Hành trình ánh sáng và tương lai

17/05/2020 07:20

Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của lãnh tụ Hồ Chí Minh là cuộc hành trình vượt lên chính mình, đi về ánh sáng, hướng tới tương lai.


Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 2.3.1946. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Ngày 5.6.1911 với tên gọi mới là Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng, khởi đầu một cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước. Từ ý chí của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sáng lên tầm nhìn Nguyễn Ái Quốc. Từ những hoạt động cách mạng không mệt mỏi của người cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã hiện ra ra lung linh trí tuệ, bản lĩnh Hồ Chí Minh, xây nên một thời đại rạng rỡ trong lịch sử dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.

Tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước. Ngày 5.6.1911 với tên gọi mới là Văn Ba, Người đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng, khởi đầu một cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Không khoác áo thân sĩ, ra đi trong tư cách một người lao động, với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một mình tiến hành cuộc trường chinh ba mươi năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Mục đích của chuyến đi này, hơn 10 năm sau, năm 1923, Người đã trả lời nhà thơ, nhà báo Nga Ôxíp Manđenxtan: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm những gì ẩn dấu đằng sau những từ ấy...”. Một lần khác, trả lời nhà văn Mỹ Aana Luy Xơtơrông, Người nói: "Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau, ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này thì nghĩ là Nhật, người kia thì nghĩ là Anh, có người thì nghĩ là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi".

Thế là, vì "muốn xem cho rõ", trong 30 năm, Người đã tận dụng mọi cơ hội, vượt muôn ngàn khó khăn, để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã in dấu qua hai đại dương, bốn châu lục, từ Á, Âu, Phi đến Mỹ la tinh, trong một không gian rộng lớn đa sắc màu; trong một thời gian dài rộng đầy biến cố lịch sử. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản cũng như thuộc địa.

Từ những điều mắt thấy tai nghe, từ những kiến thức thu thập được, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, và sau đó là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, đã bổ sung cho mình những tri thức phong phú, tầm nhìn rộng lớn và hiểu biết sâu sắc về các nước đế quốc cũng như nhân dân các nước thuộc địa. Người rút ra kết luận là: chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa.

Chính chủ nghĩa yêu nước cùng những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về thực tiễn, lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, bất chấp hiểm nguy để tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành Nguyễn Ái Quốc - nhà hoạt động xuất sắc của quốc tế cộng sản và giai cấp công nhân.

Đặc biệt, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã giúp Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Đó cũng là xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới, là con đường hướng đến ánh sáng, tràn ngập ánh sáng, mà bằng trí tuệ mẫn tiệp, tri thức uyên bác, tầm nhìn sâu rộng, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn và trực tiếp dẫn dắt nhân dân Việt Nam.

Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập vào năm 1930, cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam đã cơ bản được xác định. Điều này không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu của cách mạng Việt Nam.

Người làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.

Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ, Người cùng toàn Đảng đã sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng. Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính” phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Người và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Và với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối, hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đi theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra; trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vận dụng phát triển, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu đó khẳng định mạnh mẽ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với thực tiễn trong nước và thế giới; là minh chứng rõ ràng nhất về những giá trị to lớn, soi sáng, dẫn đường của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời cũng thể hiện tầm vóc trí tuệ và bản lĩnh của Đảng ta trong việc vận dụng sáng tạo và bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng của Người trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ làng Sen, Chủ tịch Hồ Chí Minh vươn ra biển lớn để từ một người yêu nước chân chính thành người cộng sản chân chính, một nhà văn hóa lớn. Từ thế giới, Người trở về với nhân dân mình, dân tộc mình - Người làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam. Người để lại cho muôn đời sau tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, con đường Hồ Chí Minh. Người là đóa sen đẹp nhất của dân tộc Việt Nam và là đóa sen đẹp, thanh cao, mẫu mực của nhân loại.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Hành trình ánh sáng và tương lai