Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với Tổ quốc. Bác đã nói: “Công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”.

75 năm đền ơn đáp nghĩa

Nhớ lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 75 năm qua, phong trào “đền ơn đáp nghĩa,” “uống nước nhớ nguồn”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được toàn xã hội quan tâm…

Từ những hành động “hiếu nghĩa bác ái”, phong trào “mùa đông binh sĩ”… trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945 và sau này là những phong trào vườn cây, ao cá, thửa ruộng, hũ gạo nghĩa tình… trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đến nay đã phát triển thành phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Hiện, có 5 chương trình lớn, gồm: Nhà tình nghĩa; Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phong trào chăm sóc người có công đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội. Tới nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.600 sổ với tổng kinh phí là hơn 113,7 tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 36.400 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 24.000 nhà tình nghĩa trị giá gần 2.140 tỷ đồng.

Sau 75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân liên tục được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng. Tính đến tháng 12.2021, cả nước có 3.736/139.882 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày 27.7 hằng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, ở tất cả các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách.

Sau 75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân liên tục được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Theo đó, các chính sách ưu đãi được thực hiện đa dạng gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: Hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế.

Người có công tùy từng đối tượng sẽ có các chính sách chăm sóc đặc thù như: Chính sách trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình… Người có công được chăm sóc với nhiều hình thức đa dạng như tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng.

Từ năm 1994 đến nay, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh gắn liền với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Theo đó, chế độ được điều chỉnh nhiều lần, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, nguyên tắc và phương thức điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều kiện của ngân sách nhà nước, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống của người có công.

dao-ngoc-dung.jpg
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đến viếng, dâng hương các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. (Ảnh: TTXVN)

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là tinh thần tự vươn lên của người có công với cách mạng, đến nay, chỉ tiêu hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú đạt 98,6%; xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ đạt 99%.

Ngoài ra, hiệu quả việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở đã hoàn thành, cả nước có tổng số 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở (tương ứng với tổng số kinh phí khoảng 10.654 tỷ đồng.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, theo đó có gần 1 triệu đối tượng thuộc lĩnh vực người có công chi trả tiền hỗ trợ với kinh phí khoảng 1.483 tỷ đồng. Điều này cho thấy người có công luôn là đối tượng được ưu tiên trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách xã hội.

Những nỗi đau không tên

Sự hy sinh của những người đã ngã xuống vì đất nước vừa là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi đau của những người còn sống. Lửa chiến tranh đã tắt hàng chục năm, đã chôn vùi rất nhiều thứ, nhưng trong mỗi gia đình liệt sĩ, mỗi thương binh đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường thì vẫn còn nguyên đó những ngọn lửa lòng. Người còn sống khóc thương người đã khuất và có những nỗi đau không bao giờ nguôi.

Cứ tháng bảy hằng năm, hàng vạn người thân, du khách và những đồng đội đến thăm viếng các liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc tại các nghĩa trang trên khắp cả nước. Trên tấm bia đá trước mộ họ khắc nhiều cái tên, mỗi một cái tên được viết lên là một người đã nằm xuống. Mỗi cái tên nối dài thêm vinh quang cho đất nước, cũng nối dài thêm nỗi đau mất người thân của hàng vạn gia đình liệt sĩ.

Trên khắp mảnh đất Việt Nam, trong hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ vẫn còn hơn 300.000 người khi sinh ra có tên, có họ nhưng khi nằm xuống trên bia mộ chỉ khắc chữ “Vô danh” hoặc “chưa xác định danh tính”.

Hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. Mỗi năm, Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.

Nguồn hỗ trợ xây dựng nghĩa trang, tôn tạo nghĩa trang được rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ chưa bao giờ ngừng nghỉ. Đặc biệt, hằng năm, các nghĩa trang vẫn đón các hài cốt liệt sĩ được tìm thấy từ những chiến trường cũ, từ Lào, Campuchia trở về.

