Bệnh nhân số 91 (43 tuổi, quốc tịch Anh) từ tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” nay đã có thể ngồi dậy, cử động cơ thể theo y lệnh của bác sỹ khiến cả thế giới gần như kinh ngạc trước kỳ tích này.
Bệnh nhân 91 đã có thể thực hiện theo y lệnh của bác sỹ
Bệnh nhân số 91 (43 tuổi, quốc tịch Anh) từ tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” nay đã có thể ngồi dậy, cử động cơ thể theo y lệnh của bác sỹ, tay có thể thực hiện được các động tác tinh tế như bấm bàn phím điện thoại, nhớ được tất cả các mật khẩu điện thoại, máy tính bảng của mình, phổi đã phục hồi hơn 60%, đang được dần cai máy thở. Cả thế giới gần như kinh ngạc trước kỳ tích này.
Để có kỳ tích đó là kết quả nỗ lực của cả hệ thống, đội ngũ y, bác sỹ Việt Nam; sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành hữu quan, cũng như sự theo dõi, động viên của đông đảo người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Đó còn là cái tâm, trách nhiệm trước sinh mạng của con người, không phân biệt quốc tịch, màu da, và trên hết đó là tinh thần nhân văn cao cả, là truyền thống “thương người như thể thương thân” từ bao đời của dân tộc Việt Nam.
Nụ cười của bệnh nhân số 91
Còn nhớ cách đây hơn một tháng, thông tin bệnh nhân số 91 liên tục ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” khiến nhiều người lo lắng. Các y, bác sỹ, các chuyên gia đầu ngành đã phải “cân não” giành giật sự sống cho bệnh nhân từ bàn tay tử thần với tinh thần còn nước còn tát.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh - người chịu trách nhiệm điều trị chính khi bệnh nhân ở bệnh viện này, chia sẻ có những thời điểm phổi của bệnh nhân số 91 gần như đông đặc, cơ hội cứu sống gần như vô vọng.
86 ngày kể từ khi bệnh nhân nhập viện, đó cũng là khoảng thời gian các y, bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy dành hết tâm lực, trí lực để cứu sống nam bệnh nhân này. Một “biệt đội” giải cứu bao gồm các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế được thành lập, liên tục theo dõi, hội chẩn không kể ngày đêm nhằm ứng phó với tình trạng của bệnh nhân cũng như đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp.
“Tất cả các kỹ thuật hiện đại nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu ở Việt Nam đều được áp dụng cho bệnh nhân số 91, có những loại thuốc chưa từng sử dụng ở Việt Nam nhưng cũng được mua về nhằm đảm bảo giữ mạng sống cho bệnh nhân. Chúng tôi gần như không ăn, không ngủ, túc trực 24/24 giờ theo dõi mọi tình hình, sự biến chuyển của bệnh nhân”, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong kể.
Ngay sau khi các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị hết SARS-CoV-2 nhưng tính mạng của bệnh nhân số 91 vẫn còn bị đe dọa, Bộ Y tế đã chỉ đạo chuyển người bệnh này sang Bệnh viện Chợ Rẫy - bệnh viện hàng đầu của khu vực phía Nam với hy vọng sự hợp lực của các chuyên gia đầu ngành ở đây sẽ giúp bệnh nhân có những tiến triển tích cực. Thậm chí phương án ghép phổi cho bệnh nhân cũng được lãnh đạo Bộ Y tế tính đến.
Vào thời điểm mới tiếp nhận bệnh nhân số 91, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ huy động toàn lực để cứu chữa cho bệnh nhân số 91 đến khi bệnh nhân có đầy đủ các yếu tố thuận lợi về sức khỏe thì sẽ tiến hành ghép phổi theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID -19.
Và điều ít ai ngờ nhất đã đến, chỉ sau 1 tuần chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, nam bệnh nhân bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục kỳ diệu. Trong đó, đáng chú ý là phổi hồi phục dần, từ 10%, lên 20-30% rồi đến hơn 60%. Đặc biệt, sau gần 2 tháng phải sử dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo), bệnh nhân không cần đến kỹ thuật này nữa, bệnh nhân tỉnh, chỉ còn phải thở máy, các chức năng khác trên cơ thể hoạt động tốt.
Ngày 2.6, lần đầu tiên sau hơn 2 tháng nhập viện, bệnh nhân đã có thể mỉm cười, lắc đầu, gật đầu với y, bác sỹ. Đến nay, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đung đưa hai chân theo y lệnh của bác sỹ, tay có thể thực hiện được các động tác tinh tế như bấm bàn phím điện thoại, có thể nhớ tất cả mật khẩu điện thoại, máy tính bảng của mình, phổi phục hồi tiến triển tốt, dần cai máy thở.
