Chị Phạm Thị Gượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thị Đức, xã Nhật Tân (Gia Lộc) đã có nhiều việc làm sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Gần 7 năm qua, chị Phạm Thị Gượng vẫn bền bỉ thực hành tiết kiệm mỗi ngày để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn
Dù điều kiện kinh tế gia đình chưa thực sự dư giả nhưng bằng tấm lòng nhân ái, gần 7 năm qua, chị Phạm Thị Gượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thị Đức, xã Nhật Tân (Gia Lộc) đã tự nguyện thực hành tiết kiệm thông qua nuôi lợn nhựa để sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Nuôi lợn nhựa giúp người nghèoĐến trung tâm xã Nhật Tân, ghé vào cửa hàng tạp hóa hỏi nhà chị Gượng, chị bán nước mía bên đường không ngần ngại lấy xe đạp dẫn đường cho chúng tôi. Hỏi ra mới biết, đây là người từng được chị Gượng giúp đỡ khi gặp khó khăn. Đón khách bằng nụ cười hồn hậu, chị Gượng kể cho chúng tôi nghe về "mô hình" tiết kiệm của mình. Lúc đầu, chị mua lợn nhựa với ý định mỗi ngày đi chợ về còn lại những đồng tiền lẻ sẽ bỏ vào đó để cuối năm có khoản tiền mua sắm quần áo, sách vở cho các con, tặng quà các cháu thiếu nhi dịp Tết Trung thu. Chị bền bỉ tiết kiệm mỗi ngày, ngày nhiều thì 2.000 - 3.000 đồng, ngày ít thì 500 - 1.000 đồng. Năm đầu tiên mổ lợn thu được 1,3 triệu đồng, chị dành tặng một suất quà trị giá 500 nghìn đồng cho cháu Nguyễn Văn Nhất, mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang ở cùng với bà ngoại đã già yếu. Ngoài ra, chị cũng tặng quà cho 2 cháu khác trong thôn có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 100 nghìn đồng. Đến nay, chị đã duy trì nuôi lợn nhựa được gần 7 năm. Mỗi năm chị mổ lợn một lần, toàn bộ số tiền thu được đều dành để tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, không nơi nương tựa trong thôn, xã.
Không chỉ tự mình bền bỉ thực hành tiết kiệm, chị Gượng còn vận động chồng chị và hai con trai đã tốt nghiệp đại học đi làm nuôi lợn nhựa hỗ trợ người nghèo. Trung bình mỗi năm, gia đình chị tiết kiệm được khoảng 2,5 - 3 triệu đồng, tính đến nay, đã tiết kiệm được gần 16 triệu đồng. Với số tiền này, chị đã tặng hơn 20 suất quà cho người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Ngoài ra, vào các dịp như Quốc tế Thiếu nhi 1 - 6, Tết Trung thu..., chị đều trích một phần tiền tiết kiệm để mua bánh kẹo tặng các cháu... Năm 2013, gia đình chị còn ủng hộ thôn 10 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa. "Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình chưa thực sự dư dả nhưng tôi nghĩ tiết kiệm là để mọi người học được cách cho. Khi thấy số tiền tiết kiệm của mình được sử dụng đúng mục đích, giúp đỡ được các em nhỏ, người già neo đơn có thêm tấm áo, cuốn sách, tôi thấy rất vui. Với tôi hạnh phúc là giúp đỡ được người khác", chị Gượng chia sẻ.
Hết lòng vì phong trào chungKhông chỉ giàu lòng nhân ái, biết sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, 14 năm qua với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thị Đức, chị Gượng luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, tích cực vận động chị em tham gia nhiều phong trào của hội cấp trên. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chị Gượng đến từng nhà hoặc gặp chị em sau những buổi đi làm đồng, vận động họ tham gia. Nhờ sự khéo léo, nhiệt tình, nhẫn nại của chị Gượng mà đến nay, Chi hội Phụ nữ thôn Thị Đức đã thu hút được tất cả phụ nữ trong thôn tham gia sinh hoạt hội. Nhiều người đã ngoài 70 - 80 tuổi vẫn hăng hái đăng ký tham gia sinh hoạt chi hội như bà Nguyễn Thị Nhật, Trần Thị Diên... Để tạo sự gắn kết giữa các chị em với nhau, chị Gượng đã thành lập 4 câu lạc bộ: Mẹ chồng nàng dâu, Không sinh con thứ ba, Văn hóa, văn nghệ, Giúp nhau phát triển kinh tế. Chị Gượng cũng tích cực tuyên truyền, vận động tất cả chị em hội viên tham gia mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm. Năm 2013, các chị em trong thôn đã tiết kiệm được gần 15 triệu đồng. Từ số tiền này, chị em đã mua tặng nhà văn hóa thôn 60 chiếc ghế Xuân Hòa. Ngoài ra, chị cũng đã vận động chị em tiết kiệm để đóng góp, xây dựng "Quỹ tình thương" giúp hơn 40 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay gần 100 triệu đồng với lãi suất thấp để phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp.
Năm 2013, chị Gượng đã mạnh dạn xin ý kiến cấp ủy địa phương cho Chi hội Phụ nữ thôn đứng ra kêu gọi, vận động quyên góp ủng hộ xây dựng nhà văn hóa. Chị đã vận động chị em đóng góp mỗi người một ngày công và 50 nghìn đồng. Cùng với đó, chị vận động chị em tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, dồn điền, đổi thửa... Mặc dù bận rộn với công tác hội nhưng chị luôn chu toàn việc gia đình, chăm sóc mẹ già 80 tuổi và nuôi dạy 2 con trưởng thành. Chị Gượng chia sẻ: "Những việc làm của tôi chỉ mong tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ phía hội viên. Mỗi người tiết kiệm, đóng góp một chút để hỗ trợ, chia sẻ với những chị em còn khó khăn hơn mình thì phong trào hội sẽ vững mạnh, đoàn kết”.
Nói về tấm gương bình dị của chị Gượng, chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhật Tân cho biết: "Chị Gượng là một tấm gương thực hành tiết kiệm tiêu biểu của địa phương. Với tấm lòng nhân ái, sẻ chia của bản thân, chị đã nhân lên thành phong trào tiết kiệm cho chị em trong chi hội cũng như toàn xã. Đây là một phong trào hết sức ý nghĩa đối với địa phương, qua đó giúp mỗi người hiểu được giá trị của việc cho đi".
NGÂN HÀ