Theo thống kê, cả nước có hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Đặc biệt, vẫn còn gần 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy. Do đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Trong giai đoạn từ năm 2012-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo; Quyết định số 1515/QĐ-TTg về ban hành tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Hằng năm, chúng ta tìm kiếm, quy tập được hàng nghìn hài cốt liệt sĩ ở trong nước và nước ngoài.

Chiến tranh đã lùi xa, hầu hết các đơn vị, cá nhân không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và những người làm chứng không còn… Nhiều trường hợp hy sinh mấy chục năm, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết

Song song với việc quy tập hài cốt liệt sĩ, việc “trả lại tên” cho các anh cũng được thực hiện. Các cơ quan chức năng đã phối hợp để xây dựng Trung tâm lưu giữ nguồn gen để phục vụ cho công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; điều tra, thu thập thông tin về liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin, mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; cổng thông tin điện tử về mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ…

Vẫn còn những khắc khoải, đợi chờ…

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả nó để lại vẫn còn đó. Không ít những người có công đã mất giấy tờ nên không thể hoàn thiện hồ sơ xác nhận người có công. Trong hàng triệu những người đã hy sinh, để lại một phần thân thể nơi chiến trường, có những người chưa được biết tên, chưa được công nhận là thương binh, liệt sĩ.

nguyenxuanphuc.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết do chiến tranh đã lùi xa, hầu hết các đơn vị, cá nhân không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và những người làm chứng không còn… Nhiều trường hợp hy sinh mấy chục năm, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh.

Từ tấm lòng biết ơn và trăn trở day dứt của các thế hệ sau đối với anh linh các anh hùng liệt sĩ, với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và sự chăm lo của nhân dân,” Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập trung rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng và nhìn chung nhận được sự ủng hộ của nhân dân.

Trong số các liệt sĩ được xác nhận 5 năm qua, phần lớn hy sinh trên 50 năm, nhiều trường hợp hy sinh trên 80 năm. Những năm tháng đó là quãng thời gian đằng đẵng nỗi nhớ khắc khoải, chờ mong của thân nhân và gia đình, với tia hy vọng mong manh rằng người ông, người bà, cha mẹ con của mình được công nhận liệt sĩ.

“Đó là nỗi xót thương khi tiễn cha, anh lên đường nhưng chưa một lần gặp lại. Đó là nỗi niềm đau đáu trong tâm can khi gia đình chưa được đón nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi công khắc ghi tên người thân của mình. Đợi chờ, hy vọng, thất vọng, rồi lại đợi chờ, mong mỏi và cuối cùng được đón nhận tình cảm vỡ oà trong nước mắt của hơn 2.400 liệt sĩ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động.

“Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh

Bộ trường Đào Ngọc Dung khẳng định cần tiếp tục đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ để đáp ứng nhu cầu của gia đình trong việc tìm kiếm thân nhân, thăm viếng một liệt sĩ cũng như tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu liệt sĩ.

Tiếp nối hành trình tri ân

Đã 75 năm kể từ Ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7 lần đầu tiên được phát động, cả nước vẫn một lòng hướng về thương binh, liệt sĩ với lòng biết ơn sâu sắc. Sự đóng góp của cộng đồng đã trở thành nguồn lực không thể thiếu trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi người có công. Khắp mọi nơi, hành trình tri ân đã trở thành thành hoạt động mà Nhà nước và người dân cùng chung tay thực hiện với một mục tiêu chung là chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn cho đời sống người có công.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới gần đây, Đảng và Nhà nước đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

nguyen-phu-trong.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một lần nữa đặt rõ mục tiêu: “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn và đề nghị các địa phương, các cơ quan, đơn vị cũng như mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

“Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh./.

Đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó, có gần 9.000 người người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; khoảng 16.500 người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19.8.1945; gần 1.2 triệu liệt sĩ; gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; trên 139.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; gần 185.000 bệnh binh; gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 111.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; khoảng 1.897.000 người có công giúp đỡ cách mạng; gần 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Hiện nay, có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình 75 năm thắp sáng ngọn lửa tri ân thương binh, liệt sĩ