Khó có thể nói hết được cảm xúc của đội ngũ y, bác sỹ trong những ngày qua khi tin vui về nam phi công người Anh đang dần khả quan từng ngày.
"Kể từ khi tiếp nhận bệnh nhân số 91, tất cả đội ngũ y, bác sỹ nỗ lực tối đa, toàn bộ êkíp không còn khái niệm thời gian, không phân biệt ngày và đêm, chỉ tâm niệm một điều duy nhất là phải điều trị thành công cho ca bệnh đặc biệt này. Khoảnh khắc bệnh nhân số 91 mỉm cười sau khi cai ECMO cũng là lúc tất cả chúng tôi cùng mỉm cười - đây là khoảnh khắc mà tôi và các đồng nghiệp không thể nào quên. Hy vọng sống của bệnh nhân số 91 đã rõ hơn bao giờ hết," bác sỹ Nguyễn Tri Thức chia sẻ.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng vui mừng chia sẻ trên trang cá nhân: “Bệnh nhân 91 đã bước đầu bình phục. Điều kỳ diệu đã đến. Đó là kết quả của nền y học Việt Nam, ý chí quyết tâm của các thầy thuốc Việt Nam, lòng nhân hậu của con người Việt Nam”.
Sự phục hồi của bệnh nhân số 91 cũng luôn được hàng triệu người Việt Nam theo dõi mỗi ngày, họ “hồi hộp, vui mừng” theo từng diễn tiến của bệnh nhân như chính người thân của mình. Và khoảnh khắc bệnh nhân 91 mỉm cười, cả triệu trái tim Việt Nam reo vui!
Hơn cả một người thân
Kể từ khi bệnh nhân số 91 chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị, ngày nào chị Huỳnh Kim Huệ, điều dưỡng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng tìm đọc thông tin về bệnh nhân này trên báo chí. Vào sáng 9/6, thông tin bệnh nhân này đã có thể ngồi dậy, chị Huệ mừng muốn rơi nước mắt.
“Hơn 1 tháng được giao nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, mình cảm thấy gắn bó với bệnh nhân này, khi hỏi chuyện thì bệnh nhân bảo không có người thân, không có gia đình, bạn bè cũng không có nhiều, lại mắc bệnh hiểm nghèo ở một đất nước xa lạ, tự nhiên mình cảm thấy thương vô cùng”, chị Huệ chia sẻ.
Chính bởi mối thương cảm đó mà mặc dù bệnh nhân này có thể hình to lớn, nặng, việc chăm sóc vô cùng vất vả, khó khăn, nhưng chị Huệ và các điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chưa bao giờ cảm thấy khó chịu. Mỗi ngày, ít nhất một lần chị Huệ đều ghé thăm bệnh nhân đặc biệt này và cảm thấy nhớ khi bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Bệnh nhân có thể ngồi dậy quả là điều mà chúng tôi không nghĩ đến và nếu có cơ hội tôi cũng muốn đến thăm bệnh nhân số 91, trò chuyện với ông ấy như một người bạn”, chị Huệ nêu nguyện vọng.
Đến ngay cả Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng ngỡ ngàng, khó tin rằng bệnh nhân số 91 có thể có những tiến triển nhanh như thế. Ông cho rằng với những bệnh nhân mắc COVID-19 khác, sự hồi phục gần như hoàn toàn bình thường, nhưng với nam bệnh nhân này là cả sự nỗ lực lớn của ngành y tế Việt Nam.
“Đây là một nỗ lực phi thường bởi chúng ta đã có những lúc bi quan, nhưng đến hôm nay những tiến triển kỳ diệu của bệnh nhân như một lời động viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Cái gì tốt nhất cho người bệnh, chúng ta cố gắng triển khai và làm tốt nhất”, phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nhìn nhận.
Liên quan đến ca bệnh số 91, mới đây ông Ian Gibbons, Tổng Lãnh sự Anh tại TP Hồ Chí Minh đã gửi thư cảm ơn đến Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. Đặc biệt, Tổng lãnh sự Anh nhờ lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chuyển lời cảm ơn chân thành đến các y, bác sỹ đã tận tụy chăm sóc bệnh nhân số 91 là nam phi công người Anh.
