về căn bệnh di truyền Tan máu bẩm sinh, vì chất lượng dân số và sức khỏe cộng đồng.
Bước ngoặt đầy sáng tạo
Hành trình Đỏ 2018 được tổ chức với nhiều điểm mới so với các năm trước. Các tỉnh, thành phố được chủ động xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức, chủ trì tất cả các hoạt động, sự kiện Hành trình Đỏ tại địa phương.
Việc làm này giúp phát huy tối đa năng lực của mỗi địa phương; giúp các cơ sở truyền máu nâng cao được kỹ năng trong việc tổ chức huy động lực lượng hiến máu và tiếp nhận được số lượng máu lớn, thao diễn và thực hành việc tiếp nhận máu lớn dự phòng cho tai nạn, thảm họa có thể xảy ra.
Là 1 trong 5 tỉnh đồng hành liên tiếp cùng Hành trình đỏ trong 6 năm qua, ông Đỗ Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cách thức tổ chức năm nay có thể coi là một bước ngoặt của Hành trình đỏ.
Chính sự thay đổi này giúp cho các tỉnh chủ động, năng động, sáng tạo, linh hoạt hơn trong việc triển khai các chỉ đạo của Hành trình đỏ ngay tại địa phương. Năm nay, Lâm Đồng đã thực hiện nhiều chương trình sáng tạo để thu hút các tình nguyện viên.
Đội ngũ tình nguyện viên cũng tự phân công đội hình bài bản giống như đội hình tình nguyện viên xuyên Việt các năm trước với việc tổ chức các ban truyền thông, hậu cần, văn nghệ…
Cùng với sự đồng lòng, Lâm Đồng đã tổ chức thành công Hành trình Đỏ tại địa phương và đặc biệt, đây là năm đầu tiên Lâm Đồng tiếp nhận 350ml máu, nhiều nhất từ trước tới nay với tỷ lệ 100% lượng máu tiếp nhận được.
Tiến sĩ Bác sĩ Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, việc Trung ương mạnh dạn giao về cho các tỉnh chủ động tổ chức Hành trình Đỏ là một bước ngoặt.
Tuy vậy, Hành trình Đỏ năm nay vẫn chưa có sự chủ động về kho chứa máu của các tỉnh. Do vậy trong những lần tổ chức tới các địa phương cần dự trù một kho chưa máu để phòng ngừa trong trường hợp tiếp nhận được số máu lớn hơn so với dự kiến ban đầu.
Bên cạnh đó, công tác vận chuyển máu cũng rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng máu. Do vậy trung ương nên có cách kết hợp với ngành giao thông vận tảỉ, hàng không để có chế độ ưu tiên cho công tác vận chuyển máu, giúp việc vận chuyển được thuận lợi và giảm tối đa chi phí.
Bạn Lê Đăng Kiên, thành viên Ban truyền thông Hành trình Đỏ Thanh Hóa 2018 cho biết, việc Trung ương giao cho địa phương tự tổ chức giúp cho địa phương chủ động hơn trong mọi việc. Chỉ có điều các tình nguyện viên năm nay vất vả hơn do không có đoàn tình nguyện viên xuyên Việt hỗ trợ.
Trong khi đó, có nhiều thành viên mới lần đầu tham gia hành trình nên kiến thức chưa nhiều, còn nhiều bỡ ngỡ. Do vậy các tình nguyện viên có kinh nghiệm phải dành thêm thời gian để đào tạo cho các bạn về các kỹ năng tuyên truyền, vận động người hiến máu, chăm sóc người hiến máu…
Đánh giá cao những thành công của Hành trình Đỏ, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Nguyễn Viết Tiến nhận định: Số lượng đơn vị máu thu được trong chương trình ngày càng nhiều, chất lượng sàng lọc máu ngày càng tốt.
Nhưng trong cả nước vẫn còn nhiều điểm khan hiếm máu, vì vậy chương trình cần tiếp tục duy trì làm sao để ngày càng sâu sắc về nội dung và lan tỏa sâu rộng trong cả nước, đảm bảo chất lượng nguồn máu trong kho và nguồn máu sống… từ đó đảm bảo duy trì nguồn máu, góp phần vào công tác khám chữa bệnh. Nếu như làm tốt công tác vận động hiến máu tại 63 tỉnh thành sẽ cơ bản giảm thiểu tình trạng khan hiếm máu.
Đến thời điểm hiện tại, chiến dịch vận động hiến máu xuyên Việt - Hành trình Đỏ với thông điệp Kết nối dòng máu Việt đã thực hiện thành công sứ mệnh tuyên truyền, tổ chức hiến máu, khắc phục tình trạng thiếu máu hè và nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tan máu bẩm sinh tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trải qua 6 năm tổ chức thành công, Hành trình Đỏ đã chứng minh được sức sống trong lòng cộng đồng với trên 100.000 đơn vị máu được tiếp nhận và nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm ngàn người dân trên khắp cả nước.
MINH HUỆ (TTXVN)