“Tôi xin cảm ơn chân thành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy đã dành mọi điều kiện tốt nhất cho công dân S.C. (bệnh nhân số 91). Các bác sỹ và điều dưỡng đã làm việc không mệt mỏi và không tiếc công sức để cứu sống anh S.C. Nói một cách chân thành là chúng tôi không thể đòi hỏi bất cứ điều gì hơn được”, Tổng Lãnh sự Ian Gibbons viết.
Một lần nữa, tài năng và tâm huyết của các bác sỹ Việt Nam lại được nhắc đến như một điểm sáng ấm áp giữa đại dịch COVID-19 nguy hiểm. Trước đó, trong giai đoạn đầu tiên của đại dịch, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tìm đủ mọi cách để cứu sống bệnh nhân Li Ding (66 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), một bệnh nhân mắc COVID-19 có nhiều bệnh nền phức tạp.
Lúc được xuất viện trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh, ông cúi gập người trước các y, bác sỹ Việt Nam – những người đã mang ông trở lại cuộc đời một lần nữa. Hành động đó của người đàn ông ngoại quốc xa lạ trước tài năng, y đức của bác sỹ Việt Nam đã chứng minh tâm thế của một Việt Nam dù nhỏ bé vẫn có thể làm nên những điều kỳ diệu.
Và với nam phi công người Anh cũng vậy, dù bên mình không có một người thân khi phải chống chọi với tử thần, nhưng cạnh giường bệnh của ông luôn có cả một đội ngũ “Từ mẫu” túc trực cùng cả triệu trái tim luôn hướng về, dõi theo mỗi ngày.
Mệnh lệnh từ trái tim
Người Việt Nam có câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”, trong hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn, tinh thần đó lại càng được phát huy, lan tỏa mạnh mẽ. Người dân Việt Nam sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, hy sinh lợi ích của mình để giúp đỡ người yếu thế hơn, thậm chí ngay cả một phần máu, thịt của mình.
Khi thông tin có khả năng ghép phổi cho nam bệnh nhân được đưa ra, ngay lập tức có gần 60 người Việt Nam khắp nơi trong cả nước tình nguyện đăng ký hiến phổi, trong đó ít tuổi nhất là một nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi nhất đã 78 tuổi. Họ dù không biết bệnh nhân số 91 là ai nhưng sẵn sàng tình nguyện hiến tặng một phần phổi của mình cho người bệnh. Tinh thần Việt Nam, lòng nhân hậu của con người Việt Nam chưa bao giờ được nhắc đến nhiều như trong những ngày xảy ra dịch COVID-19.
Cuộc chiến “chống lại giặc COVID-19” vẫn đang diễn ra rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn, nhưng những thành quả mà Việt Nam đạt được trong cuộc chiến này khiến cộng đồng quốc tế nể phục. Thực tế đã chứng minh, qua 56 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong số 332 người mắc COVID-19 chỉ còn 2 bệnh nhân đang phải điều trị, 330 người đã được chữa khỏi, trở về với gia đình, người thân. Hoạt động của tất cả lĩnh vực đã trở lại trạng thái bình thường mới, hai lĩnh vực quán karaoke và vũ trường cũng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép mở cửa hoạt động trở lại.
Trước cơn đại dịch COVID -19, Việt Nam đã luôn hành động mạnh mẽ, quyết liệt, nhanh chóng với mục tiêu tối thượng đó là “bảo vệ an toàn tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu,” có thể chấp nhận hy sinh các lợi ích về kinh tế để chống dịch hiệu quả, đồng thời thể hiện trách nhiệm với cộng động quốc tế trong các vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch. Tất cả người dân Việt Nam đều đồng sức, đồng lòng để chiến thắng trước giặc vô hình COVID-19. Kết quả đó khiến dư luận các nước, truyền thông quốc tế “ngả mũ” với nỗ lực phòng, chống dịch của Việt Nam.
Dẫu đâu đó bên ngoài vẫn còn có cái nhìn sai lệch về quá trình điều trị, chạy chữa cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng có trực tiếp tận mắt chứng kiến những nỗ lực, sự hy sinh niềm riêng của đội ngũ y, bác sỹ Việt Nam để giành giật sự sống cho bệnh nhân mới thấu cảm hết được tài năng, trí tuệ, tâm huyết của họ. Và có lẽ, với những người thầy thuốc Việt Nam, cứu người đã là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim, là lời thề Hyppocrates khắc sâu trong tâm khảm dù cho bệnh nhân đó có khác biệt về tiếng nói, màu da.
Theo TTXVN